Đó là dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 57,1 km có vốn đầu tư 31.320 tỉ đồng (hơn 1,6 tỉ USD); tính ra suất đầu tư 1 km đường là 25,8 triệu USD, tương đương 555 tỉ đồng. Mà đây mới chỉ là giai đoạn 1, chắc chắn tổng chi phí sẽ còn tăng hơn nữa. Người ta nói đây là “con đường dát vàng” quả chẳng sai!
Chủ đầu tư (Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC) tất nhiên có đủ cách lý giải vì sao suất đầu tư quá cao, chung quy vẫn là những nguyên nhân quen thuộc: địa hình phức tạp, phải xây nhiều cầu, giải phóng mặt bằng tốn kém và “ở các nước, khi làm đường cao tốc, làm gì có nút giao dân sinh, cầu cạn…” (?!).
Nói vậy là ẩu! Rất nhiều đường cao tốc ở Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ… băng hồ xuyên núi nên phải làm cầu vượt, đào hầm chui, tốn kém vô cùng song suất đầu tư bình quân vẫn thấp hơn Việt Nam. Theo nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, chi phí xây dựng trung bình 1 km đường không kể cầu trên cao ở Việt Nam là 7-8 triệu USD trong khi mặt bằng chung của các nước là 5-8 triệu USD; chi phí 1 km đường cầu trên cao ở Việt Nam là 16 triệu USD, các nước là 10-16 triệu USD, tức trong trường hợp nào thì suất đầu tư ở Việt Nam cũng dẫn đầu thế giới.
Trở lại với suất đầu tư, VEC “cãi đằng trời” cũng không trả lời được vì sao ở cùng điều kiện tự nhiên mà có sự chênh lệch nhau rất lớn. Cụ thể, đường cao tốc TP HCM - Trung Lương dài 61,8 km: hơn 9.800 tỉ đồng; TP HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55 km: khoảng 20.000 tỉ đồng; nay Bến Lức - Long Thành dài 57,1 km nhưng vốn đầu tư giai đoạn 1 đã hơn 31.000 tỉ đồng?
Nếu tự bỏ vốn ra làm, chủ đầu tư nào dám nhận lãnh dự án quá đắt đỏ như vậy. Các khoản vay ngân hàng, vay ODA do Chính phủ bảo lãnh để làm đường rồi cũng “ăn» vào ngân sách, tức là dồn lên vai người dân hôm nay và các thế hệ mai sau. Đường sá thênh thang ai chẳng thích nhưng liệu mấy người vui khi biết tiện ích ấy cũng chính là món nợ của cháu con mình!
Chúng ta vay nợ nước ngoài rất nhiều để đầu tư hạ tầng, lẽ ra phải cân nhắc từng đồng, đằng này lại chi tiêu quá trớn. Sự đắt đỏ của dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành buộc người ta phải nhìn lại chủ trương đầu tư dự án này. Liệu có cần thiết không khi 2 đại lộ kết nối miền Tây với TP HCM là Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ và Nguyễn Văn Linh đang còn trống xe; tuyến TP HCM - Long Thành - Dầu Giây vừa đưa vào hoạt động hiện vẫn thưa vắng; Quốc lộ 51 từ Biên Hòa (Đồng Nai) đi Vũng Tàu (qua Long Thành) sau 2 lần được mở rộng nay đã thông thoáng nhiều.
Tốn kém là thế nhưng chất lượng và độ an toàn thì ngược lại. Chỉ cần nhìn vào đường cao tốc TP HCM - Trung Lương với tốc độ xuống cấp nhanh và mật độ tai nạn giao thông thảm khốc rất dày (trong khi tuổi đời mới 5 năm) thì biết. Vậy thì sự đắt đỏ bất thường ấy là do gì, có phải vì bị “thổi giá” không?
Bình luận (0)