Trong giới kinh doanh vé “chợ đen” hầu hết ai cũng biết Hải “bóng” – một tay “cò” vé chuyên hoạt động bên trong ga Sài Gòn. Băng nhóm của Hải “bóng” có khoảng 7 người, đa phần ở độ tuổi 40-55. Phía ngoài là nhóm của Đệ và Đào có khoảng 10 người, luôn ngồi quanh ngân hàng Vietinbank để vẫy gọi khách mua vé “chợ đen”.
Không mua vé vẫn có cách lên tàu về quê (!?)
Trưa 3-2 (Tức 25 tháng Chạp) bên hông nhà Ga Sài Gòn chúng tôi nhận thấy trong vòng 30 phút nhóm “cò” vé của bà Đào giao dịch 7 trường hợp. Đa phần những khách hàng này lựa chọn mua vé đi trong ngày.
Để tiếp cận quy trình của phe vé “chợ đen” chúng tôi theo chân chị Nguyễn Anh T. (24 tuổi). Vừa có mặt trước ga Sài Gòn, chị T. được bà Đào vẫy tay mời chào. Thấy vậy, chị T. tiến đến gần hỏi thăm, chưa kịp nói câu nào đã bị “cò” kéo ra một con hẻm gần đó để trao đổi.
Một số “cò” đang tiến hành giao dịch với khách hàng. Đa phần vé và thông tin cá nhân của người đi đều không trùng khớp nhau. - Ảnh cắt từ clip.
“Cò” Đào nói: “May mắn cho em gặp được tụi chị, nếu vào bên trong ga mua vé chờ Tết năm sau mới có. Em muốn đi ngày nào?”. Nghe vậy, chị T. yêu cầu một vé đi ga Quy Nhơn vào 26 tháng Chạp. Bà Đào lưỡng lự một hồi rồi cười: “Dễ ẹt. Đưa chị 300.000 đồng tiền công, ngày mai quay lại để lấy vé. Sau đó đưa thêm tiền tương đương với giá in trên vé”.
Chị T. thắc mắc: “Trên vé có in tên em không, nếu không giống thông tin trên vé có lên được tàu hay không?”, “cò” Đào vội trấn an, chỉ cần để lại tiền công, số CMND, số điện thoại ngày mai nhận vé. Nếu không lên được tàu “cò” Đào hứa sẽ có cách lo.
Những giấy tờ "cò" khoe với phóng viên.
Đúng hẹn, sáng 4-2 (Tức 26 tháng Chạp), chị T. quay lại gặp bà Đào để lấy vé về quê. Lúc này, bà Đào lôi ra một tờ vé có lộ trình đúng như yêu cầu của T. nhưng lại khác tên và thông tin cá nhân. Bà Đào nói: “Giá vé 620.000 đồng. Em cứ vào ga đi, nếu không vào được ra đây gặp chị”.
Chị T. đưa tiền cho “cò” Đào và đi vào bên trong. Tuy nhiên, khi đến khu vực kiểm tra nhân viên không cho vào toa tàu vì thông tin sai lệch. Thấy vậy T. quay ra mắng vốn bà Đào. Bà tiếp tục trấn an: “Qua quán nước ngồi chờ chị, 30 phút nữa sẽ được lên tàu”. Nói xong bà Đào chạy vào bên trong nhà ga trao đổi với ai đó rồi quay ra gọi chị T. đi vào.
Thay vì đi lối hành khách, bà Đào dẫn T. đến gặp một người đàn ông khoảng 30 tuổi và đi vào bằng lối nhân viên nhà ga. Ít phút sau, chị T. liên lạc lại chúng tôi thông báo đã lên tàu nhưng không ngồi ghế của hành khách mà ngồi trên chiếc ghế nhựa tăng cường.
Đúng giờ, chuyến tàu lăn bánh, chị T. đã được đi về quê với tổng số tiền bỏ ra 850.000 đồng từ TP HCM – Quy Nhơn.
Đến tối, sau 6 tiếng di chuyển, chị T. tiếp tục gọi điện thoại đến chúng tôi thông báo, cô rất mệt mỏi khi phải ngồi co rú một chỗ. Chị T. quyết định bỏ thêm 150.000 đồng cho nhân viên toa tàu để được ngồi ghế êm hơn.
Cùng lúc, chúng tôi cùng một hành khách tên H. (23 tuổi) tiếp cận “cò” Đệ. Cò Đệ nói thẳng: “Giờ mua vé bình thường thì không đúng tên, lên tàu được hay không rất hên xiu”. Để đảm bảo chắc chắn “cò” Đệ sẽ bán vé…suất nhân viên. Giá tiền công cho “cò” Đệ hưởng từ mỗi hành khách 200.000 đồng.
Thấy H. chấp nhận thỏa thuận, “cò” Đệ lấy điện thoại ra để gọi một người được cho là nhân viên kiểm soát toa tàu. “Cò” Đệ nói trong điện thoại: “Mày đi ngày nào? Bây giờ khách nó lấy một cái ga Nha Trang và ga Diêu Trì được không? Mày nói chuyện với khách nè”. Nói xong “cò” Đệ đưa H. tiếp chuyện. Lúc này, người này nói: “Hôm đi em cứ đến ga nói Đệ đưa vào. Anh bố trí cho em một ghế cứng suất nhân viên”.
Đúng như lời hứa, đến ngày đi “cò” Đệ đưa lên tàu thành công. H. đã lọt được vào tàu thông qua lối đi riêng của nội bộ nhà ga. Tổng số tiền H. bỏ ra là 880.000 đồng, gồm 200.000 đồng tiên công cho “cò” Đệ và 680.000 đồng mua suất nhân viên.
Vì sao “cò” lúc nào cũng có vé?
Sau nhiều lần thâm nhập, tiếp cận chúng tôi được Hải “bóng” – một “cò” vé hoạt động trên 7 năm tại ga Sài Gòn tiết lộ nhiều mánh khóe hoạt động mà ít ai biết được.
Hải “bóng” cho chúng tôi xem danh sách của những hành khách đặt vé, ông giới thiệu: “Bình quân mỗi ngày dân vé chợ đen của tôi bán trên dưới 200 vé. Nói là nhiều đường dây nhưng hoạt động trên một nguyên tắc, không ai được phép lấn chiếm lãnh địa và khu vực bán vé”.
Giải đáp thắc mắc, vì sao vé điện tử rất khó đặt nhưng lúc nào “cò” cũng có vé? Hải “bóng” bật mí, in giả là chính. Chiêu thức hoạt động như sau, thay vì in vé giống như tên cá nhân mà khách hàng cung cấp sẽ bị nhân viên nhà ga trình báo Công an là khách hàng dùng vé giả. Để có thể “bồi thêm” tiền khách hàng “cò” cố ý in vé sai tên, tuổi để khi khách không lên được tàu sẽ chuyển sang hướng đi ghế nhân viên. “Nay đặt vé khó khăn lắm. Trước khi khách hàng chưa đặt cọc tiền mình cứ hứa lèo là có vé giống như thông tin. Nhưng khi giao tiền mình in đại một tấm vé sai tên để họ tin. Nếu không đưa thêm tiền vé thì mình cũng “ăn” được 200.000-300.000 đồng tiền công rồi”, Hải “bóng” chia sẻ.
Ngoài ra một "chiêu" khác mà "cò" áp dụng đó là gom hàng loạt CMND của người thân để đặt vé. Sau khi mua được vé lấy ảnh của khách hàng in vào CMND giả. Đến ngày khách đi, chỉ cần đưa vé thật và giấy CMND giả dán chân dung người thật. "Nhưng cách làm này mang tính hên, xui", Hải "bóng" nói.
Theo lời Hải “bóng” đa phần khi thấy vé không giống thông tin CMND khách hàng đều hủy giao dịch, còn những ai muốn mua thêm sẽ đi bằng con đường…ghế nhân viên. Số lượng đi chỉ 1/3 số khách hàng mua vé từ “chợ đen”.
Phát hiện hàng loạt người mang CMND giả mua vé tàu
Ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh Đường sắt Sài Gòn thừa nhận tình trạng cò vé lộng hành là tồn tại. Về việc nhân viên kiểm soát vé toa tàu dẫn hành khách vào lối đi riêng, cho hành khách lên tàu khi không mua vé, ông Văn cho rằng đây là trách nhiệm của nhiều đơn vị quản lý.
Ông Văn cho biết năm nay việc kiểm soát vé nghiêm ngặt hơn mọi năm rất nhiều. Thực tế cho thấy rất nhiều trường hợp không qua được cửa kiểm soát. Mỗi ngày có 20-30 trường hợp đến trễ so với giờ tàu chạy nên khuyến cáo hành khách đến sớm hơn.
Ông Văn thông tin, trưa hôm nay 5-2 phát hiện một khách nữ sử dụng CMND không đúng với thông tin cá nhân. Cụ thể, khi đến quầy kiểm soát chị L.T.T (quê Quảng Ngãi) trình vé tàu cùng thẻ CMND Nguyễn Văn Hùng (quê Quảng Nam). Ngay sau đó chị T. bị công an tạm giữ mời về trụ sở để làm việc.
Chị T. khai nhận, vé tàu đang sử dụng mua từ một người “cò” phía trước nhà ga với giá 1,4 triệu đồng. Đến ngày đi chị T. được "cò" đưa cho một giấy CMND mang thông tin của một người lạ để chị lên tàu.
Được biết, trong ngày 4-2, Công an và nhân viên nhà ga đã phát hiện 11 trường hợp khác
Bình luận (0)