Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 30-11, ông Nguyễn Văn Thuấn, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (ATGT) Bộ Giao thông Vận tải), cho biết đề xuất nghỉ Tết Nguyên đán trước 3 ngày được đưa ra trong cuộc họp tổng kết tình hình ATGT 11 tháng của năm 2013 mới đây.
“Thiết thực, linh hoạt”
Theo ông Thuấn, đề xuất này dựa trên kinh nghiệm nhiều năm điều hành, theo dõi tình hình vận tải, ATGT dịp Tết Nguyên đán nên rất thiết thực. “Tuy nhiên, việc nghỉ Tết Nguyên đán do Bộ Lao Động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) xây dựng nên phải chờ ý kiến đóng góp của cơ quan này. Chính phủ sẽ đánh giá để quyết định” - ông Thuấn nói.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, khẳng định: “Bộ Luật Lao động quy định nghỉ Tết 5 ngày nhưng ở nước ta thường cho phép làm bù vào thứ bảy hoặc chủ nhật sau Tết để kéo dài thời gian nghỉ. Cho nên, trong 2 năm 2012-2013, thời gian nghỉ Tết là 9 ngày. Đó là cách điều hành linh hoạt của Chính phủ. Chúng tôi không có ý định đề xuất rút ngắn thời gian nghỉ Tết mà chỉ muốn cho nghỉ sớm hơn và rút ngắn thời gian nghỉ sau Tết. Tức là nghỉ từ 28 Tết và mùng 6 Tết đi làm, thay vì nghỉ từ 30 và mùng 9 Tết mới đi làm. Đề xuất này hết sức linh hoạt và phù hợp với Bộ Luật Lao động” - ông Hiệp nhấn mạnh.
Về nhận định nghỉ trước Tết 3 ngày hay nghỉ sau Tết 9 ngày (thay vì 6 ngày như đề xuất) cũng đều kích thích mua sắm, tiêu dùng, ông Hiệp quả quyết: “Chính xác là như thế. Trung Quốc cho nghỉ 15 ngày để người dân du lịch thoải mái. Ở Việt Nam, người dân đi du lịch sau Tết không nhiều. Người dân chủ yếu du lịch vào dịp lễ hội mùa Xuân, sau ngày 15-1 âm lịch. Trước Tết là thời gian để sắm sửa đồ đạc, chuẩn bị cúng bái tổ tiên, sửa chữa nhà cửa nên đóng vai trò quan trọng lắm, nó mang ý nghĩa chuẩn bị cho một năm mới tươm tất”.
Luật không quy định
Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động Bộ LĐ-TB-XH, cho biết chưa nhận được đề xuất của Ủy ban ATGT Quốc gia nên không bình luận. Tuy nhiên, với chức năng tham mưu về việc nghỉ lễ, Tết hằng năm của người lao động nên cách đây 10 ngày, Bộ LĐ-TB-XH đã trình Thủ tướng phương án nghỉ Tết Giáp Ngọ 2014. Cụ thể, có 2 phương án: Nghỉ trước Tết 2 ngày và sau Tết 3 ngày hoặc nghỉ trước Tết 1 ngày và sau Tết 4 ngày.
Theo ông Thắng, Nghị định 45/2013/NĐ-CP ngày 10-5 của Chính phủ (hiệu lực thi hành từ ngày 1-7) quy định thời gian nghỉ Tết Nguyên đán theo khoản 1 điều 115 Bộ Luật Lao động, do người sử dụng lao động lựa chọn 1 ngày cuối năm và 4 ngày đầu năm hoặc 2 ngày cuối năm và 3 ngày đầu năm âm lịch.
Phục vụ “lợi ích nhóm” PGS-TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội Viện Xã hội học, cho rằng đối với người Việt Nam, nhu cầu nghỉ ngơi và du Xuân sau Tết nhiều hơn trước Tết. Theo ông, đề xuất nghỉ Tết Nguyên đán trước 3 ngày nếu thực hiện thì chỉ mang lại lợi ích có tính chất thời vụ, về bản chất không thay đổi vấn đề một cách căn bản. Ông Bình nhận định đề xuất này chỉ phục vụ nhu cầu “lợi ích nhóm”, cụ thể là xuất phát từ những chỉ số về ATGT mà ngành quản lý muốn đạt được. Với người lao động, nghỉ sớm thì đi làm sớm, nghỉ muộn thì đi làm muộn. Vấn đề là ý thức tham gia giao thông và tinh thần trách nhiệm của lực lượng chức năng cũng như hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông chứ không phải là tăng giảm ngày nghỉ hoặc nghỉ nhiều trước hay sau Tết. Nếu đi làm sớm sau Tết thì hầu hết người lao động có tâm lý rất uể oải, chưa sẵn sàng cho công việc và điều này không đem lại hiệu quả. |
Bình luận (0)