Ngày 12-7, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã chủ trì hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN). Tại hội nghị, nhiều ý kiến đề nghị lập cơ quan chuyên trách, độc lập về PCTN để công tác này hiệu quả.
Tài sản thu hồi quá ít
Trình bày báo cáo của Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Phan Văn Sáu cho biết trong 10 năm qua, thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng đã gây ra được phát hiện là 59.750 tỉ đồng và trên 400 ha đất. Đáng nói, số tiền đã thu hồi cho nhà nước chỉ là 4.676,6 tỉ đồng và trên 219 ha đất.
“Việc thu hồi tài sản tham nhũng thấp do nhiều trường hợp hành vi tham nhũng xảy ra khá lâu mới bị phát hiện; đối tượng đã cất giấu, tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản, thậm chí sử dụng phần lớn tài sản chiếm đoạt được để tiêu xài hoang phí” - ông Sáu lý giải.
Qua 10 năm, cơ quan chức năng đã xác minh được 4.859 trường hợp, phát hiện, xử lý kỷ luật 17 người kê khai tài sản không trung thực. Ngoài ra, còn có 70 người bị xử lý kỷ luật do vi phạm quy định về tổ chức thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập. Việc nộp lại quà tặng còn rất hình thức, hiệu quả thấp. Cụ thể, từ năm 2006 đến 2015, chỉ có 879 cán bộ, công chức nộp lại quà tặng với tổng giá trị 3,3 tỉ đồng; có 10 trường hợp vi phạm được phát hiện và xử lý.
Đáng chú ý, cả nước có 918 người đứng đầu và cấp phó đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Trong đó, xử lý hình sự 118 trường hợp và kỷ luật 800 trường hợp. Tuy vậy, số người đứng đầu bị xử lý còn ít so với số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý. “Cơ chế xin - cho đã tạo điều kiện dung dưỡng và làm nảy sinh tham nhũng, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, quản lý ngân sách, vốn, tài sản nhà nước, tổ chức cán bộ, tín dụng, ngân hàng…” - ông Sáu nhận xét.
Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hải Phong cho rằng trong quá trình phạm tội, các đối tượng không chỉ biết che đậy hành vi mà còn biết cách hợp lý hóa tài sản, hợp lý hóa chứng cứ, tài liệu.
Tiềm ẩn xung đột lợi ích
Đánh giá kết quả PCTN có kết quả ban đầu song Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhìn nhận tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực, gây xói mòn lòng tin của nhân dân, tạo ra tiềm ẩn xung đột lợi ích, phản ứng xã hội, gia tăng khoảng cách giàu nghèo.
“Đáng lên án là một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có người giữ vị trí lãnh đạo, đã tham nhũng, suy thoái về đạo đức, lối sống. Tình trạng lợi ích nhóm đang là trở lực cho phát triển đất nước, nguy cơ đe dọa sự ổn định chính trị, sự tồn vong của chế độ” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Ông Huỳnh Cách Mạng, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết: “Thực tế có biểu hiện của lợi ích nhóm, cấu kết từ việc xây dựng hoặc lợi dụng cơ chế, chính sách để thu lợi cho một số người có chức, có quyền”. Đồng tình, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, nhận xét: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, nhất là các nhóm lợi ích, vì tư lợi sẽ không tố giác, tố cáo mà còn tiếp tay tham nhũng. Trong khi đó, việc xác định, đánh giá hậu quả phi vật chất như uy tín của cơ quan, niềm tin của nhân dân... trong một số vụ án chưa có sự thống nhất”.
Ông Vương phân tích tham nhũng là loại tội phạm có chủ thể đặc biệt vì là những người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ chuyên môn nhất định, có ảnh hưởng và quan hệ phức tạp, thủ đoạn che giấu tinh vi và luôn tìm cách che đậy, gây khó khăn ngay từ quá trình phát hiện, điều tra đến thu hồi tài sản tham nhũng.
Cần cơ quan chuyên trách
Tổng hợp kiến nghị sửa đổi quy định của pháp luật PCTN từ các cơ quan trung ương và địa phương gửi về Chính phủ cho thấy có nhiều ý kiến đề nghị thành lập cơ quan chuyên trách, độc lập về PCTN. Đồng thời, nghiên cứu thống nhất mô hình các cơ quan thực hiện PCTN độc lập với hành pháp. Để đạt hiệu quả trong thu hồi tài sản tham nhũng, UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị thành lập cơ quan chuyên trách, độc lập về thu hồi tài sản tham nhũng.
Phó Ban Nội chính trung ương Võ Văn Dũng kiến nghị thành lập ban chỉ đạo về PCTN cấp tỉnh trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy và do bí thư tỉnh ủy, thành ủy làm trưởng ban chỉ đạo. Bên cạnh đó, nghiên cứu thành lập ban chỉ đạo PCTN tại các cấp ủy, tổ chức Đảng ở trung ương do bí thư ban cán sự Đảng, Đảng đoàn làm trưởng ban chỉ đạo.
Ông Huỳnh Cách Mạng đề xuất luật pháp cần quy định rõ tội danh “làm giàu bất chính” để phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về PCTN và thực tiễn. Đặc biệt, cần nghiên cứu xây dựng Luật Sung công tài sản; bổ sung chế định thu hồi tài sản vào Luật Tương trợ tư pháp hiện hành; bổ sung vào Bộ Luật Tố tụng dân sự quy định chấp nhận thi hành phần dân sự trong phán quyết hình sự; xây dựng luật về thu hồi tài sản.
Tán đồng, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, đề nghị sớm bổ sung chế định thu hồi tài sản nhà nước vào Luật PCTN để kịp thời xác minh, truy tìm, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt. Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương kiến nghị xây dựng Luật Bảo vệ nhân chứng để khuyến khích người phát hiện, tố giác tội phạm và bảo vệ họ...
Phong tỏa tài sản từ giai đoạn điều tra
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành chương trình thực hiện nghị quyết của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác thi hành án năm 2016 và các năm tiếp theo.
Chương trình nêu rõ tăng cường áp dụng các biện pháp kê biên, phong tỏa tài khoản, tài sản của các đối tượng phạm tội kinh tế, chức vụ, tham nhũng ngay từ giai đoạn điều tra nhằm chống tẩu tán tài sản, bảo đảm việc thu hồi; nâng tỉ lệ thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt đạt tỉ lệ trên 60%. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm kinh tế, tham nhũng, thu hồi tiền và tài sản bị chiếm đoạt; bảo đảm 100% các vụ việc ngay khi thanh tra có dấu hiệu tội phạm đều được chuyển đến cơ quan điều tra xem xét việc khởi tố, điều tra theo quy định của pháp luật. Cơ quan điều tra phải kịp thời thông báo cho cơ quan thanh tra kết quả giải quyết vụ việc.
Bình luận (0)