Sáng 27-4, người dân xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình phát hiện cá chết trong tình trạng phân hủy và nhiều cá mới chết nằm dày đặc trên bãi biển Đá Nhảy, kéo dài gần 3 km.
Cá chết nhiều như rạ
Cùng ngày, trước việc cá chết bốc mùi hôi thối, người dân xã Thanh Trạch phối hợp với các đoàn viên thanh niên Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) Chi nhánh Quảng Bình tổ chức thu gom. “Tưởng là dừng lại rồi ai ngờ hôm nay, cá vẫn chết trôi vô đây. Chúng tôi đi dọc bãi biển thu gom và chôn lấp không biết bao nhiêu là cá nữa!” - bà Nguyễn Thị Nga (ngụ xã Hải Trạch) lo lắng. Ông Linh, chủ một nhà hàng ở bãi tắm Đá Nhảy, khẳng định: “Mấy ngày qua, cá chết nhiều trở lại, có hôm người dân thu gom đến mấy tạ”.
Tại các bãi biển Nhân Thọ (phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn), biển Lý Hòa (huyện Bố Trạch) và vùng biển Bảo Ninh vẫn xảy ra hiện tượng cá chết. “Mới hôm rồi, người dân tiếp tục phát hiện một lượng lớn cá chết trôi dạt vào bờ sông Nhật Lệ và ven biển xã Bảo Ninh. Chúng tôi phải huy động một lực lượng thu gom, xử lý” - ông Nguyễn Thanh Điệu, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bảo Ninh, xác nhận.
Cùng ngày, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình đã có công văn chỉ đạo Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương các xã ven biển có tình trạng cá chết hướng dẫn cách chôn lấp, xử lý cá chết. Tuy nhiên, nhiều đơn vị và người dân vẫn xử lý số lượng cá chết theo cách thô sơ khiến môi trường biển ô nhiễm một cách nghiêm trọng.
Không phải do nhiễm độc?
Cũng trong sáng 27-4, tại một số điểm ở bãi biển Đà Nẵng cũng bắt đầu xuất hiện tình trạng cá chết rải rác, bốc mùi hôi thối, được công nhân môi trường khẩn trương dọn dẹp. Ông Lưu Quang Khánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Đà Nẵng, nhận định số cá này chết có thể do nắng nóng hoặc vì khu vực đó có chợ hải sản nên một số con cá bị rơi trong quá trình vận chuyển chứ không phải cá chết do nhiễm độc (?). “Chúng tôi đã đi kiểm tra các lồng bè nuôi cá ở khu vực thì thấy bình thường. Không có tình trạng cá chết” - ông Khánh khẳng định.
Chiều cùng ngày, Chi cục Thủy sản TP Đà Nẵng cũng chính thức thông báo về tình hình cá chết trôi dạt vào bờ biển Đà Nẵng. Nội dung cho biết chỉ có 17 con cá chết trôi dạt vào biển Đà Nẵng trong tình trạng đã phân hủy mạnh. Nguyên nhân có thể do trong quá trình khai thác của ngư dân, một số cá thể bị thương ngoài biển, các tàu cá thu hồi ngư cụ bị thất thoát cá dẫn đến một số loài cá chết, lâu ngày dạt vào bờ. Đối với các hộ nuôi lồng, bè hiện nay vẫn hoạt động bình thường.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, cùng chiều, cơ quan chức năng đưa ra thông báo với kết luận trên, tại một đoạn bờ biển Mân Thái dài chừng 300 m vẫn xuất hiện rải rác xác cá chết. Phóng viên ghi hình được ít nhất 5 con cá gồm nhiều loại khác nhau. Trong số này, có nhiều con đã bốc mùi hôi thối, bị phân hủy, có con bị khô nhưng có con có dấu hiệu vừa mới chết không lâu.
Trước đó, vào ngày 22-4, tại xã đảo Tân Hiệp (còn gọi là Cù Lao Chàm, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) cũng đã xuất hiện tình trạng cá chết không rõ nguyên nhân. Nhiều người dân địa phương xác nhận cá chết chủ yếu gồm các loài như cá sơn, cá kia, cá liệt, cá kẽm. Trong đó, có con cá kẽm nặng khoảng 1 kg; nhiều cá kia dài khoảng 7-10 cm chết nằm trên bãi biển cùng với rong. Dọc bãi biển Cù Lao Chàm, cá nằm chết lác đác, ước vài trăm con.
Các ngành chức năng Đà Nẵng và Quảng Nam khẩn trương lấy mẫu, phân tích để làm rõ nguyên nhân. Trước lo lắng của người dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng chỉ đạo Chi cục Thủy sản TP Đà Nẵng thường xuyên phối hợp với các địa phương, các cơ quan có liên quan và bà con ngư dân theo dõi tình hình cá chết để có biện pháp ứng phó phù hợp.
Bắt quả tang thương lái mua cá chết nhiễm độc
Ông Nguyễn Xuân Đạt, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình, cho biết khoảng 14 giờ ngày 27-4, chi cục phối hợp với Công an, Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Ba Đồn bắt quả tang bà Hoàng Thị Thanh (trú thôn Văn Phú, xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn) thu mua cá chết của người dân vừa gom từ biển về. Số cá mà thương lái này thu mua gồm khoảng 800 kg cá đục, được ướp trên xe đông lạnh loại 1,5 tấn. Bà Thanh khai nhận sẽ đưa số cá này lên huyện miền núi Tuyên Hóa để tiêu thụ.
Liên quan đến vụ việc, sau khi nhận được thông tin về việc nhiều ngư dân tỉnh Hà Tĩnh vào vùng biển ven bờ Quảng Bình thu gom cá đục đã chết để bán cho các thương lái, ngay trong ngày 27-4, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo Hải đội 2 phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Gianh tổ chức lực lượng kiểm tra, kiểm soát, đồng thời thu giữ tang vật trên 7 thuyền bơ nan của ngư dân. Trên các thuyền đang chứa một lượng lớn cá vừa được thu gom. Đây là loại cá sống tầng đáy, bị chết hàng loạt trong những ngày vừa qua. H.Phúc
Bình luận (0)