xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Có một “vương quốc khỉ” ở Nhơn Trạch

Bài và ảnh: Xuân Hoàng

(NLĐO) - Một đàn khỉ được nuôi dưỡng đang sinh sôi nảy nở ở Nhơn Trạch. Ban ngày, chúng đi kiếm ăn khắp các cánh rừng, đến tối lại lội sông trở về gây náo động căn nhà có vài người đàn ông, là bạn của chúng.

Đàn khỉ hơn 40 con được Trạm Bảo vệ rừng giống (thuộc Ban Quản lý, bảo vệ rừng Long Thành- Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) gầy giống và nuôi dưỡng từ gần chục năm nay. Đây là đàn khỉ đuôi dài (có tên khoa học là Macaca fascicularis), được ngành chức năng gầy dưỡng với mục đích làm sống lại sinh cảnh, giống động vật, sinh thái đã mất đi trong thời gian chiến tranh và cả quá trình phát triển.

Vượt sông kiếm ăn, về nhà… quậy phá

Từ nhánh sông Thị Vải - thuộc hệ thống sông Đồng Nai - ở xã Phước An (huyện Nhơn Trạch- Đồng Nai), chúng tôi theo ghe len lỏi giữa bạt ngàn sông nước, giữa rừng đước xanh um, khoảng 30 phút thì đến Trạm Bảo vệ rừng giống Phước An (nằm trong bao la rừng Sác). Trong tĩnh mịch hoang vắng, gió lồng lộng, là căn nhà mới xây, màu vôi trắng lẻ loi giữa bốn bề rừng, nước.

Khỉ được gầy giống phục hồi ở rừng Sác là giống khỉ đuôi dài
Khỉ được gầy giống phục hồi ở rừng Sác là giống khỉ đuôi dài

Đón chúng tôi, hai thành viên của trạm đầy vẻ nhiệt tình khi biết phóng viên muốn tìm hiểu về đàn khỉ, những con vật gắn bó với họ từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, không phải đến là gặp ngay… khỉ.

Bọn khỉ đã vào rừng từ sáng sớm. Chúng đi khắp địa bàn rộng lớn này, có lúc vượt sông, kiếm ăn từ rừng này sang rừng khác.

Theo các nhân viên ở đây, thường đàn khỉ chỉ kéo về khi đã no say vào chập choạng tối, có khi do nước lớn chúng không muốn bơi qua thì ở lại bên kia sông. Tuy nhiên, cũng khá thất thường, có lúc giữa buổi chiều, chúng cũng bất ngờ trở về … quậy phá.

May mắn, khi chúng tôi đang hàn huyên về… khỉ thì vừa lúc nghe tiếng động lạ ở phía sau. Lúc này là khoảng 3 giờ chiều. Đã quá quen thuộc, nhân viên trạm giống vừa vội chạy ra xem vừa khẳng định: “chúng đã về”.

Đàn khỉ hòa nhập rất nhanh với môi trường và phát triển tốt
Đàn khỉ hòa nhập rất nhanh với môi trường và phát triển tốt

Chúng tôi vội nhào ra sau để mục sở thị những con vật đang được các cán bộ bảo tồn cưng chiều. Tuy nhiên, thoạt đầu, chỉ thấy một chú khỉ lẻ loi nhảy nhót nơi căn nhà hoang. Nhân viên trạm giống cho biết có thể đó là con đầu đàn hoặc con nào đó tách đoàn về trước để thăm dò. Đúng như lời, chỉ thoáng chốc, giữa cảnh rừng ngập mặn nguyên sơ, cả đàn khỉ trở về đã khiến cho cả cánh rừng bỗng trở nên náo loạn, sôi động.

Đàn khỉ lớn, nhỏ nhiều lứa tuổi nhảy nhót khắp nơi. Chúng tìm đến vòi nước - nơi dành nước ngọt để phục vụ khỉ. Nhân viên trạm giống rải những hạt bắp tung tóe ra bốn phía. Lúc đầu, vì thấy chúng tôi là người lạ, bọn khỉ còn dáo dác từ đằng xa nhìn ngó. Tuy nhiên, sau đó chúng dạn dĩ dần và thi nhau đến rất gần, nhặt ăn bằng hết những hạt bắp được rải xuống đất.

Đặc biệt, theo quan sát của chúng tôi, trong đàn có 3 con khỉ mẹ đang nuôi con mới đẻ. Chúng ẵm con ở dưới bụng nhưng vẫn chạy nhảy leo trèo lanh lẹ như thường. Thỉnh thoảng, có khỉ con rời bụng mẹ, lao ra chỉ cách khoảng vài gang tay nhặt lấy vài hạt bắp rồi lại nhanh chóng lao vào lòng khỉ mẹ để được bảo vệ, bao bọc.

Sau khi đã ăn uống đủ, do có người lạ và tiếng máy ảnh bấm lách tách, chúng không nghịch phá tự do như mọi hôm mà lao lên những nhánh cây, quậy ầm ĩ một góc rừng. Cũng có con dạn dĩ hơn, còn cố quay lại bám theo chúng tôi, làm trò chọc phá rồi nhăn răng cười...

Cả đàn có thể bơi qua sông và bắt cua cá làm thức ăn rất tài tình
Cả đàn có thể bơi qua sông và bắt cua cá làm thức ăn rất tài tình

“Chúng coi cả vùng này như là vương quốc của chúng. Sau khi đi khắp nơi, bọn này kéo về đây để tiếp tục ăn uống rồi leo lên rừng nghịch ngợm và ngủ, chẳng có chỗ nào cụ thể. Chúng muốn làm gì thì làm, chẳng ai làm gì chúng được cả…”- những nhân viên ở đây cười sảng khoái.

Những người làm bạn với khỉ!

Nhận nhiệm vụ bảo vệ rừng và… làm bạn với khỉ ở đây là ba người đàn ông đã đứng tuổi. Thời điểm chúng tôi đến, ông trạm trưởng lên bờ đến trụ sở cơ quan để dọn dẹp chuẩn bị đón tết, còn lại hai nhân viên của trạm.

Ông Mẫn, tướng vạm vỡ như Võ Tòng, chở chúng tôi bằng ghe luồn lách trong rừng đước ghé thăm trạm; trạm là một cái “đảo” giữa sông và rừng, có căn nhà mới xây sau bao năm là cái nhà gỗ xập xệ. Nhân viên còn lại là ông Tùng, người gầy nhom, quê ở Quảng Ngãi, đều đã gắn bó với trạm rừng hàng chục năm. Họ ở đây, mỗi tháng được bốn ngày về với vợ con.

Có cả những con khỉ mẹ luôn ôm theo con nhỏ
Có cả những con khỉ mẹ luôn ôm theo con nhỏ

Trước đó, tiếp xúc với chúng tôi, anh kỹ sư Nguyễn Văn Khởi, người đầu tiên gầy giống khỉ ở đây, cho biết anh gầy dưỡng được đàn khỉ này từ cách đây hơn chục năm, khi vừa mới ra trường. Giống khỉ đuôi dài phù hợp với môi trường sinh thái rừng ngập mặn, từ 15 con ban đầu đã thích nghi rất tốt và dần sinh sôi nảy nở.

Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành- Nhơn Trạch thấy khả năng phục hồi đàn khỉ ở rừng Sác là rất khả quan nên đã xin cấp thêm từ ngân sách được 1,2 triệu đồng/ tháng. Số tiền này, cán bộ phục hồi giống dùng để mua gạo, rau cỏ, hoa quả làm thức ăn cho khỉ. Sau thời gian đầu nuôi nhốt, đàn khỉ được thả tự do ra môi trường tự nhiên. “Ban đầu nuôi rất khó khăn nhưng sau đó chúng dần hòa vào tự nhiên thích nghi nhanh đến không ngờ, thường đi theo đàn và có thể bơi qua sông, tự hái hoa quả và bắt tôm tép, mò cua ốc rất tài”, kỹ sư Khởi cho biết.

Khỉ con đôi khi cũng rời khỏi bụng mẹ vài giây để nhặt thức ăn
Khỉ con đôi khi cũng rời khỏi bụng mẹ vài giây để nhặt thức ăn

Còn hai ông nhân viên của trạm thì liên tục “kể tội” đàn khỉ với giọng rất vui vẻ. Căn nhà của trạm không bao giờ dám mở các cửa sổ vì sợ đàn khỉ về bất ngờ, leo vào đập phá. Những cây chuối, đu đủ và cả phi lao, tràm cũng bị khỉ bẻ gãy. Nhà có một chiếc ti vi để các nhân viên xem tin tức buổi tối xài bằng máy phát điện nhưng ăng ten vừa dựng lên cũng đã bị chúng xô đổ gục. Thậm chí, có hôm … tiền lương vừa nhận để trong túi áo cũng bị khỉ lấy cả áo cả tiền, đem treo tít trên ngọn cây.

“Kể tội” là thế nhưng các nhân viên của trạm nhắc đến khỉ đều nói với giọng rất trìu mến. Phần thức ăn, nước uống cho khỉ đều luôn được dành sẵn. Trong khi, ở nơi này, thức ăn của chính nhân viên của trạm cũng chỉ còn lèo tèo qua bữa.

Sau khi kiếm ăn và quậy phá chúng lại leo vào rừng ngịch ngợm và ngủ
Sau khi kiếm ăn và quậy phá chúng lại leo vào rừng ngịch ngợm và ngủ

“Nhà có cây ná dùng để dọa nó, nhưng không bao giờ dám bắn. Không làm cho chúng đau. Có chúng làm náo động nơi hoang vắng này, mình cũng đỡ cô đơn…”- hai vị “Robinson trên đảo khỉ” này tâm sự.

Nhiều loài đã biến mất

Theo ban Quản lý rừng phòng hộ Long thành- Nhơn Trạch, vùng rừng Sác, rừng ngập mặn nguyên sinh, trước đây vốn có sinh vật đa dạng như cá sấu, trăn, lợn rừng, chim cò, khỉ… Tuy nhiên, trải qua chiến tranh với những trận đánh ác liệt cùng với nhiều nguyên nhân khác, các động vật này dần vắng bóng. “Hiện, hơn 7.000 ha rừng ngập mặn với những cây đước, sú… đang phục hồi, nhưng các loài động vật trước đây đã mất thì việc phục hồi còn gian nan lắm”- một cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành- Nhơn Trạch nói.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo