Để triển khai phố đi bộ đêm ở khu phố Tây (phường Phạm Ngũ Lão), UBND Quận 1, TP HCM sẽ xây dựng quy chế quản lý hoạt động kinh doanh, trong đó quy định khoảng không gian cho phép các hộ kinh doanh được phép sử dụng lối đi riêng dành cho người đi bộ kèm theo chế tài cụ thể.
Phố Tây - phố đi bộ
Theo dự thảo đề án kế hoạch chỉnh trang hoạt động du lịch và thành lập phố đi bộ đêm Bùi Viện tại phố du lịch Phạm Ngũ Lão (quận 1) của Sở Du lịch TP HCM và UBND quận 1 thì đề án gồm có 3 mục tiêu cụ thể. Thứ nhất, chấn chỉnh hoạt động du lịch ở khu vực này theo hướng chuyên nghiệp. Kế đến là nâng cao vai trò đóng góp của cư dân địa phương trong hoạt động du lịch. Cuối cùng, hình thành các sản phẩm, thương hiệu đặc trưng cho khu phố. Trong 3 mục tiêu của đề án, trọng tâm là chỉnh trang đô thị một số hạng mục hạ tầng trọng yếu tại khu phố Phạm Ngũ Lão, xây dựng phương án thành lập phố đi bộ đêm Bùi Viện.
Cụ thể, UBND quận 1 sẽ tổ chức cải tạo, chỉnh trang vỉa hè các tuyến đường trong khu vực phố du lịch Phạm Ngũ Lão, bảo đảm lối đi thông thoáng cho người đi bộ và văn minh đô thị cho khu vực. Các tuyến phố trước mắt sẽ được cải tạo là Phạm Ngũ Lão, Đề Thám, Bùi Viện. Quận cũng sẽ tổ chức xây dựng quy chế sử dụng vỉa hè để kinh doanh buôn bán, lấy ý kiến người dân về phương án phân chia khu vực vỉa hè, dành lối đi cho người đi bộ. Đồng thời, tổ chức cải tạo, chỉnh trang và phân làn lối đi bộ cho người đi bộ trên các tuyến đường...
Riêng đối với phố đi bộ đêm Bùi Viện (đoạn từ Đề Thám đến Đỗ Quang Đẩu) được xây dựng sẽ giúp đa dạng hóa sản phẩm du lịch của TP, tạo khu vực giải trí, giao lưu, khám phá ẩm thực và các chương trình nghệ thuật đường phố về đêm cho du khách. Sản phẩm du lịch đêm của TP HCM hiện còn thiếu nên phố đi bộ đêm Bùi Viện, theo các công ty du lịch, sẽ giúp giải quyết nhu cầu giải trí của du khách trong và ngoài nước, nhất là khách quốc tế, góp phần kéo dài thời gian khách lưu trú tại TP.
Để triển khai phố đi bộ đêm Bùi Viện, UBND quận 1 sẽ xây dựng quy chế quản lý hoạt động kinh doanh tại khu phố, trong đó quy định khoảng không gian cho phép các hộ kinh doanh được phép sử dụng lối đi riêng dành cho người đi bộ, khu vực riêng cho các hoạt động biểu diễn nghệ thuật kèm theo chế tài cụ thể. Về phương án tổ chức giao thông, theo dự thảo đề án của Sở Du lịch và UBND quận 1, tuyến phố đi bộ đêm Bùi Viện sẽ bắt đầu trong khung giờ từ 19 giờ đến 24 giờ, riêng các ngày lễ, như lễ đón năm mới từ 19 giờ hôm trước đến 4 giờ hôm sau. Sẽ có quy định phương án giao thông cho người dân lưu trú tại khu vực trên cơ sở đăng ký nhân khẩu của hộ dân...
Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết đây là nhu cầu thực tế của TP. Bởi khu phố Tây là nơi tập hợp rất nhiều khách du lịch, Tây ba lô đến ở, vui chơi giải trí. “TP đã có giao cho quận 1 nghiên cứu đề án, triển khai để làm sao khu phố Tây trở nên hấp dẫn hơn trong mắt du khách, đồng thời văn minh lịch sự và đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành du lịch” - Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến nói.
Khách Tây thích vỉa hè phố Tây
Những ngày này, đi dọc đường Bùi Viện, dễ dàng thấy các hộ kinh doanh mặt tiền đã để bàn ghế, dựng xe gọn gàng hơn. Những hộ kinh doanh ăn uống thì để một hàng bàn ghế trước nhà, còn các cửa hàng bán quần áo, đồ lưu niệm thì dựng một hàng xe. Tuy nhiên, tuyến đường này có vỉa hè không đồng đều, chỗ rộng hơn 3 m nhưng có chỗ rộng chừng 1 m. Ở những đoạn vỉa hẹp thì đúng là người đi bộ chỉ còn nước xuống lòng đường mà đi. Ở 2 tuyến đường Phạm Ngũ Lão và Đề Thám, do vỉa hè đã đồng bộ và rộng rãi nên các hộ kinh doanh chỉ dựng một hàng xe hoặc đặt kệ menu để khách xem món ăn và giá cả. Riêng đường Phạm Ngũ Lão có nhiều công ty du lịch nên nhiều đoạn xe máy dựng thành 2 hàng trông rất bát nháo. Còn đường Đỗ Quang Đẩu thì vỉa hè khá nhỏ và chưa rõ ràng nên các hộ dân vẫn tận dụng làm chỗ để xe, dựng bàn ghế bán đồ ăn cho du khách.
Theo đó, khi đề cập đến quy hoạch đường Bùi Viện thành phố đi bộ, chị Trần Thanh Hương, kinh doanh quán ăn, cho biết đã nghe từ lâu nhưng chờ mãi chưa thấy thực hiện. Theo chị Hương, đường Bùi Viện thu hút được khách nước ngoài bởi đặc trưng ăn uống trên vỉa hè, khách vừa nhâm nhi ly bia vừa ngắm đường phố. “Nếu được tổ chức thành phố đi bộ và cho phép người dân được kinh doanh trên vỉa hè thì chúng tôi hoàn toàn ủng hộ” - chị Hương chia sẻ.
Tương tự, khi hỏi đôi bạn trẻ người Pháp đang ngồi nhâm nhi ly bia trên vỉa hè Bùi Viện tối 9-3 là tại sao không ngồi trong quán cho đỡ ồn, cả hai chia sẻ rằng họ tới đây vì được ngồi trên vỉa hè để được thấy hết thanh âm cuộc sống ở một thành phố được mệnh danh là nhộn nhịp nhất Việt Nam.
Ông Cao Hồng Việt - Phó Chủ tịch UBND phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 - cho biết theo quy định, người dân chỉ được phép để một hàng xe trước nhà nhưng do đặc thù khu phố Tây phục vụ du khách, nhiều người muốn ngồi trên vỉa hè thưởng thức cuộc sống về đêm nên các hộ dân được kê một hàng bàn ghế từ 17 giờ trở đi. Khi để một hàng bàn ghế rồi thì xe của khách, chủ nhà hàng phải gửi chỗ khác chứ không được phép để xe dưới lòng đường. “Phường đã vận động, thông báo đến các hộ dân trên đường Đề Thám và các hộ kinh doanh đều đồng tình” - ông Việt nói.
Theo khảo sát của UBND phường Phạm Ngũ Lão, nếu hình thành phố đi bộ Bùi Viện, khu vực này sẹ̃ có hơn 140 hộ kinh doanh mặt tiền đường. Khi thí điểm, những hộ này sẽ được kinh doanh trên phần vỉa hè trước nhà, không được phép tràn xuống lòng đường và phải làm sạch phần vỉa he,... Ai nghe cũng ủng hộ dù những hộ này sẽ phải trả phí để duy trì an ninh trật tự cũng như vệ sinh môi trường chung sau giờ kinh doanh. “Nếu được như vậy thì người dân hoàn toàn đồng thuận và mong chính quyền làm nhanh, làm sớm” - chị Hương mong muốn.
Quận 1 sắp “giành” vỉa hè giai đoạn 2
Thông tin từ UBND quận 1, TP HCM cho biết quận này đang hoàn chỉnh kế hoạch về đẩy mạnh tổ chức lại vỉa hè giai đoạn 2.
Theo đó, chính quyền tiếp tục ra quân chấn chỉnh nhưng cũng đồng thời gắn với tuyên truyền sâu rộng để người dân và các hộ kinh doanh, doanh nghiệp tự giác thực hiện. Tiếp theo là giải quyết việc làm cho những người đang buôn bán trên vỉa hè; với những người vẫn còn khả năng học tập, chuyển đổi nghề nghiệp thì trung tâm dạy nghề của quận sẽ tổ chức dạy nghề miễn phí, thậm chí là hỗ trợ mỗi ngày 50.000 đồng đến 100.000 đồng/người để bù vào số tiền mà hôm đó không buôn bán được; đồng thời sẽ cho vay vốn để phát triển các ngành nghề.
Liên quan đến việc này, TP hiện đã đồng ý về mặt chủ trương cho quận tổ chức khu buôn bán tập trung theo giờ, có kiểm soát quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả và trang bị bảo hộ lao động, đảm bảo mỹ quan, tạm gọi là phố hàng rong. Địa điểm của “phố hàng rong” này sẽ được khảo sát lại thật kỹ để không ảnh hưởng đến giao thông, sinh hoạt, hoạt động của doanh nghiệp. Người bán sẽ được tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm; tập huấn về nguồn gốc, xuất xứ và yêu cầu về chất lượng nguyên liệu dùng cho chế biến thực phẩm.
Bình luận (0)