Trước đó, chiều 29-12-2013, do có mâu thuẫn từ trước, Khỏe thấy Thạch đi trên đường nên đuổi theo và ném vỏ chai thủy tinh trúng phần sau đầu Thạch. Sau đó, Phát nhận tin báo nên truy bắt và đánh Thạch. Lê Ngọc Tâm (công an viên xã Vạn Long) chở Phát và Thạch về Công an xã Vạn Long tiếp tục đánh Thạch. Tối cùng ngày, Thạch được gia đình bảo lãnh về nhà. Đến rạng sáng 30-12-2013, Thạch ói mửa, gia đình phải đưa đi cấp cứu rồi tử vong tại bệnh viện do chấn thương sọ não.
Theo chủ tọa phiên tòa, luật sư (LS) Nguyễn Quốc Tuấn (Đoàn LS Khánh Hòa) không còn là LS chỉ định để bào chữa cho bị cáo Khỏe vì bị cáo đã đủ 18 tuổi. Nếu bị cáo Khỏe vẫn yêu cầu LS Tuấn bào chữa thì tòa tạm dừng 30 phút để bị cáo Khỏe và LS làm các thủ tục bào chữa. LS Tuấn đã phản ứng gay gắt, cho rằng lẽ ra trước phiên tòa, HĐXX phải hỏi ý kiến bị cáo về việc mời LS bào chữa. LS Tuấn yêu cầu hoãn phiên tòa để có thời gian làm các thủ tục bào chữa. Kiểm sát viên tại tòa cũng thống nhất với quan điểm này nên HĐXX quyết định hoãn phiên tòa và sẽ xử lại trong 2 ngày 9 và 10-5.
Theo công văn đề nghị của VKSND tỉnh Khánh Hòa, về hành vi phạm tội của Lê Tấn Khỏe, VKSND tỉnh Khánh Hòa xác định cấp sơ thẩm chỉ mới chứng minh được hành vi khách quan của Lê Tấn Khỏe là dùng vỏ chai thủy tinh ném trúng đầu em Thạch chứ chưa chứng minh một cách có căn cứ pháp lý và khoa học hậu quả thương tích do Khỏe gây ra là nguyên nhân dẫn đến cái chết của em Thạch. Do đó, chưa thỏa mãn điều kiện cấu thành tội phạm và chưa đủ căn cứ tuyên xử Lê Tấn Khỏe về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 3, điều 104 Bộ Luật Hình sự (BLHS).
Về hành vi phạm tội của nguyên công an viên Lê Minh Phát, VKSND tỉnh Khánh Hòa cho rằng Phát là võ sĩ quyền Anh nhưng Phát đã đánh Thạch ngay từ khi phát hiện trong bụi cây, đánh ở bãi đất trống, đánh trên đường và về trụ sở công an xã tiếp tục đánh. Với hành vi mang tính côn đồ, bị cáo đã đánh mạnh nhiều cái vào những vị trí xung yếu mà bị cáo nhận thức được có thể nguy hiểm đến tính mạng trong lúc em Thạch đã bị khống chế, bất chấp hậu quả xảy ra như thế nào. Hậu quả là em Thạch chết. Do đó, hành vi phạm tội của bị cáo có dấu hiệu của tội giết người. Trong khi đó, từ khi truy tố đến khi đưa ra xét xử sơ thẩm lần 3, bị cáo Phát chỉ bị buộc tôi “Cố ý gây thương tích” và “Bắt người trái pháp luật”.
Công văn đề nghị của VKSND tỉnh Khánh Hòa nêu rõ: Tuy không phải là ngày trực và không được người có thẩm quyền phân công nhưng đã có hành vi bắt người trái pháp luật nên hành vi của Lê Minh Phát, Lê Ngọc Tâm có dấu hiệu cấu thành tội “Bắt, giữ người trái pháp luật” định khung ở điểm b (lợi dụng chức vụ quyền hạn), khoản 2, điều 123 BLHS nhưng cấp sơ thẩm mới truy tố, xét xử các bị cáo tội “Bắt người trái pháp luật” theo khoản 1, điều 123 BLHS là chưa đầy đủ, còn bỏ lọt hành vi phạm tội.
Bình luận (0)