Theo ông Tiên, hòn Phụ đã đổ về hướng Bắc theo chiều nghiêng của hòn Phụ Tử trước đây. Quan sát kỹ phần bị gãy thì phần này đã nằm sát mặt nền. Như vậy là hòn Phụ đã đổ toàn bộ. Cũng theo quan sát thực tế ban đầu, phần ngã gãy còn nằm lại trên mặt nền có chiều dài cỡ 7-8 mét, đường kính khoảng 6-7 mét. Phần đã bị gãy có những khe nứt có độ nghiêng 30-35 độ ở xung quanh hòn Phụ. Sở dĩ hòn Phụ vẫn đứng được là do một phần lõi của hòn Phụ vẫn còn dính với phần nền cộng với sự giúp đỡ của vài cụm đá nhỏ xung quanh. Tuy nhiên, cũng chính những khe nứt này ngày càng làm cho sự liên kết của hòn Phụ với phần nền càng ít chặt chẽ hơn.
Mặt khác, hòn Phụ Tử là khối núi đá vôi nên thường bị phong hóa và qua tìm hiểu thì thấy phía dưới chân hòn Phụ, nhất là phần nền, có nhiều khe nứt nên có thể đã làm “yếu” đi hòn Phụ. Như vậy, hòn Phụ có khối lượng khoảng trên 1.000 tấn, nhưng lại đứng nghiêng. Trong khi những khe nứt đang phát triển ở phần chân hòn, sức nặng của hòn lại đang đứng, chân nền đang yếu dần đi vì bị xâm thực nên có một tác động nào đó đã làm cho hòn Phụ đổ xuống. Và thực tế đã có mưa lớn, gió xoáy tác động thêm vào nên tác động phá vỡ cân bằng vốn có và làm hòn Phụ đổ...
Ông Tiên cũng cho rằng có thể tái tạo hòn Phụ. Muốn vậy, trước hết phải có dự án khảo sát, đánh giá hiện trạng cả phần trên lẫn phần dưới mực nước biển hòn Phụ Tử. Phần nền hòn Phụ Tử hiện đang có nhiều khe nứt, nhiều khối đá chồng chất lên nhau. Vì thế sẽ dùng phương pháp khoa học để xác định độ rỗng của phần nền, cũng như xác định rõ những khe nứt đang phát triển tới đâu, rộng bao nhiêu, khối lượng bao nhiêu. Sau đó, lên phương án dùng vật liệu để “hàn” lại.
Tuy vậy, theo kỹ sư Tiên, trước hết, phải có cách bảo vệ hòn Tử còn lại bằng cách khảo sát mức độ bị xâm thực ở chân hòn Tử cũng như các khe nứt và có cách xử lý. Chiều 10-8, trao đổi với phóng viên Báo NLĐ, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Kiên Giang Trương Văn Nhu cho biết, trong ngày 10-8, đã có 3 doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài gọi điện thoại đến xin được thực hiện việc phục chế và tôn tạo di tích hòn Phụ Tử. Ngày 11-8, các doanh nghiệp này sẽ gởi phương án đến Sở VHTT và nếu được sở chấp nhận, sẽ tiến hành ngay việc phục chế và tôn tạo.
Hòn Tử cũng dễ ngã, nếu... Chiều 10-8, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Bùi Ngọc Sương đã ký công văn hỏa tốc gởi các ngành và địa phương có liên quan để chỉ đạo về việc khắc phục sự cố hòn Phụ. Trước đó, ngày 9-8, UBND tỉnh Kiên Giang cũng có công văn báo cáo khẩn cho Văn phòng Chính phủ và Bộ VhTt về sự cố này. UBND tỉnh cũng cho biết, đây là di tích danh thắng quốc gia đã được xếp hạng, tỉnh không đủ năng lực nghiên cứu, kết luận cũng như lập phương án trùng tu tôn tạo. Cùng với cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang khảo sát trưa 9-8, phóng viên Báo NLĐ thấy phần chân của hòn Phụ đã có vết nứt gãy từ rất lâu. Một số loài dây leo, xương rồng mọc xen vào những kẽ đá. Phần nứt mới ở chân hòn Phụ cỡ một phần ba, tức lâu nay hòn Phụ trụ vững là nhờ hai khối núi nhỏ cộng với cái chân một phần ba này. Nhiều dân lặn ở khu vực này cho biết, hiện phần chân hòn Tử cũng đang bị nước biển xâm thực, còn thân hòn Tử cũng có những vết đứt gãy khá rõ, có thể quan sát bằng mắt thường. Như vậy, có nhiều nguy cơ hòn Tử cũng khó tồn tại lâu dài khi có một chấn động mạnh hay một tác động bất ngờ nào đó. |
Bình luận (0)