xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Con chị Út Tịch

Ca Linh

Những đứa con của chị Út Tịch - nhân vật có thật được nhà văn Nguyễn Thi khắc họa trong tác phẩm Người mẹ cầm súng nổi tiếng - từ “thằng Hiển ngọng” đến “Bé Ba thay mẹ ẵm bồng các em” giờ đây vẫn không thôi khắc khoải với những ký ức về người mẹ anh hùng

Từ Quốc lộ 54, chúng tôi dễ dàng tìm đến UBND xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh - quê hương của nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Nguyễn Thị Út (chị Út Tịch). Ông Huỳnh Văn Giàu, Chủ tịch UBND xã Tam Ngãi, nói như khoe: “Ngoài chị Út Tịch, xã còn có đến 8 anh hùng LLVTND, hiện nay một người còn sống là đại tá Nguyễn Thanh Thiên, nguyên Trưởng Công an huyện Cầu Kè”.

Chị Út Tịch tên thật là Nguyễn Thị Út, sinh ra tại ấp Ngãi Nhất thuộc xã Tam Ngãi. Út Tịch là tên ghép của chị và người chồng - Lâm Văn Tịch. Vợ chồng chị có 9 người con, đã mất 3 người; 6 người còn sống hiện ngụ tại tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh.

Anh Lâm Thanh Hùng (SN 1964, người con thứ 7) cùng vợ là Phạm Thị Rết đang ở trong ngôi nhà lưu niệm chị Út tại ấp Bà My. Vừa qua, chính quyền địa phương đã cấp hơn 2.200 m2 đất (trong đó có hơn 67 m2 đất thổ cư) và hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho anh Lâm Thanh Hùng. Nơi đây được giữ làm nhà lưu niệm chị Út Tịch. Hằng ngày, anh Hùng ra chợ giữ xe; chị Rết đưa đò, kiếm khoảng 70.000 đồng. Vườn nhà anh chị còn trồng bưởi, tới mùa thu hoạch cũng kiếm thêm chút tiền. Vợ chồng anh có 1 người con, cùng với con trai lớn của “thằng Hiển ngọng” (Lâm Thanh Hiển - em trai anh Hùng) đang làm ở khách sạn tại Vĩnh Long cho người chị thứ 2 là Lâm Thị Bé (còn gọi là Bé Ba).

 

Gia đình anh Lâm Thanh Hiển quây quần đọc truyện Người mẹ cầm súng. Ảnh: LÊ CHINH

Gia đình anh Lâm Thanh Hiển quây quần đọc truyện Người mẹ cầm súng. Ảnh: LÊ CHINH

 

Kể về mẹ, anh Hùng nghẹn ngào: “Hồi mới ra đời, mấy chị em tôi được mẹ gửi đi khắp nơi cho đồng đội trông giữ. Có khi ở Hậu Giang, Sóc Trăng, sau xuống U Minh, Kiên Giang… nên chúng tôi có rất nhiều ông, bà nuôi”. Còn anh Lâm Thanh Hiển bùi ngùi: “Cha tôi là người chồng thiêng liêng, là người bạn chiến đấu với mẹ. Mẹ đi đánh giặc nên gửi anh em tôi mỗi người một nơi. Con Hồng (Lâm Thị Hồng, con gái út) thì không biết mặt mẹ vì mới sinh được 14 ngày thì mẹ mất tại Kiên Giang”.

Ngôi nhà tưởng niệm tuy không được khang trang nhưng gọn ghẽ, chỉ còn lại di ảnh của chị Út và chồng. Anh Hùng xúc động: “Nhà nhỏ, nước lên thì ngập nhưng thỉnh thoảng có lãnh đạo ở huyện, tỉnh hoặc ngoài tỉnh đến thăm và thắp nhang cho cha mẹ nên chúng tôi cảm thấy ấm lòng”.

Anh Lâm Thanh Hiển kể: “Năm 1970, tôi và chị Lâm Thị Kim Anh (người con thứ 5) được Quân khu 9 bí mật đưa ra Hà Nội. Năm 1974, chúng tôi được đưa sang Liên Xô học. Đây cũng là năm cha tôi hy sinh nhưng anh chị em không ai hay biết”.

Sau giải phóng, anh Hiển cùng chị Anh trở về quê, đoàn tụ gia đình. Khoảng thời gian sau đó, hài cốt chị Út Tịch cũng được đưa về nghĩa trang liệt sĩ huyện. Anh Hiển nghẹn ngào: “Cha mẹ chiến đấu và hy sinh, không có đất vườn nên cuộc sống mấy anh chị em tôi rất chật vật, phải nhờ vả bà con, bạn bè”. Năm 1983, anh Hiển về công tác tại thị trấn Cầu Kè rồi dựng tạm nhà tre vách lá (thuộc khóm 3), đối diện nghĩa trang liệt sĩ huyện. Khó khăn chồng chất, anh trồng rau, bầu, bí… bán để đổi miếng cơm cho vợ con. Không may, anh bị tai nạn giao thông vào năm 2006, phải nẹp inox bên trong xương chân, đi khập khiễng. Chị Bé Ba thì lấy chồng, sang Vĩnh Long kinh doanh khách sạn. Còn các chị khác sống tại Trà Vinh gồm: Lâm Thị Mỹ Thanh, Lâm Thị Kim Anh, Lâm Thị Hồng cũng buôn bán, chăn nuôi, cuộc sống tạm ổn.

Ông Nguyễn Hữu Đồng, Bí thư Chi bộ khóm 3, cho biết: “Nhiều năm nay, địa phương đã cấp sổ hộ nghèo, sổ hộ cận nghèo cũng như có chủ trương xây nhà tình nghĩa cho gia đình anh Hiển. Sang năm, sẽ cấp cho anh Hiển bảo hiểm người dân tộc (ông Lâm Văn Tịch là người Khmer) để anh ấy có điều kiện trị thương ở chân”. Mới đây, tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo huyện Cầu Kè cấp hơn 900 m2 đất cho gia đình anh Hiển để có chỗ an cư. Anh Hiển có 4 người con, đang sống trong ngôi nhà tường nằm cặp Quốc lộ 54, vừa được xây xong hồi đầu năm 2013. Anh bàn với vợ mở quán nước và hằng ngày đánh xe tải qua Vĩnh Long lấy cá về phân phối cho các chợ xã.

Trên bàn học của con anh Hiển lúc nào cũng có cuốn truyện Người mẹ cầm súng. Tôi hỏi: “Trong truyện này, anh thuộc đoạn nào nhất?”. Hiển líu ríu: “Đoạn nào tôi cũng thuộc vì đây là truyện viết về mẹ và có cả anh chị em của tôi trong đó”. Chợt nhớ lại một đoạn trong Người mẹ cầm súng với giọng “thằng Hiển ngọng”: “Anh eng ta như ạn con ùi. Nó có dúng mình có dao găm. Nó éo cò thì mình ảy ô đâm”, thấy những đứa con của người mẹ anh hùng vẫn như năm nào: Chân tình và rặt chất Nam Bộ!

UBND tỉnh Trà Vinh đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Khu Tưởng niệm nữ liệt sĩ - anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Út tại xã Tam Ngãi, tổng diện tích 14.200 m2, kinh phí 36 tỉ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2015.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo