Trao đổi với PV Thanh Niên hôm qua 15.10, ông Trần Quý Tường, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết: "Tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ mới này được ban hành trên cơ sở các tiêu chuẩn đã có và họp bàn nhiều lần với các các bộ ngành liên quan: Giao thông vận tải, Công an... và đã lấy ý kiến của Sở Y tế các tỉnh thành, các bệnh viện, viện thuộc Bộ. Việc quy định từng bác sĩ phải chịu trách nhiệm về kết luận sức khỏe của từng chuyên khoa nhằm buộc họ phải có trách nhiệm với "chất lượng" mà họ khẳng định. Trước đây, ngành y tế từng bị phê bình: chỉ 1-2 bác sĩ khám mà đã kết luận một người đạt chuẩn sức khỏe!".
Ông Tường cũng giải thích: "Đây là tiêu chuẩn sức khỏe áp dụng để khám sức khỏe cho người vào học lái xe, người dự thi nâng hạng GPLX, tuyển dụng lái xe. Việc tái khám sức khỏe thực hiện cùng thời hạn của GPLX. Với người lái xe máy, GPLX là vĩnh viễn nên không có việc thay đổi lại, ngay cả trong trường hợp người đó bị "sụt cân" xuống dưới 40 kg. Trường hợp này cũng không bị phạt vì chưa có điều khoản nào quy định xử phạt. Tuy nhiên, mọi người nên chủ động trong việc đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân và khi điều khiển phương tiện. Bởi khi cân nặng không đạt hoặc bị sụt giảm dưới mức bình thường cũng là nguy cơ về tình trạng sức khỏe không đảm bảo. Vì vậy, nên sử dụng các phương tiện phù hợp với thể trạng: phương tiện giao thông công cộng, các loại xe máy không cần phải có giấy phép...".
Về quy định chiều cao người lái xe, ông Tường khẳng định đã có các tham khảo để phù hợp với phương tiện. Theo đó, với xe máy 70 cm3, chiều cao trung bình từ yên xe đến mặt đất là 74-76 cm. "Như vậy, chiều cao tối thiểu của người lái xe phải đạt được là 1m45 mới có thể đảm bảo khi vận hành. Chiều cao liên quan đến chiều dài của chân, tay, có ảnh hưởng đến độ chính xác, an toàn các thao tác vận hành phương tiện. Chúng tôi cũng lưu ý, khi đưa ra tiêu chuẩn về chiều cao, cân nặng, các chuyên gia đã lựa chọn tiêu chuẩn thấp nhất để áp dụng, đảm bảo tính phổ biến trong cộng đồng" - ông Tường nói.
Trong khi đó, luật sư Phan Trung Hoài, Đoàn luật sư TP.HCM, viện dẫn quy định tại điểm (e) khoản 1 điều 48 của Luật Giao thông đường bộ (có hiệu lực từ 1.1.2002), cho rằng, một trong những điều kiện để tham gia giao thông của xe cơ giới là phải "bảo đảm tầm nhìn cho người điều khiển", nên việc quy định giới hạn về chiều cao đứng của người điều khiển phương tiện trở nên không thực tế. Chưa nói đến mô tô, xe gắn máy, ông Hoài nhìn nhận ngay các phương tiện xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi cũng thường được thiết kế để người điều khiển có thể tự điều chỉnh cho mình tư thế ngồi phù hợp với chiều cao đứng và thể chất của mình. "Vì thế, theo chúng tôi, ngoài các tiêu chuẩn khác về thể lực, chức năng sinh lý - bệnh tật, chỉ cần giới hạn độ tuổi của người điều khiển phương tiện là người đủ 18 tuổi trở lên được lái mô tô hai bánh, mô tô ba bánh có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; ô tô chở người đến 9 chỗ như quy định tại điểm (b) khoản 1 điều 55 Luật Giao thông đường bộ là phù hợp, không nên quy định giới hạn về chiều cao đứng nêu trên có thể làm phát sinh sự phân biệt đối xử có tính kỳ thị đối với những người có chiều cao khiêm tốn" - luật sư Hoài nói.
Xung quanh ý kiến có thể thu hồi GPLX mô tô, xe gắn máy của người lái xe nếu trong quá trình sử dụng không đủ điều kiện về sức khỏe theo tiêu chuẩn mới, luật sư Hoài khẳng định: "Quyết định quy định tiêu chuẩn sức khỏe người lái xe của Bộ Y tế không phải là loại văn bản pháp quy có quy định hiệu lực trở về trước như được quy định tại điều 76 Luật số 52-L/CTN ngày 12.11.1996 về ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, nên nếu đặt vấn đề thu hồi GPLX hoặc xử phạt vi phạm quy định an toàn giao thông đối với người "thấp bé, nhẹ cân" là không đúng".
Hơn cả... tầm soát bệnh ung thư ! Một bác sĩ tại TP.HCM sau khi xem bảng Quy định mới về tiêu chuẩn sức khỏe lái xe mà Bộ Y tế vừa ban hành đã thốt lên như thế. Có thể nhận định này hơi cường điệu, nhưng hầu hết các bác sĩ tại TP.HCM khi chúng tôi hỏi về quy định mới đều cho rằng: khó khả thi. Bác sĩ P.D của một bệnh viện đa khoa tại Q.10 cho rằng: "Với cái list (danh sách) quy định từng hệ (tim mạch, hô hấp...), mỗi hệ trên dưới 10 thứ bệnh như thế còn hơn nhiều so với khám sức khỏe định kỳ. Nếu làm xong cái list dài ngoằng ấy sẽ phát hiện ra được nhiều thứ bệnh. Nhưng, thực tế không một nơi nào khám sức khỏe cho người thi GPLX có thể làm đúng theo quy định như thế được". Bác sĩ N.D (Bệnh viện Nhân dân 115) nói: "Nhiều khi ở trên đưa ra quy định không sát với thực tế cho lắm. Quy định ngặt sẽ xảy ra những chuyện không tốt trong việc đi khám sức khỏe thi GPLX. Lâu nay, bác sĩ khám sức khỏe thi GPLX chỉ khám qua những phần cơ bản, xem không dị tật mà thôi"… Còn bác sĩ H.P (Bệnh viện Đại học Y Dược) ưu tư: "Nếu làm đúng tất cả một "sớ" bệnh tật chuyên sâu như quy định, thì sẽ có nhiều người bỏ cuộc không đi thi GPLX!". Không chỉ người dân "bỏ cuộc", mà khi áp dụng đúng quy định mới thì không ít bệnh viện cũng phải… bó tay. Bác sĩ Lê Hoàng Quí, Phó giám đốc Bệnh viện Bình Thạnh, cho rằng: "Lâu nay, bình quân thời gian chúng tôi khám sức khỏe cho một người thi GPLX khoảng hơn 10 phút, với mức phí 25 ngàn đồng/người. Nhưng với quy định mới, thời gian khám sẽ phải kéo dài hơn và chi phí tốn kém hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, một số loại bệnh như quy định đưa ra cần phải có thiết bị chẩn đoán như: máy đo hô hấp, máy thính lực... mà hiện chỉ có ở một số bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện lớn, còn tuyến quận huyện chúng tôi không có..." - Thanh Tùng |
Bình luận (0)