Cục trưởng Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính, ông Trần Đức Thắng cho biết đã giao đơn vị chức năng yêu cầu ngành Tài chính Ninh Thuận làm rõ việc gần đây, tỉnh này có văn bản yêu cầu 4 cơ quan khẩn trương mua sắm ô tô, mọi thủ tục phải hoàn tất trước ngày 31-12, gồm: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy.
Phóng viên: Xin ông cho biết những trường hợp nào được mua sắm xe công vào thời điểm này?
- Ông Trần Đức Thắng:
Thủ tướng đã có chỉ đạo dừng việc mua sắm xe công ngoài 3 trường hợp gồm: cơ quan thành lập mới không thể bố trí xe công từ cơ quan khác chuyển sang (chẳng hạn Ban Nội chính của tỉnh, thành phố mới thành lập); xe bị mất, tai nạn không thể tìm thấy hoặc không sửa chữa được (rất hãn hữu và thường rơi vào cơ quan đại diện ở nước ngoài); xe chuyên dùng (cứu thương, cứu hỏa, xe phát sóng, phòng chống tội phạm…).
Vậy giá trị tối đa xe công được mua là bao nhiêu, thưa ông?
- Theo quyết định của Thủ tướng, ngoài xe chuyên dùng giá trị có thể lớn hơn, còn lại xe bình thường thì giá trị không quá 720 triệu đồng/chiếc, xe 2 cầu (đi vùng sâu, vùng xa) được mua loại có giá gấp rưỡi xe bình thường, cộng thêm 5% trong thẩm quyền quyết định của chủ tịch UBND tỉnh, thành phố.
Lâu nay, hiếm thấy việc các nơi mua quá giá trị cho phép vì Kho bạc Nhà nước ở các địa phương “gác cổng” rất chặt và nơi nào để vượt khung sẽ chịu trách nhiệm trước bộ trưởng. Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng rất quyết liệt xử nghiêm việc Kho bạc Nhà nước để “vượt rào”!.
Ngoài Ninh Thuận, có địa phương nào “vượt rào” mua xe công?
- Hiện nay, tôi mới biết việc ở Ninh Thuận qua báo chí và đang chờ thông tin xác minh.
Tôi cũng nói rõ là việc tạm dừng mua xe công được Thủ tướng chỉ đạo từ 2 năm nay. Cụ thể, khi bố trí dự toán ngân sách năm 2014 đã không có mục mua xe công. Để mua xe công, phải nằm trong dự toán ngân sách và được HĐND tỉnh, thành phố thông qua. Đối với xe chuyên dùng, cũng nằm trong danh mục cơ quan được cấp và loại xe được UBND tỉnh, thành phố phê duyệt sau khi có ý kiến đồng ý của Thường trực HĐND.
Qua việc này, Bộ Tài chính có chấn chỉnh việc mua sắm xe công?
- Trước kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 hằng năm, Bộ Tài chính đều có báo cáo Quốc hội việc tăng giảm tài sản quốc gia. Ngoài ra, Bộ Tài chính còn có kho dữ liệu tài sản quốc gia được tổng hợp từ năm 2009 đến nay và sẽ được công khai trên cổng điện tử của Cục Quản lý công sản trước tháng 6-2015 (do trang web này đang nâng cấp).
Ông nghĩ sao khi nhiều nước khoán tiền xe công vào lương của cán bộ thay vì phải mua?
- Chúng tôi tính toán một năm chi phí cho một ô tô công không dưới 310 triệu đồng, gồm: lái xe, xăng dầu, bảo trì, sửa chữa, bảo hiểm, phí các loại… Bình quân mỗi tháng trên 25 triệu đồng, chưa kể số tiền mua xe ban đầu. Trong khi đó, tổng số xe của các cơ quan hành chính sự nghiệp (chưa kể xe của lực lượng quốc phòng - an ninh) vào khoảng 40.000 chiếc. Như vậy, nếu nhà nước khoán tiền cho những cán bộ được quyền dùng xe công mỗi tháng 10 triệu đồng thì sẽ tiết kiệm không ít mà người được hưởng cũng cảm thấy thoải mái. Việc này các nước cũng áp dụng phổ biến.
Hiện nay, có tình trạng ở các địa phương, từ cấp phó chủ tịch tỉnh, giám đốc sở, bí thư - chủ tịch cấp huyện đi đâu cũng nói “xe của tôi” trong khi theo quy định nhà nước, người giữ chức vụ có hệ số từ 1,25 (cấp tổng cục trưởng) trở lên mới có xe đưa đón đi làm, xe phục vụ công tác - gọi là xe riêng. Còn cấp từ tổng cục trưởng trở xuống thì là xe dùng chung của cơ quan.
Nên khoán tiền thuê...
Ông Trần Đức Thắng cho biết một căn hộ chung cư nhà công vụ loại trung bình ở Hà Nội giá khoảng 3 tỉ đồng. Mỗi năm tiền duy trì, bảo dưỡng, phí của ban quản lý tòa nhà vào khoảng gần 100 triệu đồng nhưng phức tạp là “suốt ngày phải đi đòi nhà” khi cán bộ về hưu, chuyển công tác. Ông Thắng cho rằng nếu áp dụng khoán tiền thuê nhà vào lương của một vị thứ trưởng chuyển từ nơi khác về Hà Nội công tác (cấp được bố trí nhà công vụ theo Luật Nhà ở sửa đổi) mỗi tháng 10 triệu đồng, cả năm mất 120 triệu đồng thì nhà nước không phải bỏ tiền đầu tư, người được hưởng cũng tiện đi thuê nhà vừa với nhu cầu. “Cả thế giới đang tiến tới tiền tệ hóa mọi chi phí công mà Việt Nam lại đi ngược làm nhà công vụ nhiều là không nên” - ông Thắng góp ý.
Theo ông Thắng, chỉ khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thì thực sự cần nhà công vụ cho cán bộ được điều động công tác, bộ đội, bác sĩ, giáo viên…
Cán bộ phải mượn xe đi… công tác!
Xung quanh việc UBND tỉnh Ninh Thuận cho phép Văn phòng UBND tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy mua ô tô với tổng giá trị trên 3 tỉ đồng, đại diện Văn phòng UBND tỉnh này cho biết lý do là ô tô của các đơn vị nói trên đã hư hỏng nặng, cán bộ đi công tác phải mượn xe ở nơi khác. Hơn nữa, từ giữa năm 2014, có trên 10 cơ quan đề nghị được mua xe nhưng tỉnh chỉ giải quyết 4. Theo vị cán bộ này, việc đồng ý cho 4 đơn vị mua xe công là không sai!.
Sở dĩ dư luận “lời ra tiếng vào” chuyện mua xe công nói trên vì trong năm 2014, tỉnh Ninh Thuận đã 2 lần xin Chính phủ hỗ trợ 1.652 tấn gạo để cứu đói cho dân vào 2 dịp Tết Nguyên đán và thời gian giáp hạt do nắng hạn kéo dài vào cuối tháng 8-2014. Ít nhất, trên 100.000 lượt nhân khẩu là hộ nghèo, đồng bào thiểu số, những gia đình khó khăn bị thiệt hại nặng do hạn hán, mất mùa được nhận gạo cứu trợ.
Ninh Thuận là một trong những tỉnh nghèo của cả nước, thường xuyên bị thiên tai nên đời sống của nông dân rất chật vật, nhất là các xã vùng sâu, miền núi. Hằng năm, UBND tỉnh phải xin hỗ trợ lương thực từ Chính phủ.
L.Trường
Bình luận (0)