xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Có cả đường dây phá rừng

Bài và ảnh: TRẦN THƯỜNG

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: “Lâm tặc phá rừng sát đường mà lực lượng chức năng không biết là vấn đề rất đáng suy nghĩ...”

Ngày 20-7, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã thị sát hiện trường vụ phá rừng pơ-mu đặc biệt nghiêm trọng tại khu vực biên giới giáp ranh huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam và tỉnh Sê Kông (Lào). Chỉ trong thời gian ngắn, qua tin báo của người dân, các cơ quan chức năng đã phát hiện số gỗ pơ-mu bị triệt hạ lên đến 591 phách (hơn 44 m3).

Tan hoang rừng pơ-mu cổ thụ

Vụ phá rừng trên diễn ra tại khoảnh 5, Tiểu khu 351, cách Trạm Kiểm soát biên phòng Cửa khẩu Nam Giang chừng 7-8 km. Để vào khu vực này, chỉ có một con đường và phải đi bộ. Trước đây, nơi này là khu rừng trăm tuổi nhưng nay trở thành một bãi tan hoang. Nhiều cây pơ-mu có đường kính cả mét bị lâm tặc chặt hạ, cưa xẻ ngổn ngang trong rừng.

Theo lực lượng công an, số gỗ được kiểm đếm chỉ là những cây đã bị hạ và xẻ thành phách. Số cây bị cưa gần đổ và chưa xẻ rất nhiều. Cách nơi này chừng 500 m, một cánh rừng pơ-mu khác bị tàn phá nghiêm trọng hơn, trong đó có nhiều cây thuộc địa phận Lào.

Những cây pơ-mu trăm tuổi bị lâm tặc đốn hạ như thế này nằm ngổn ngang trong rừng huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam
Những cây pơ-mu trăm tuổi bị lâm tặc đốn hạ như thế này nằm ngổn ngang trong rừng huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam

Kiểm tra tại hiện trường, ông Lê Trí Thanh nhận định lâm tặc hết sức liều lĩnh, phá rừng như ở chốn không người. “Đây là tuyến đường tuần tra, khu vực bất khả xâm phạm, lâm tặc lại phá rừng sát đường mà lực lượng chức năng không biết là vấn đề rất đáng suy nghĩ! Hơn nữa, điểm tập kết, cất giấu gỗ ngay bên hông đồn biên phòng và ngay trong khuôn viên Chi cục Hải quan Cửa khẩu Nam Giang” - ông Thanh đặt vấn đề.

Ông Thanh yêu cầu lực lượng công an vào cuộc quyết liệt để sớm đưa các đối tượng liên quan ra ánh sáng, không để lực lượng nào can thiệp vào quá trình điều tra. Ông chỉ đạo lực lượng biên phòng tích cực hỗ trợ, có cơ chế đặc biệt để công an thuận lợi vào khu vực biên giới thu thập tài liệu. UBND tỉnh Quảng Nam đã trao đổi và sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh Sê Kông điều tra vụ việc.

Dân không tố thì sao phát hiện!

Báo cáo tại buổi làm việc, thượng tá Nguyễn Trung, Phó Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an tỉnh Quảng Nam, cho biết trước đó, trinh sát phát hiện khu vực vùng đệm biên giới Việt - Lào có nhà kho chứa khoảng 20 m3 gỗ pơ-mu. Trưa 19-7, điều tra viên làm việc với lực lượng biên phòng để vào kiểm tra nhưng lực lượng này không đồng ý. Sáng hôm sau, đoàn công tác của tỉnh đã được đưa đến nhà kho này thì số gỗ trên không còn. Kiểm tra xung quanh thì phát hiện cách gần nhà kho này có 20 phách gỗ pơ-mu được ngụy trang gần đường.

Lực lượng công an đã làm việc với phía Lào thì được biết nhà kho trên tuy nằm trên địa phận Lào nhưng của người Việt Nam thuê và cả số gỗ trên cũng của người Việt Nam. Tại một xưởng cưa gần đó cũng có rất nhiều gỗ pơ-mu. Phía Lào nhận định nhiều khả năng số gỗ trên vừa được vận chuyển sang.

Ông Đỗ Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Sông Bung, nhận trách nhiệm khi để mất rừng nhưng cho rằng một phần do phía biên phòng không phối hợp. Khi được ông Lê Trí Thanh hỏi nhận định như thế nào về vụ việc, ông Tuấn thẳng thắn: “Với những gì diễn ra, tôi nghĩ có đường dây tổ chức phá rừng”.

Ông ALăng Mai, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, cũng bày tỏ: “Trong vụ việc này, người dân không tố giác thì ai phát hiện ra?”. Về phần mình, ông Mai cũng xin nhận trách nhiệm khi để xảy ra vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng này.

Lâm Đồng: Tạm giam thêm 11 đối tượng phá rừng

Sáng 20-7, Công an huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng cho biết đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam thêm 11 đối tượng liên quan đến vụ phá rừng tại Tiểu khu 390 (khu vực hồ thủy điện Đồng Nai 5, xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm).

Những người trên đều là đàn em của Hà “đen” (tức Lê Hồng Hà, 48 tuổi, quê huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An), đối tượng cầm đầu của vụ án. Theo kết quả điều tra, nhóm lâm tặc này khai thác gỗ trái phép trên lòng hồ thủy điện Đồng Nai 5 và các cánh rừng nguyên sinh giáp lòng hồ đưa đi nhiều nơi tiêu thụ.

Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, ngày 12-7, Công an tỉnh Lâm Đồng ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can 3 đối tượng chính trong vụ án này, gồm: Lê Hồng Hà, Nguyễn Văn Tuấn và Nguyễn Văn Thành. Hiện Hà đang bị truy nã trên phạm vi toàn quốc. Ngày 14-7, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có báo cáo về vụ khai thác rừng trái phép nói trên với Thủ tướng Chính phủ.

Đ.Thi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo