xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cơ quan chống tham nhũng: Vướng” hay không là ở quyền hạn, trách nhiệm!

Thái An thực hiện

Phó trưởng Ban Kinh tế TƯ Tạ Hữu Thanh từng giữ chức vụ Tổng Thanh tra Nhà nước-cơ quan được trao trọng trách chống tham nhũng trong 2 nhiệm kỳ. Ông cho biết, tại kỳ họp này khi nghe Thủ tướng Phan Văn Khải nhận định tình trạng vốn đầu tư bị lãng phí và đục khoét nghiêm trọng, ông đã suy nghĩ rất nhiều về việc hình thành một cơ quan chống tham nhũng.

 “Trực thuộc đâu cũng được, miễn là có quyền năng!

+ Khi còn là Tổng Thanh tra Nhà nước, ông đã từng đi nghiên cứu nhiều mô hình tổ chức cơ quan chống tham nhũng. Hiện Chính phủ có ý định lập một cơ quan chuyên trách chống tham nhũng, theo ông cơ quan này nên tổ chức theo mô hình nào?

- Do thể chế mỗi nước khác nhau, nên cách tổ chức cơ quan chống tham nhũng cũng khác nhau. Một số nước thành lập cơ quan chống tham nhũng độc lập, trực thuộc tổng thống, chẳng hạn như Hàn Quốc, Philippines... Có nước thì độc lập nhưng trực thuộc QH, như Thuỵ Điển. Đối với VN, do Đảng ta là Đảng cầm quyền, theo tôi trực thuộc Chính phủ hay QH đều được, đây chỉ là sự phân công công việc mà không nhất thiết phải trực thuộc nơi nào. Nhưng quan trọng nhất, đã thành lập ra thì dù trực thuộc QH hay Chính phủ, thì quyền năng và trách nhiệm của nó phải rõ ràng và phạm vi rộng hơn, mọi lĩnh vực và mọi đối tượng. Tự cơ quan này có thẩm quyền điều tra các vụ việc, có thể đi vào các cơ quan bên Chính phủ, các cơ quan của Đảng; có thẩm quyền điều tra cả cơ quan lập pháp. Vì thế, không nên hiểu nếu trực thuộc Chính phủ thì thẩm quyền điều tra tham nhũng chỉ bó gọn trong khu vực hành pháp.

+ Nhưng nếu cơ quan này trực thuộc Chính phủ, liệu có sợ rằng sẽ bị ngáng trở, bị “ vướng” khi điều tra những vụ tham nhũng liên quan đến những lãnh đạo cấp cao?

- Nó “vướng” hay không “vướng’ là ở quyền năng, phạm vi của cơ quan chống tham nhũng. Không phải nó trực thuộc ai mà là quyền năng đến đâu!

+ Vậy cơ quan này sẽ hoạt động theo “ngành dọc”như truyền thống chung hiện nay hay là một cơ quan độc lập, thực thi trên cả nước?

- Ở các nước, tổ chức chống tham nhũng được quyền điều tra tất cả các vụ việc từ trên xuống dưới, có một cơ quan chống tham nhũng TƯ nhưng ở các khu vực đều có đại diện, giống như “cánh tay dài” của Chủ tịch cơ quan chống tham nhũng. Cơ quan chống tham nhũng TƯ điều hành theo chương trình, kế hoạch hàng năm. Thứ nữa, “cánh tay dài này” không trực thuộc tỉnh hay bộ nên có thể độc lập đi vào các cơ quan được.

Bộ trưởng “3Q”- Ngoài thực quyền còn cần người lãnh đạo có vị thế cao, uy tín

+ Nếu thành lập một cơ quan chống tham nhũng độc lập thì cần phải có một cam kết chính trị rất rõ ràng về việc phải cho nó những chức năng, nhiệm vụ mạnh mẽ?

- Chúng ta đã từng có cơ quan chống tham nhũng rồi. Thời kỳ 1995-1997, anh Nguyễn Kỳ Cẩm đã được phân công làm Bộ trưởng-Trưởng Ban Chống tham nhũng. Nhưng do cơ cấu tổ chức không hoàn chỉnh, anh Cẩm đã có lần nói rằng mình là Bộ trưởng “không quân, không quyền, không quyết”, thì dù có ban nọ ban kia thì cũng không làm được. Đây là một tổng kết rất hay. Bây giờ, nếu thành lập ban thì phải có quân, có quyền và có quyết.

Trở lại thời kỳ 1945-1954, Bác Hồ đã ra Sắc lệnh thành lập Ban Thanh tra đặc biệt, tiền thân của Thanh tra Nhà nước hiện nay. Cơ quan này vẫn trực thuộc Chính phủ nhưng được trao cho một quyền năng đặc biệt, có thể đi được vào cả quân đội và tất cả các cơ quan khác; nó giải quyết cả khiếu nại, tố cáo và chống tham nhũng. Sau khi có kết quả thì báo cáo trực tiếp và Bác quyết cho xử lý.

+ Nhưng lúc đó, Thanh tra đặc biệt được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các vị lãnh đạo cao cấp nên triển khai công việc và xử lý đều rất nhanh?

- Người lãnh đạo tổ chức Thanh tra đặc biệt này đều là những lãnh tụ của Đảng và đất nước thì mới làm được. Lãnh đạo đầu tiên của Thanh tra đặc biệt là đồng chí Nguyễn Lương Bằng, kiêm cả lãnh đạo Uỷ ban Kiểm tra. Sau đó, hầu như Tổng Thanh tra là các Phó Thủ tướng nên quyền lực và uy tín đều dễ xử lý.

+ Rất nhiều cử tri băn khoăn việc điều tra đối với những người giữ chức vụ cao rất khó khăn thậm chí còn cho rằng chống tham nhũng mới chỉ là “tắm từ vai” trở xuống?

- Điều này sẽ dần được khắc phục khi dần dần chuyển bộ máy hành pháp nhà nước sang cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan dịch vụ công và sẽ không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mối quan hệ giữa sản xuất, kinh doanh với các lãnh đạo chính quyền không còn trực tiếp nữa, việc quản lý dựa trên luật pháp, không còn chuyện xin-cho nữa.

- Vậy theo ông, nếu lập cơ quan chuyên trách chống tham nhũng thì ai sẽ lãnh đạo cơ quan này?

- Tôi cho rằng nên tính toán để một đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị-Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp làm Tổng Thanh tra để “nâng cấp” cơ quan Thanh tra lên thì anh em làm được. Chứ nếu chỉ “nâng cấp” về luật pháp, phạm vi, chức năng, nhiệm vụ thôi mà không có các đồng chí cấp to, có thể nói là cấp lãnh tụ trực tiếp lãnh đạo thì dù làm cái này cái kia, anh em vẫn cảm thấy “thấp tầm”.

Ai kiểm soát cơ quan chống tham nhũng?

+ Hiện nay, có rất nhiều cơ quan có chức năng chống tham nhũng, bên Đảng có Uỷ ban Kiểm tra TƯ, Ban chỉ đạo TƯ 6-2; Nhà nước có Thanh tra... Vậy việc lập một cơ quan chuyên trách liệu có sự chồng lấn chức năng?

- Thực ra, chống tham nhũng là nhiệm vụ của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị. Có thể các cơ quan kia vẫn làm, còn cơ quan chống tham nhũng chuyên trách, căn cứ vào chức năng nhiệm vụ và quyền hạn, khi nắm bắt được tình hình, diễn biến thì có thể độc lập đi vào bất cứ chỗ nào, vụ việc nào. Sinh ra cơ quan chống tham nhũng không làm giảm nhẹ nhiệm vụ chống tham nhũng của Đảng, Chính phủ hoặc các cơ quan khác.

Thể chế các nước hơi khác VN, cơ quan này vừa làm thanh tra hành chính đồng thời cũng là thanh tra tư pháp. Ví dụ ở Ai Cập, cơ quan giám sát hành chính vừa thanh tra hành chính để kết luận các sai phạm, vừa là cơ quan chống tham nhũng. Khi có đầy đủ cơ sở để kết luận một vụ việc tham nhũng, nó làm luôn nhiệm vụ của cơ quan tư pháp: kết luận, đề nghị VKS truy tố để xét xử.

Còn ở mình, mọi vụ việc do Thanh tra, Ban chỉ đạo TƯ 6-2 tiến hành, sau khi hoàn tất đều phải chuyển qua Cơ quan điều tra để tiến hành điều tra lại từ đầu, rất mất thời gian. Có khi họ trả lời sẽ làm tiếp cũng có khi không trả lời nên mọi việc không rõ ràng.

+ Vậy nên thành lập một cơ quan chống tham nhũng chuyên trách hay nên “nâng cấp” thẩm quyền của Thanh tra Nhà nước?

- Nên nâng thẩm quyền của cơ quan Thanh tra lên. Lâu nay lực lượng Thanh tra đã làm nhiệm vụ chống tham nhũng nhưng phạm vi thẩm quyền vẫn là thanh tra hành chính. Nâng cấp thẩm quyền cho cơ quan Thanh tra, chính vì thế mà nhiều nước đặt cơ quan này trực thuộc QH.

+ Nhưng cũng nhiều ý kiến lo ngại với quyền năng lớn như vậy, nếu xảy ra sự lạm quyền thị ai giám sát, xử lý?

- Các nước đều có thể chế để giám sát cơ quan này. Cứ 6 tháng, ông Tổng Thanh tra hoặc Chủ tịch Uỷ ban chống tham nhũng phải báo cáo trước QH. Hàng năm phải “quyết toán” công việc với QH. Thông qua báo cáo này, QH hoặc sẽ giám sát. Thứ nữa, hàng năm thông qua giám sát, QH sẽ giám sát việc cơ quan này làm, chứ không sợ ai sẽ kiểm soát thanh tra đâu!

Quy trách nhiệm cho người đứng đầu

+ Theo kinh nghiệm nhiều nước, cơ quan chống tham nhũng ngoài quyền điều tra còn được trao một quyền rất quan trọng là quyền “theo dõi lối sống” của cán bộ công chức?Nếu như những công chức có lối sống quá đáng so với thu nhập trung bình của họ thì cũng sẽ bị đặc vào “tầm ngắn”?

- Hiện nay, nhiều nước đã áp dụng việc giám sát hoạt động của công chức ngoài xã hội và cơ quan này được sử dụng những phương tiện đặc biệt khi cần thiết (được quy định trong luật).

Khi còn là Tổng Thanh tra Nhà nước, tôi đã đề ra quan hệ trực hệ của cán bộ, công chức, bản thân công chức và vợ-con-họ hàng trực hệ phải chịu sự kiểm soát của Nhà nước. Hoặc chúng ta đã đưa ra quy định cấm các công chức, đặc biệt là người đứng đầu không được kinh doanh dưới ngành nghề do anh quản lý. Hồi đó, tôi đã ví dụ ông Bí thư tỉnh uỷ đứng đầu cả lĩnh vực chính trị-kinh tế-văn hoá-xã hội như thế ông Bí thư được coi là lãnh đạo chính trị nên vợ con không bị cấm kinh doanh, và lợi dụng những sơ hở mà các cơ quan chức năng rất khó đi vào điều tra.

+ Việc quy trách nhiệm cho người đứng đầu được xem là những giải pháp chính cho việc chống tham nhũng.Trong một loạt các vụ tham nhũng như ở ngành dầu khí, quota dệt may..., đều khó có thể quy trách nhiệm cho người đứng đầu?

Khi xây dựng Pháp lệnh chống tham nhũng, tôi đã liệt kê 19 điều cấm cán bộ, công chức không được làm. Nếu thực thi những điều cấm này, khi phát hiện thấy cán bộ, công chức dưới quyền vi phạm điều cấm này, người lãnh đạo phải xử lý ngay, như vậy sẽ có tác dụng phòng ngừa tham nhũng. Nhưng ở đây, trách nhiệm ông Bộ trưởng như thế nào? Quá trình quản lý, tại sao anh không biết công chức vi phạm 1-2 hay 3 điều cầm này? Anh không giám sát, không kiểm tra, không phòng ngừa, răn đe, giáo dục thì phải quy trách nhiệm như vậy-trách nhiệm là ông không ngăn chặn để xảy ra tham nhũng. Chứ quy trách nhiệm trực tiếp cho ông Bộ trưởng hay người đứng đầu thì cũng khó.

+ Trong vụ tham nhũng chạy quota dệt may này, ông bố làm thứ trưởng thì con trai-người phạm tội là một công chức mà không đáp ứng được yêu cầu tối thiểu là có bằng ĐH nhưng vẫn được vào làm việc. Điều này dứt khoát người lãnh đạo không thể không biết?

Việc làm này cũng nằm trong một điều cấm rồi! Cấm vợ-con-anh em ruột thịt không được làm việc liên quan đến hợp đồng kinh tế, làm kế toán, thủ kho, thủ quỹ. Tại sao anh vẫn cho vào làm? Như vậy anh đã coi thường pháp luật cho nên sinh ra tham nhũng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo