xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cơ duyên với đông trùng hạ thảo

Bài và ảnh: LÊ THANH HOÀNG

Những chuyến công tác thường xuyên của ông luôn tất bật: Khuya lên xe từ Đà Lạt, sáng sớm tới Sài Gòn; làm việc suốt ngày với các chỗ hẹn, trưa ai mời gì ăn nấy, tối ngồi quấy quá với vài bạn cũ rồi nửa đêm về lại Đà Lạt…

Đó là TSKH Trương Bình Nguyên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao Trường ĐH Đà Lạt. Ông là cha đẻ của công trình nghiên cứu, nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo (ĐTHT) Cordyceps sinensic (CS) tại Việt Nam.

Món quà cực quý

Trẻ hơn so với tuổi vừa bước qua 50, dáng cao và gầy, ánh mắt vui tươi sau cặp kính trắng, kiểu cười sảng khoái và lối ăn mặc giản dị, nhìn TS Nguyên dễ đoán ngay ông là nhà giáo hoặc nhà nghiên cứu khoa học. Việc của ông bây giờ là cả hai: vừa nghiên cứu vừa giảng dạy. Ông dạy ở Trường ĐH Đà Lạt và khắp Tây Nguyên.


TS Trương Bình Nguyên giới thiệu về quy trình nuôi cấy đông trùng hạ thảo

TS Trương Bình Nguyên giới thiệu về quy trình nuôi cấy đông trùng hạ thảo

Năm 1999, Trương Bình Nguyên làm việc ở Phân viện Sinh học Đà Lạt (nay là Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên). Chàng nghiên cứu sinh trẻ này mê nấm. Những bộ nấm bí hiểm giữa đại ngàn luôn mê hoặc anh. Giữa rừng Tây Nguyên bạt ngàn, đầu đội nón, chân đi ủng, anh sùm sụp lặn lội hằng tuần. Lúc đó, anh đang làm đề tài xây dựng sưu tập bộ nấm lớn - nào linh chi, nấm mỡ, nấm mèo…

Cũng những chuyến đi ấy, một lần tình cờ, chàng nghiên cứu sinh phát hiện một loài nấm nhú lên từ đất. “Nhổ lên, tôi thấy phần rễ của nó ký sinh trên một ấu trùng. Dĩ nhiên con sâu đã chết khô. Rất lạ, tôi hỏi nhiều nơi nhưng cũng không ai biết. Rồi tôi ngâm cây nấm - con sâu đó vào dung dịch bảo quản, để tính sau” - TS Nguyên nhớ lại.

TS Nguyên cho biết một lần về TP HCM, khi ghé dự hội thảo về nấm ĐTHT do các nhà khoa học Thái Lan tổ chức, ông mới “à” lên: Hóa ra cây nấm mình tìm được là ĐTHT. Nhưng ĐTHT là gì thì ông vẫn còn rất mơ hồ.

Vài năm sau, ông nhận được học bổng rồi đi Nhật làm nghiên cứu sinh nghiên cứu về biến đổi hình thái của các nhóm nấm và ứng dụng trong sản xuất. Tại đây, ông gặp một giáo sư hàng đầu của Nhật về nấm - GS Katsuji Yamanaka. “GS Yamanaka là bậc thầy về nấm trong làng khoa học thế giới, có nhiều công trình khoa học và ứng dụng. GS Yamanaka nổi tiếng đến mức các viện, trường hoặc doanh nghiệp mời ông đến thăm, vãn cảnh là đã trả tiền mệt nghỉ!” - TS Nguyên thán phục.

Quý mến chàng nghiên cứu sinh Việt Nam nên GS Yamanaka đã truyền dạy hết ngón nghề. Ông yêu quý Nguyên vì anh làm việc không biết mệt mỏi, lúc nào cũng thấy lăn lê ở phòng thí nghiệm.

Thời gian thấm thoát, khi biết Nguyên sắp về Việt Nam, GS Yamanaka kêu lại bảo: “Con nói đi, muốn xin cái gì ta cho cái đó, coi như món quà riêng”. Nguyên cười cười, cũng chẳng biết xin món gì. Một người bạn Nhật biết chuyện, “bỏ nhỏ” với Nguyên: “Cứ xin cái món ĐTHT CS đấy, không phải trên thế giới này ai cũng có đâu”.

Khi Nguyên ngỏ lời, GS Yamanaka giãy nảy: “Trời ơi, làm sao cậu biết tôi có cái này? Ai bày cậu vậy?”. Dù vò đầu bứt tóc nhưng ông vẫn nâng niu món quà quý tặng học trò. Đó là nguồn gien ĐTHT cực kỳ quý hiếm mà GS Yamanaka mang về từ dãy Himalaya ở vùng Nepal và Tây Tạng mà hiện nay chỉ vài quốc gia có thể phân lập được. Cùng với đó, ông truyền cho Nguyên kiến thức rất sâu về ĐTHT.

Trong quá trình Trương Bình Nguyên về Việt Nam và mày mò nuôi cấy ĐTHT, thỉnh thoảng GS Yamanaka lại bay qua chỉ bảo thêm rất nhiều. “Không có thầy chỉ bảo thêm thì mình có nguồn gien quý trong tay cũng chỉ để nhìn chứ không làm gì hơn được” - TS Nguyên thừa nhận.

Quyết không đầu hàng

ĐTHT trên thế giới có hàng trăm loài nhưng chỉ 2 loài được coi là có tác dụng tốt với sức khỏe con người: CS và Cordyceps militaris. Trong đó, CS là dòng quý hiếm, trên thế giới chỉ mới thấy Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc và đến nay là Việt Nam tạo ra được mà tác giả chính là TS Nguyên cùng các cộng sự của mình.

TS Nguyên nhớ lại: “Những ngày đầu xin kinh phí nghiên cứu không được, nhiều lúc nản quá định thôi nhưng mình không đầu hàng”. TS Đinh Minh Hiệp - Trưởng Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao

TP HCM, đồng tác giả công trình này - nói về đồng sự của mình: “Không đầu hàng, đó là tính cách của TS Nguyên”.

Cứ thế, có được bao nhiêu tiền lương, tiền giảng dạy là TS Nguyên đổ vào nghiên cứu. Thử rồi thử, những sợi nấm, cây nấm đầu tiên cũng ra hình ra dạng làm ông và các cộng sự rất phấn khích.

“Nuôi cấy thì dễ nhưng để tạo cho ĐTHT có chất lượng là điều cực khó” - TS Nguyên khẳng định. Bởi lẽ, ĐTHT trong tự nhiên sinh trưởng ở điều kiện rất khắc nghiệt, trên cao nguyên 3.000-3.500 m, biên độ dao động nhiệt rất cao và là môi trường thiếu ôxy. Chống chọi, tồn tại được với điều kiện sống khắc nghiệt đó giúp ĐTHT tạo ra những chất khác biệt và hình thành loại dược liệu quý. Kỹ thuật tạo ra nhiệt độ chênh lệch cao đó được gọi là sốc nhiệt.

Bàn với gia đình, TS Nguyên góp nhặt những đồng bạc ít ỏi, thuê một căn hầm 80 m2 ở vùng ngoại thành Đà Lạt làm phòng thực nghiệm. Có người tò mò: “Ủa, ĐTHT phải nuôi dưới hầm hả?”. Ông cười to, phân bua: “Chỉ vì mình không có nhiều tiền nên thuê tầng hầm cho rẻ thôi mà!”.

Rồi những mẻ ĐTHT CS đầu tiên cũng ra đời. Năm 2012, nó được đưa đi kiểm nghiệm tại Trung tâm Dịch vụ phân tích và thí nghiệm TP HCM thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP xác định thành phần CS với những đặc tính sinh học hệt như ĐTHT sinh trưởng trong thiên nhiên.

Công trình công phu, giá trị cao

Để nuôi cấy thành công ĐTHT CS, theo TS Trương Bình Nguyên, “cũng đi qua lắm nhọc nhằn”. Nhưng với ông, làm khoa học là phải kiên trì. “Ai cũng có sự hưng phấn khi thành công và chán nản khi thất bại, khác nhau ở chỗ phải biết vượt qua” - ông tâm sự.

Và TS Nguyên đã vượt qua, trong nhọc nhằn. Cùng hỗ trợ ông trong công trình nuôi cấy, phân tích, thí nghiệm này là TS Đinh Minh Hiệp và PGS Lê Huyền Ái Thúy (Trường ĐH Mở TP HCM).

Theo TS Hiệp, lúc sản phẩm đã được định danh là ĐTHT CS, TS Nguyên vẫn cứ thử nghiệm tới lui trên chuột, với từng công dụng cho đến khi hàng trăm kết quả đều như một mới thôi. Sau đó, chính ông là người thử nghiệm “để nghe chính cơ thể mình phản ứng”. Tiếp đó, TS Nguyên rủ bạn bè, đồng nghiệp, người thân cùng dùng để… có ý kiến.

Lúc đầu, cách dùng chỉ đơn giản là ĐTHT xay thành bột pha với nước uống (trong bữa ăn) hoặc nấu chung với cháo; cho vào hũ, tới bữa múc một lượng nhỏ bỏ vào miệng như kiểu ăn cốm và cả… ngâm rượu. TS Nguyên kể: “Mẹ mình trước đó mắc một khối u trong não, mổ lấy ra hơn 1 kg nên cụ rất yếu, gần như không đi lại. Sau khi dùng vài tháng thì cụ đi đứng khỏe khoắn hơn. Có lẽ một phần nhờ tác dụng của ĐTHT”.

Ngày 30-7-2015, tại Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM, trước khi 3 nhà khoa học công bố nuôi cấy thành công sinh khối nấm ĐTHT CS, một hội đồng thẩm định gồm 7 thành viên là những nhà khoa học hàng đầu ở TP đã được thành lập để đánh giá công trình này.

PGS-TSKH Ngô Kế Sương, Chủ tịch Hội Sinh học TP HCM, nhận xét đây là một công trình nghiên cứu công phu, có độ chính xác khoa học cao và có giá trị khoa học lớn. Theo ông, đây là lần đầu tiên Việt Nam có sản phẩm sản xuất được bằng nguồn gien ĐTHT CS, một dược liệu quý cho sức khỏe.

Từ đây, Việt Nam được ghi tên vào danh sách những nước ít ỏi sản xuất thành công nấm ĐTHT CS trên thế giới.

Khác với nhộng trùng thảo

Cách đây nhiều năm, một số người ở Việt Nam cũng tuyên bố đã sản xuất được ĐTHT. TS Trương Bình Nguyên giải thích: “Đó là dòng ĐTHT Cordyceps militaris, khác với dòng CS - trong tự nhiên có hình dáng cây nấm mọc trên đầu con sâu - của công trình khoa học mà tôi và các đồng sự đã bảo vệ thành công”.

Theo GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội Các ngành sinh học Việt Nam, loại Cordyceps militaris hiện được gọi là ĐTHT thực chất là nhộng trùng thảo, có những sợi nấm màu cam ký sinh trên thân ấu trùng sâu, thường là con nhộng tằm. Nhộng trùng thảo cũng tốt cho sức khỏe, dễ sản xuất và ở Trung Quốc, người ta dùng nấu canh ăn hằng ngày. Thông tin trên trang web cá nhân, GS Dũng cho biết sẵn sàng hợp tác với bất cứ ai có nguồn gien ĐTHT CS để sản xuất loại này bởi nó cực kỳ quý hiếm.

 

Ngừa bệnh tật, kéo dài tuổi thọ

Nhóm tác giả Trương Bình Nguyên cùng các đồng sự đã chuyển giao công trình khoa học của mình cho 2 công ty để sản xuất ra viên nang thực phẩm chức năng ĐTHT. Giấy chứng nhận của Bộ Y tế đã xác nhận công dụng của viên nang ĐTHT này là giúp giải độc gan, bồi bổ cơ thể, bổ phổi; bổ thận, bổ tinh tủy, cải thiện chức năng sinh lý; giúp nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng và kéo dài tuổi thọ.

TS Trương Bình Nguyên (đứng) và TS Đinh Minh Hiệp trong buổi ra mắt giới thiệu sản phẩm đông trùng hạ thảo
TS Trương Bình Nguyên (đứng) và TS Đinh Minh Hiệp trong buổi ra mắt giới thiệu sản phẩm đông trùng hạ thảo

 

“Chúng tôi là nhà khoa học. Mong ước của chúng tôi là làm ra sản phẩm thật tốt để bất cứ người Việt Nam nào cũng có cơ hội sử dụng” - TS Nguyên bày tỏ.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo