Khi nghe tin GS-TS Võ Hồng Anh ra đi, nhiều người bạn của bà bàng hoàng, dù mọi người đều biết bệnh tim đã hành hạ bà từ nhiều năm qua.
Một nhà khoa học giản dị
Là một nhà khoa học, lại là con của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhưng những người tiếp xúc với GS Võ Hồng Anh đều có chung ấn tượng bà là một người rất giản dị.
GS-TS Võ Hồng Anh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: T.Thanh
Trong một lần tâm sự với nhà báo Lương Bích Ngọc, GS Võ Hồng Anh trải lòng rằng bà luôn cảm nhận được tình cảm đặc biệt mà Đại tướng dành cho bà qua cách cư xử hằng ngày của ông, rõ nhất là sự khắt khe. Vì với Đại tướng, yêu thương không có nghĩa là cưng chiều.
Bà kể hồi ở Việt Bắc, thỉnh thoảng Đại tướng bảo mẹ của bà "cho Hồng Anh tham gia với các chú bộ đội”. Lúc đó, GS phải lấy đôi ủng (cao lút cả hai chân) của Đại tướng đi ra ruộng rau với bước chân không thẳng. Rồi khi bà Anh mới học lớp ba, lớp bốn, Đại tướng đã bảo bà đọc cuốn Kháng chiến nhất định thắng lợi của bác Trường Chinh...
Trong một lần trò chuyện khác, GS Võ Hồng Anh tâm sự trong bà, niềm tự hào về ba không bao giờ tách rời niềm tự hào về Tổ quốc và càng không bao giờ tách khỏi ý thức trách nhiệm của mình. Mong muốn của bà là sống xứng đáng với ba mẹ nhưng bằng sức lực tình cảm, bằng trí tuệ của riêng mình.
Hơn 50 công trình (đứng tên một mình hoặc đồng tác giả) về những vấn đề khác nhau của vật lý các môi trường (chất rắn, chất lỏng, plasma) được công bố trên nhiều tạp chí khoa học quốc tế và trong nước của GS Võ Hồng Anh đã phần nào chứng minh sự nỗ lực không ngừng của bà.
Với GS Võ Hồng Anh, nếu vị trí của cha mẹ đem lại niềm cảm thông, quý mến của những người xung quanh (kể cả cách nhìn nhận khắt khe) thì đó cũng là cái lộc mà ta được hưởng. Nhưng bà luôn luôn nhủ lòng: “Nngười ta không có quyền núp bóng cha mẹ để đạt được những điều ngoài năng lực của mình”.
Biết thương người khổ
Nhiều người nhận xét nụ cười của GS Hồng Anh là nụ cười cô đơn đầy nỗi buồn. Nhà báo Hồng Hiếu, Đài Truyền hình Quảng Bình, một người bạn vong niên thân thiết với GS Hồng Anh, có lần tâm sự: GS Hồng Anh đã kể rằng khi bị giam trong nhà tù Hỏa Lò, mẹ bà căn dặn người thân “làm sao cho Hồng Anh sau này lớn lên không chỉ biết khổ mà còn biết thương người khổ”.
Có lẽ vì lời dặn ấy mà mỗi khi về Quảng Bình, GS Hồng Anh đều đến Trường ĐH Quảng Bình, Trường THPT Đào Duy Từ... nói chuyện với các em học sinh, sinh viên.
Những câu chuyện của bà, dù rất giản dị nhưng luôn để lại ấn tượng sâu sắc về học tập, tu dưỡng nhân cách. Bà luôn dặn lớp con cháu làm thế nào để đi đâu người ta cũng biết mình là người Quảng Bình.
Mỗi lần về quê, dù đã khuya, GS Hồng Anh vẫn thích đi ăn những món bánh quê, nói chuyện quê mình, về những điều được, chưa được rồi sau đó thưa chuyện lại với Đại tướng để ông báo lại với lãnh đạo tỉnh.
Người phụ nữ VN đầu tiên được tặng giải thưởng Kovalevskaia
|
Người chị chân thành
Trong một dịp khác, tôi đề nghị phỏng vấn chị, với tư cách là một nhà khoa học nữ, là con gái Tướng Giáp. Lúc phỏng vấn, tôi có ấn tượng đặc biệt về sự kỹ lưỡng của nhà khoa học này, chị giúp tôi tiếp cận tư liệu, giúp tôi sửa từng câu, chữ, sửa rất nhiều lần đến mức có lúc tôi phát bực. Nhưng chị lại động viên: “Em viết chưa hay, đừng vội mới có bài báo hay...”. Vì công việc làm báo, hình như đôi lần, tôi làm chị không vui. Thế nên, hôm nghe tin chị ốm, tôi cứ chần chừ mãi, sợ thấy mình, chị buồn, ảnh hưởng tới sức khỏe. Thế mà hôm tôi đến - là ngày đầu tiên chị tỉnh - chị thoáng cười khi nhận ra tôi. Lương Bích Ngọc (Trưởng Ban Điện tử Bee.net.vn) |
Bình luận (0)