Tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Duy Hưng nhấn mạnh: Để xảy ra hiện tượng ồ ạt xuất lậu than thời gian gần đây là trách nhiệm của nhiều cơ quan, đơn vị. Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nằm ngoài phạm vi quyền hạn của chính quyền tỉnh và TKV, như quy định cho phép xuất khẩu than tiểu ngạch qua Trung Quốc. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Phạm Khôi Nguyên cũng cho rằng hoạt động khai thác than thổ phỉ và xuất lậu than quá phức tạp, nghiêm trọng, việc ngăn chặn không hề đơn giản. Ông Nguyên cho biết Chính phủ hết sức quan tâm, lo lắng trước tình trạng này nên đã có quyết định tạm dừng xuất khẩu than tiểu ngạch kể từ 1-6-2008; đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, các cấp và TKV tìm giải pháp sản xuất bền vững.
Trước cuộc họp, TKV đã soạn thảo và chuẩn bị cả lễ ký biên bản thỏa thuận hợp tác ngăn chặn than thổ phỉ và xuất lậu than giữa TKV và tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, điều làm cả hội nghị bất ngờ là bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Nguyên Nghiệm cùng phản đối nội dung dự thảo, đồng thời cho rằng “nếu ký thì chỉ ký tượng trưng, ký cho vui”. Theo hai vị này, quan điểm trong đấu tranh, lập lại trật tự vùng mỏ giữa TKV và Quảng Ninh chưa thống nhất. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Duy Hưng bức xúc: “Giờ nào mà còn độc quyền thì việc ngăn chặn than thổ phỉ còn khó triệt để. Ranh giới mỏ do TKV quản lý là nơi xảy ra nhiều nạn than thổ phỉ nhất mà lực lượng chức năng của tỉnh khó với tay tới. Như tại thị trấn Mạo Khê, mỗi nhà dân tuy xập xệ nhưng nằm trong ranh giới mỏ vẫn được chủ than thổ phỉ mua vài tỉ đồng để khai thác than bên dưới. Theo tôi, nên cho phép các thành phần kinh tế khác ngoài TKV tham gia hoạt động khai thác than”.
Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho biết sẽ báo cáo hội nghị này đến Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ, song mong muốn TKV và tỉnh Quảng Ninh sớm có thỏa thuận. Trước ý kiến này, ông Nguyễn Duy Hưng thông báo sẽ ký thỏa thuận vào ngày 29-4 để sớm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư và Chính phủ.
Về 104 tàu chở than vừa bị bắt giữ, theo chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, công an đã tiếp nhận hồ sơ để xử lý 96 tàu, xử lý hình sự 46 tàu, khởi tố 3 đối tượng. |
Theo đại diện Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C15) - Bộ Công an, tình hình khai thác than thổ phỉ và buôn lậu than đã kéo dài nhiều năm, song rất nóng từ đầu năm 2007. Bộ trưởng Bộ Công an đã yêu cầu Tổng cục 2 và C15 lập chuyên án làm rõ; đồng thời chỉ đạo C15 phối hợp cùng Công an Quảng Ninh tiến hành điều tra, tập trung làm rõ các sai phạm, đặc biệt là hiện tượng bảo kê. Qua xác minh ban đầu, đằng sau các hoạt động khai thác, vận chuyển, buôn lậu than qua biên giới có những tổ chức, đường dây được phân chia địa bàn theo từng nhóm (ông chủ). Vị đại diện C15 cho biết hiện có một vướng mắc là 104 tàu than vừa bị bắt giữ nằm trong phạm vi biên giới. “Do vậy, chưa thể xử lý được tội danh buôn lậu than của các chủ tàu này” - đại diện C15 cho biết.
Một vấn đề nan giải nữa là Chính phủ quy định cấm ngành than thuê đơn vị bên ngoài, kể cả Công ty Cổ phần Đầu tư - Dịch vụ - Thương mại TKV, vào khai trường khai thác, vận chuyển than cũng như bốc dỡ đất đá. Tại Quảng Ninh hiện có hơn 1.000 xe tải, hàng trăm tàu thuyền thuộc những doanh nghiệp bên ngoài mà các công ty khai thác than thuê để bốc dỡ đất đá, chở than... Nếu thực hiện quy định cấm, nhiều doanh nghiệp trong số này sẽ phải phá sản.
Bình luận (0)