Trong lúc các thị trường xuất khẩu của VN bị thu hẹp dần, “quay về sân nhà” là khuyến cáo hợp lý của các bộ, ngành đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt. Tuy nhiên, dù nỗ lực đến mấy, DN vẫn khó trụ vững và phát triển tốt nếu các cơ quan quản lý Nhà nước không thiết lập hàng rào kỹ thuật để bảo vệ hàng nội địa. Giờ đây, hàng giá rẻ Trung Quốc không còn vào VN trên những chuyến xe Minsk chuyên đai hàng lậu, thập thò và dè dặt nữa mà được tổ chức thành từng đoàn, có mạng lưới nhận hàng - giao hàng quy mô, bài bản từ Bắc vào Nam, trong đó có nhiều đơn hàng trị giá cực lớn. Cơ quan chức năng biết nhưng vẫn để tệ trạng ấy kéo dài. Nhờ trốn thuế, hàng lậu Trung Quốc vừa dễ đánh bại hàng VN vừa khiến ngân sách nước ta thất thu lớn. Đích nhắm thị trường nội địa có nguy cơ chệch mục tiêu nếu các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương và ngành hải quan, không đưa ra lời hiệu triệu “ta về ta tắm ao ta” bằng tâm huyết của chính mình.
VN đã gia nhập WTO hơn 2 năm. Theo quy luật, song hành việc dỡ bỏ các hàng rào thuế quan thì các hàng rào kỹ thuật về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa phải được dựng lên để xây dựng và bảo vệ môi trường cạnh tranh lành mạnh. Mỹ, Nhật Bản và nhiều nước châu Âu làm rất tốt việc này. Còn VN, dù đã có đủ điều kiện nhưng vẫn áp dụng các tiêu chuẩn... lỗi thời. Bởi thế, chứng kiến cảnh hàng lậu Trung Quốc ùn ùn đổ vào VN mới thấy thương cái bóng đèn compact, con cá basa... của nước ta bị làm tình làm tội nơi xứ người. Các quốc gia nhập khẩu còn cử nhiều đoàn chuyên gia ra nước ngoài để tìm hiểu kỹ xuất xứ, chất lượng hàng nhập và cảnh báo tức thời người tiêu dùng trong nước mỗi khi phát hiện hàng kém chất lượng, nhiễm độc tố... Câu hỏi đặt ra: Các cơ quan hữu quan nước ta ở đâu, làm gì trong lúc DN và người tiêu dùng đứng giữa muôn trùng rủi ro và thách thức ngoại quan đó?
Đã gần một năm nay (từ tháng 8-2008), dự án Hỗ trợ thương mại đa biên giai đoạn III (MUTRAP III) do Liên hiệp châu Âu (EU) tài trợ (10 triệu euro) với mục đích “tăng cường năng lực của Bộ Công Thương để thực hiện và phát triển chiến lược hội nhập kinh tế và thương mại của VN giai đoạn hậu WTO” đã được khởi động. Thế nhưng, được “tăng” mà bộ vẫn chưa “cường”, không chỉ trong việc ngăn chặn hàng lậu mà một số lĩnh vực khác. Đăng đàn trả lời chất vấn tại Quốc hội tuần này, chắc chắn Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng không thể né tránh trách nhiệm.
Bình luận (0)