xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Có bán thầu, thất thoát

Tô Hà

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng thừa nhận có tình trạng trên trong các công trình giao thông và khẳng định kiên quyết thay thế các nhà thầu, chủ đầu tư không bảo đảm chất lượng

Sáng 23-11, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng là người đầu tiên đăng đàn trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII. Ông mới đảm nhận cương vị được 3 tháng 15 ngày, lại lần đầu tiên đăng đàn nên đôi lúc tỏ ra còn lúng túng trước các câu hỏi của đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

Phấn đấu giảm 5% - 10% tai nạn giao thông

Từng có nhiều câu hỏi gai góc trong các kỳ họp QH trước, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) mở đầu phiên chất vấn bằng cách bày tỏ thái độ ngưỡng mộ Bộ trưởng Đinh La Thăng vì tuổi còn rất trẻ, dám nghĩ, dám làm song cũng đặt trực diện câu hỏi về giải pháp đột phá của bộ trưởng trước tình trạng tai nạn, ùn tắc giao thông và chất lượng cầu đường kém. Ba ĐB tiếp theo cũng đồng loạt yêu cầu Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết giải pháp đột phá để giải quyết tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông.

img

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng: “ Chưa thể khẳng định được bao giờ hết ùn tắc và tai nạn giao thông”. Ảnh: Thế Dũng

Rào trước đón sau về việc lần đầu tiên đăng đàn, Bộ trưởng Đinh La Thăng ví đây là một cuộc thi, những người thi sau sẽ có kinh nghiệm tốt hơn và mong các ĐB, cử tri thông cảm vì chắc chắn mình sẽ có nhiều lúng túng.

Sau đó, trong loạt chất vấn của 4 ĐBQH đầu tiên, bộ trưởng đã trình bày khá dài về một số tồn tại của ngành giao thông hiện nay và khẳng định: “Mấu chốt của vấn đề là phải đầu tư nâng cao hệ thống giao thông đồng bộ, hoàn chỉnh từ đường sắt, đường bộ, đường hàng không, đường thủy và coi đây là nhiệm vụ đột phá trong 10 năm tới”.

Về khâu đột phá, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng trọng tâm là ở công tác nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý vì thực trạng giao thông hiện nay chưa tốt do công tác quản lý yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu. “Người dân lờn luật, hạ tầng yếu kém, nhận mãi lộ… đều có nguyên nhân từ công tác quản lý Nhà nước không tốt. Ùn tắc giao thông thì vai trò của chính quyền địa phương, ngành GTVT đi đầu, tiếp đến mới là ý thức người dân” – ông Thăng nói.

Không thỏa mãn với câu trả lời của “tư lệnh” ngành giao thông, 4 ĐBQH chất vấn loạt đầu đều đồng loạt nhấn nút để xin chất vấn lần 2. “Tôi thông cảm với bộ trưởng nhưng nếu trả lời lòng vòng thế thì ai cũng làm bộ trưởng được. Xin bộ trưởng nói rõ bao nhiêu năm thì giảm được tai nạn giao thông để QH, cử tri giám sát?” - ĐB Nguyễn Bá Thuyền hỏi thẳng vào vấn đề. ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) hỏi thêm: “Cháy nhà thì phải phá cửa cứu người nhưng bộ trưởng lại chỉ tập trung giải pháp lâu dài. Bộ trưởng có dám cam kết từ năm 2012-2013 sẽ xóa bỏ các điểm đen gây tai nạn không?”.

Trước những câu hỏi đi thẳng vào vấn đề như vậy, Bộ trưởng Thăng trả lời: “Với sự nhất trí cao và thực hiện hết sức quyết liệt, tai nạn, ùn tắc giao thông sẽ giảm. Còn bao giờ giảm, bao giờ hết thì chưa thể khẳng định được, mong ĐB thông cảm”.

Trước đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định từ năm 2012, mỗi năm sẽ phấn đấu giảm 5% - 10% tai nạn giao thông và cải thiện giao thông trong cả nước. Ông cũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình: “Có ý kiến cho rằng giải pháp mà Bộ GTVT đưa ra mang tính chắp vá, như việc đổi giờ làm. Xin báo cáo toàn thể nhân dân, đây là giải pháp nằm trong tổng thể chứ không phải manh mún. Quan điểm của chúng tôi là phải hành động ngay, chứ cứ chờ có đầy đủ điều kiện mới thực hiện thì sẽ không làm được”.

Cần phạt tù “ma men” lái xe

ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) hỏi: “Tai nạn giao thông đang được ví như thảm họa sóng thần, 70% nguyên nhân gây tai nạn là do lái xe. Bộ trưởng quan tâm đến vấn đề đào tạo, sát hạch lái xe thế nào?”. Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết hiện đang xử phạt nghiêm lỗi tài xế uống rượu bia và đang đề xuất với mức độ cao hơn. Ví dụ, theo kinh nghiệm của nước láng giềng là phạt tù ít nhất 15 ngày, thậm chí 3 tháng, tùy mức độ “say sưa”. 

Nhận trách nhiệm về công tác đào tạo, sát hạch lái xe, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết đang cho tổ chức lại hệ thống cấp bằng, bảo đảm không thể làm giả và quản lý chặt chẽ người điều khiển phương tiện giao thông. “Nếu mức độ gây tai nạn của lái xe nhiều hoặc nghiêm trọng, có thể yêu cầu dừng đào tạo hoặc đóng cửa trung tâm” – ông Thăng nhấn mạnh.

“Chia lửa” với người đứng đầu ngành GTVT, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đề nghị cần có quy định chủ phương tiện phải ký quỹ, mở tài khoản để ràng buộc trách nhiệm của mình trước khi đưa phương tiện vào tham gia giao thông.

Nhấn mạnh đến chế tài xử phạt, ông Quang đề nghị nâng thẩm quyền xử phạt cho CSGT từ mức tối đa 200.000 đồng lên 500.000 đồng và nâng mức xử phạt cao hơn. “Tôi đề nghị nghiêm cấm lãnh đạo các cấp và cán bộ, công chức Nhà nước can thiệp vào những vụ việc xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông” - ông Quang nhấn mạnh.

Cần sửa Luật Đấu thầu

Liên quan đến nội dung vốn và chất lượng công trình, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) truy hàng loạt vấn đề: “Chất lượng công trình giao thông thấp do công nghệ hay do thất thoát? Nếu thất thoát thì bao nhiêu phần trăm, trách nhiệm thuộc về ai? Bộ GTVT có quy định tuổi thọ công trình và có hay không việc bán thầu?”. Bộ trưởng Đinh La Thăng dẫn ra cả quy trình dài đối với một công trình xây dựng để nói rằng chất lượng công trình do nhiều yếu tố quyết định và có thể thất thoát.
Theo ông Thăng, Bộ GTVT đã và tiếp tục kiên quyết thay thế các nhà thầu, chủ đầu tư không bảo đảm chất lượng… Không thỏa mãn, ĐB An phải nhắc lại câu hỏi trong đợt chất vấn cuối cùng. Lúc này, ông Thăng mới trả lời trúng vấn đề: “Bán thầu là có vì với quy định đấu thầu hiện nay, nhà thầu tư nhân yếu kém có thể trúng thầu trong khi nhà thầu có năng lực lại không trúng. Bộ GTVT đã đề xuất sửa Luật Đấu thầu”.

ĐB Trịnh Thị Khá (Trà Vinh) hoan nghênh việc “trảm tướng” dự án đường cao tốc TPHCM – Trung Lương nhưng băn khoăn: “Bộ GTVT có khắc phục chất lượng đến đầu đến đũa trong bối cảnh cắt giảm vốn đầu tư?”. Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết qua thông tin báo chí, ông vừa đi kiểm tra đường cao tốc TPHCM – Trung Lương và đã quyết định đình chỉ giám đốc điều hành, yêu cầu nhà thầu thi công lại từ tháng 12 tới. “Nếu vẫn chưa đạt chất lượng, nhà thầu phải tiếp tục chịu trách nhiệm bảo hành” – ông Thăng khẳng định.

ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) chất vấn vì sao lại phải nâng cấp tuyến đường sắt xây dựng từ thời Pháp thuộc với kích thước đường ray chỉ 1 m, trong khi có rất nhiều đề xuất xây dựng cặp đường sắt cao tốc nối Bắc - Nam với vận tốc chỉ khoảng 200 km, chứ chưa cần 300-400 km như các nước khác. Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định phát triển đường sắt là chuyện tất yếu nhưng đầu tư thế nào thì cần phải nghiên cứu. “Trước hết, sẽ cải tạo tàu lửa để có tốc độ 120 km/giờ” - ông Thăng nói.

Giải quyết nút thắt thiếu vốn cho công trình giao thông, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh thừa nhận nguồn vốn cho giao thông là khó cân đối, bất cập nhất trong các nguồn vốn của Chính phủ. “Chính phủ đã có thay đổi về tư duy đầu tư để tạo bước đột phá” – ông Vinh trấn an.

Làm sao dám nói hết điểm “đen”!

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng với báo chí bên lề hành lang Quốc hội

* Phóng viên: Thưa bộ trưởng, ông có bị áp lực lớn khi là người đầu tiên đăng đàn hay không?

- Bộ trưởng Đinh La Thăng: Lần đầu trả lời chất vấn nên không tránh khỏi lúng túng nhưng tôi cho rằng quan trọng nhất là phải hành động như thế nào để đạt được hiệu quả công việc.

img

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng trả lời báo chí. Ảnh: Thế Dũng

* Ông suy nghĩ gì khi có đại biểu Quốc hội cho rằng trả lời như ông thì ai cũng có thể làm được bộ trưởng?

- Tôi nghĩ bộ trưởng là do Quốc hội phê chuẩn chứ không phải ai cũng làm được. Theo tôi, chúng ta đang nói đến văn hóa giao thông thì cũng cần có văn hóa về chất vấn.

* Có ý kiến cho rằng bộ trưởng đã trả lời vòng vo, có tính chất “câu giờ”?

- Cùng lúc trả lời các vấn đề của nhiều đại biểu Quốc hội nên không thể đi sâu và cụ thể. Nếu trả lời cụ thể cho từng người một thì không thể vòng vo được vì đại biểu hỏi câu nào thì trả lời câu nấy.

* Theo ông, có ý kiến nào cần quan tâm để điều chỉnh giải pháp cũng như rút ra kinh nghiệm sau phiên chất vấn?

- Với hiện trạng giao thông hiện nay, mọi nguyên nhân, giải pháp chúng ta đều biết cả. Tuy nhiên, phải tổ chức thực hiện quyết liệt và “máu lửa” chứ không phải chỉ hô khẩu hiệu mà không làm. Vấn đề ở đây là hành động hay không hành động.

* Ông nghĩ gì trước những câu hỏi bao giờ mới hết tai nạn giao thông?

- Đó là những câu hỏi cho vui chứ tai nạn giao thông không thể hết được vì chúng ta phải hiểu nó là một phần của cuộc sống. Khi kinh tế phát triển, phương tiện gia tăng, cuộc sống sôi động thì chỉ có thể kiềm chế và làm giảm tai nạn giao thông chứ không thể hết được. Có người còn hỏi sang năm tới, liệu có hết điểm “đen” giao thông không? Làm sao dám khẳng định hết hay không hết!

Phương Anh ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo