Chương trình được kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật ca, múa, nhạc dân tộc, nghệ thuật đương đại, sự cộng hưởng, hòa đồng giữa người diễn và người xem. Du khách đến dự như được hòa mình vào không khí lễ hội và có thêm những cảm nhận sâu sắc, ấn tượng về vùng đất phương Nam.
Theo các chuyên gia, đây được xem là cơ hội để các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL quảng bá, vực dậy ngành du lịch cho cả vùng ĐBSCL vốn trì trệ từ nhiều năm nay. Thực tế, ĐBSCL có rất nhiều tiềm năng, lợi thế về du lịch nhưng phát triển ì ạch do thiếu nguồn lực, cơ sở hạ tầng giao thông không đồng bộ, cách làm du lịch còn phân tán, mạnh ai nấy làm. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng chỉ rõ các sản phẩm du lịch ở ĐBSCL vẫn còn đơn điệu và khá giống nhau về mặt hình thức, như tham quan chợ nổi, vườn cây ăn trái hay nghe đờn ca tài tử… nên du khách chỉ cần đến 1 địa phương thì coi như đã biết hết cả vùng. Ngay cả khi du khách muốn tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của một địa danh có sẵn nhưng những người làm du lịch cũng không biết trả lời như thế nào.
Tại một hội thảo gần đây tổ chức ở tỉnh Kiên Giang, các nhà khoa học cũng chỉ rõ các địa phương ở ĐBSCL chưa tận dụng, khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế và du lịch biển. Điển hình như tỉnh Kiên Giang, địa phương được thiên nhiên ưu đãi nhiều núi non, hang động, biển đảo với nhiều thắng cảnh. Góp ý về phát triển kinh tế gắn với khai thác thế mạnh du lịch biển đảo cho Kiên Giang, PGS-TS Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học, đề xuất: “Kiên Giang phải khai thác hiệu quả hơn lợi thế, tiềm năng sẵn có, gắn bảo tồn biển với phát triển du lịch. Đây là sự khác biệt để tạo ra thế mạnh và nếu làm theo cách này, Kiên Giang sẽ mang lại rất nhiều nguồn lợi”.
Bình luận (0)