Tiết trời tháng 7, hầu hết các tỉnh Tây Nguyên đã bước vào mùa mưa, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng cũng không ngoại lệ. Cái không khí se lạnh, ướt át không làm chúng tôi chùn chân khi quyết tâm ghé thăm một địa chỉ được hàng ngàn người ví von là nơi viết nên những câu chuyện cổ tích.
Ân phúc của trời cho
Mái ấm Tín Thác (xã Lộc Thanh, TP Bảo Lộc) - căn nhà chứa đựng sự kỳ vọng, gửi gắm - được xây dựng năm 2009 dường như không bao giờ khép cửa ấy là nơi những đứa trẻ bị bỏ rơi khi vừa lọt lòng mẹ và được các sơ cưu mang, chăm sóc.
Chúng tôi ghé thăm vào một buổi chiều muộn, ngoài trời mưa rả rích, các cháu chơi đùa trong khuôn viên nhà lúc các sơ chuẩn bị bữa ăn chiều. Sơ Vân (tên thật Nguyễn Thị Thu Vân) vừa tiễn đoàn khách thiện nguyện đã quay sang tiếp chuyện chúng tôi. Sơ cho biết Mái ấm Tín Thác do sơ Hường (53 tuổi, tên thật Nguyễn Thị Hường) lập ra để cưu mang những đứa trẻ bị bỏ rơi. Thành lập từ năm 2009, ban đầu mới chỉ có vài phòng nhưng phải liên tục mở rộng bởi số lượng các bé vào mái ấm tăng quá nhanh. Đến nay, sau 7 năm, con số đã tăng lên 80 cháu. Hiện cơ sở khá rộng rãi, thoáng mát với 3 dãy nhà theo hình chữ U khang trang, sân chơi, vườn hoa và nơi ăn uống, ngủ nghỉ tiện nghi...
Thấy khách đến thăm, không ai bảo ai, các cháu đồng loạt rời khu vực chơi búp bê, banh bóng, bập bênh, xe đụng... bò hoặc lẫm chẫm đi ra phía hàng rào gỗ; những đôi mắt đen tròn, sáng long lanh vì vui mừng; ríu rít gọi nhau í ới, đòi được bế bồng. Sơ Vân tâm sự: “Từ khi sơ Hường thành lập mái ấm này, tôi cũng về đây gắn bó với các cháu khá lâu. Đã hơn một lần chúng tôi phải rơi nước mắt vì xót xa trước những đứa trẻ bị bỏ rơi khi mới vài ngày tuổi trong các nùi vải, lạnh lẽo, co ro, khóc thét dưới gốc cây...”.
Phía trong căn phòng nhỏ khoảng 20 m2 có cô gái trẻ chừng 21 tuổi, tên Trần Thị Thu Thảo (quê huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) đến phụ giúp các sơ. Thảo cho biết ban đầu, những trẻ sơ sinh bị vứt bỏ ngoài đường được đưa về nuôi dưỡng tại Mái ấm Tín Thác đều được sơ Hường đặt tên là Ân (Gia Ân, Minh Ân, Thảo Ân, Bảo Ân, Thiên Ân...) như là ân phúc của trời cho. Mỗi đứa trẻ bị bỏ rơi đều được mái ấm tìm cho một gia đình đỡ đầu nhằm thực hiện nghi thức rửa tội và có hơi ấm tình thân để đỡ mặc cảm và hy vọng có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc sau này.
Nhìn nhiều bé từ 3 đến 3 tuổi rưỡi nhưng phát âm không rõ, có cháu trông như bị thiểu năng, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Theo sơ Vân, đa số các cháu bị cha mẹ bỏ rơi khi mới vài ngày tuổi. Bị dứt nguồn sữa mẹ và nhiễm lạnh khi chỉ được quấn sơ sài trong các nùi giẻ hoặc quần áo cũ rồi cho vào túi ni-lông, chậu nhựa, thùng giấy bỏ trước cổng nhà thờ, dưới gốc cây... Sức đề kháng quá yếu nên các cháu thường dễ đổ bệnh, ốm yếu và chậm nói.
Nhìn các cháu bụ bẫm, dễ thương như những “thiên thần” đang mải chơi đùa trong ngôi nhà thương yêu Tín Thác, chắc hẳn những bậc sinh thành sẽ đau như đứt từng đoạn ruột. Tay bế, tay bồng, miệng vừa dỗ dành vừa cho các cháu uống thuốc, chị Trần Thùy My (19 tuổi, người Anh gốc Việt) chia sẻ: “Chúng tôi tình nguyện góp chút sức cùng các sơ chăm sóc các cháu. Ở đây, chúng tôi được học hỏi rất nhiều kinh nghiệm từ việc cho uống sữa, cho ăn, thay tã… Chăm sóc các cháu phải tận tâm nhưng không được quá gần gũi bởi khi quen hơi mà mình rời xa thì các cháu sẽ khóc. Thương và xót lắm!”.
Chỉ về phía chị Thảo đang chăm sóc cháu Bảo Ân (khoảng 1 tuổi rưỡi), sơ Vân bộc bạch: “Bảo Ân trước khi được phát hiện thì đã tím tái, ngạt thở, côn trùng tấn công khiến não tổn thương, bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm phế quản, phải điều trị lâu dài. Cứ nghĩ sẽ không kịp đặt tên cho cháu nhưng không ngờ điều kỳ diệu đã xảy ra, trời thương nên Bảo Ân qua khỏi và bụ bẫm như bây giờ”.
Nghĩa trang của những “thiên thần”
Trong số trẻ mà các sơ nhặt về, không phải cháu nào cũng được may mắn cứu sống như Bảo Ân, Thiên Ân, Phúc Ân… Có những bé, các sơ phải nén những giọt nước mắt để thu nhận, chở che vì chưa đủ tháng, đủ ngày lại bị chính người thân ruồng bỏ. Cũng từ đó, năm 2010, sơ Hường tiếp tục vận động những tấm lòng hảo tâm và các tu sĩ đóng góp mua đất xây nghĩa trang vô danh nhằm cứu rỗi linh hồn những “thiên thần” nhỏ bé, vô tội.
Cùng với sơ Hường, ông Trần Văn Hùng (còn gọi là Hoan) cũng bắt đầu công việc tại nghĩa trang vô danh này. Sau gần 7 năm, đến nay, nghĩa trang đã có tới hơn 7.000 ngôi mộ. Ở đó, chúng đều được đặt một tên thánh và xếp thứ tự theo ngày tháng nhặt về. Hằng ngày, ông Hùng cùng những người có lòng trắc ẩn đến quét dọn, trồng hoa, thắp hương... để nghĩa trang bớt hiu quạnh. Chính sơ Hường cũng không ngờ rằng chỉ sau vài năm, nghĩa trang đã có tới hàng ngàn ngôi mộ của những hài nhi bị bức tử. Các nấm mộ đều rất nhỏ, được phủ bằng miếng đá hoa cương xanh thẫm.
Trong những ngày mệt nhoài lặn lội tại các điểm, trạm y tế, bệnh viện để mang thi thể các cháu về chôn cất, sơ Hường và các sơ khác cũng đã động viên rất nhiều sản phụ lỡ bước có ý định bỏ rơi giọt máu trong mình. “Qua những cuộc vận động đó, chúng tôi cũng đã kịp cứu sống hàng trăm cháu nhưng chắc hẳn con số ấy sẽ không dừng lại” - sơ Hường ngậm ngùi.
Tâm nguyện của các sơ được nhà thờ và các giáo dân ủng hộ. Khu trung tâm nghĩa trang có tượng Đức mẹ và các cậu bé thiên thần nên người dân trong vùng gọi đây là nghĩa trang của các “thiên thần”, chỉ có điều hàng ngàn “thiên thần” an nghỉ nơi đây đều là những sinh linh bất hạnh cùng chung nỗi đau bị tước bỏ quyền sống từ khi còn trong bụng mẹ. Nhẩm tính, sau hơn 7 năm khi nghĩa trang này ra đời, đến nay đã có tới hơn 7.000 cháu. “Điều tất nhiên là khi nghĩa trang này ra đời thì các sơ nối tiếp nhau sẵn sàng chăm sóc các phần mộ. Nhưng trong tâm khảm, không ai mong muốn nghĩa trang mở rộng thêm nữa bởi càng rộng thì nỗi đau càng lớn, tội lỗi thế gian càng nhiều…” - sơ Vân đau xót.
Chung tay chia sẻ
Sau hơn 7 năm kể từ ngày thành lập, Mái ấm Tín Thác đã có hơn 80 cháu được cưu mang, che chở. Trong đó, 7 cháu đang theo học lớp 1, 5 cháu học lớp 2 và 20 cháu đang học mẫu giáo, số còn lại được các sơ chăm bẵm ngay tại Mái ấm Tín Thác.
Chia sẻ những khó khăn về gánh nặng cơm ăn, áo mặc cho các cháu hằng ngày với Mái ấm Tín Thác, ngoài các mạnh thường quân từ các nơi thì chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện thuận lợi tối đa. Ông Nguyễn Minh Hiếu, Chủ tịch UBND xã Lộc Thanh, ghi nhận: “Trong suốt thời gian qua, Mái ấm Tín Thác là ngôi nhà chung của các cháu bị bỏ rơi. Chia sẻ những khó khăn của mái ấm, chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện để giúp đỡ các cháu như làm giấy khai sinh, đăng ký hộ khẩu và cấp thẻ BHYT… hoàn toàn miễn phí cho các cháu. Qua đây, chúng tôi mong muốn các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân giúp đỡ hơn nữa cho Mái ấm Tín Thác để những đứa trẻ kém may mắn có được cuộc sống đầy đủ như những đứa trẻ khác…”.
Còn về số lượng các sinh linh tại nghĩa trang của các “thiên thần” ngày càng tăng nhanh, ông Hiếu cho biết chính quyền địa phương sẽ phối hợp cùng các bên liên quan như y tế, hội phụ nữ… nhằm vận động để hạn chế tối đa trường hợp mang thai ngoài ý muốn; đồng thời, có chế tài xử phạt nghiêm đối với những hành vi vứt bỏ con.
Bình luận (0)