xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Còn khổ vì thủy điện

TÔ HÀ - NGUYỄN QUYẾT

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã giải đáp nhiều vấn đề nhạy cảm song vẫn chưa rõ trách nhiệm đối với các dự án thủy điện, dự án thép Cà Ná

Ngày 15-11, Quốc hội (QH) bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh “đăng đàn” đầu tiên với hàng loạt vấn đề nóng của ngành này.

Mưa lớn, thủy điện Hố Hô xả lũ làm vùng hạ du Hà Tĩnh chìm trong nước. Ảnh: ĐỨC NGỌC
Mưa lớn, thủy điện Hố Hô xả lũ làm vùng hạ du Hà Tĩnh chìm trong nước. Ảnh: ĐỨC NGỌC

Quy trình xả lũ máy móc

Dẫn ra những vi phạm trong việc thủy điện Hố Hô, An Khê - Kanak sai phạm trong xả lũ, đại biểu (ĐB) Trần Thị Dung (Điện Biên) bức xúc: “Chưa bao giờ tính mạng của người dân mỏng manh trước thiên tai đến thế. Đề nghị bộ trưởng cho biết có phương án xử lý, rà soát xung quanh “cái gọi là” vận hành đúng quy trình?”.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết theo quy định, các công trình thủy điện được cấp phép đều phải bảo đảm an toàn xả lũ. Nhưng thực tế, quy trình này được vận hành máy móc. “Các bên không tổ chức diễn tập nên khi xảy ra tình huống xả lũ không bảo đảm yêu cầu. Chủ đập thông báo không đầy đủ về thông tin, lúc thì do mất điện, lúc thì đánh kẻng báo động nhưng không nghe thấy, gọi điện thì các xã không nghe máy. Sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa doanh nghiệp (DN) với chính quyền địa phương khiến thông tin xả lũ không thông suốt” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giải trình.

ĐB Trần Thị Dung chất vấn: Thủy điện Hố Hô vừa rồi xả lũ nhưng bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh không biết; thủy điện An Khê - Kanak xả lũ, chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cũng không hay. Năm 2013 đã chất vấn thủy điện An Khê và tình hình đến nay càng trầm trọng hơn.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận “cũng có những vấn đề về bảo đảm an toàn hạ du” và hứa sẽ kiểm tra, đánh giá lại toàn bộ việc xây dựng, thẩm định, phê duyệt các quy trình xả lũ, cũng như quy định pháp lý liên quan đến bảo đảm an toàn của địa phương khi thực hiện xả lũ của thủy điện.

Xem xét trách nhiệm hình sự các dự án thua lỗ

Đề cập tình trạng 5 siêu dự án thua lỗ, để hoang gây lãng phí kéo dài, thiệt hại lớn cho nền kinh tế, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương làm rõ hơn những sai phạm, đặc biệt là trách nhiệm của Bộ Công Thương.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết các dự án Gang thép Thái Nguyên, Xơ sợi Đình Vũ, Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học bio-ethanol Dung Quất, Nhà máy Đạm Ninh Bình, Nhà máy Bột giấy Phương Nam đều triển khai kéo dài so với thời hạn đã phê duyệt. Các dự án được triển khai trong thời gian dài, có những thay đổi về khung pháp lý nên cần làm cẩn trọng, đánh giá đúng trong từng giai đoạn cụ thể để xem xét trách nhiệm của các cấp quản lý nhà nước, DN, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, của tổ chức và cá nhân.

“Trong đó, không loại trừ có sự cố tình làm sai trong quản trị của DN, điều này sẽ được làm rõ trong thời gian tới. Việc xử lý trách nhiệm (nếu có), đặc biệt là các vi phạm pháp luật, có sự cố tình làm sai chắc chắn sẽ xem xét kể cả trách nhiệm hình sự” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Cùng mối quan tâm, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) lo lắng: “Ngoài 5 dự án thua lỗ lên đến nhiều ngàn tỉ đồng mà Bộ Công Thương vừa báo cáo QH thì hiện nay trên thực tế còn bao nhiêu dự án có mức đầu tư lớn mà có nguy cơ thất bại như 5 dự án trên. Liệu đến kỳ họp sau, QH và cử tri lại phải có thêm một bản danh sách khác làm tất cả chúng ta đau đớn và xót xa?”.

Không né tránh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh giải trình: “Nếu phải báo cáo thêm nữa chúng tôi cũng sẽ rất chua xót như ĐB Nguyễn Lân Hiếu đã trình bày. Trách nhiệm của chúng ta phải làm rất cẩn trọng, đầy đủ với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Đánh giá chung về các dự án trong thời gian vừa qua, có thể tạm nói là còn tiềm ẩn những dự án khác. Tuy nhiên, bao nhiêu dự án, những lĩnh vực nào, ở ngành nào, vai trò của từng bộ, ngành các cơ quan ở đâu, như thế nào, mức độ ra sao thì xin QH dành thời gian để Chính phủ có chỉ đạo tiếp tục thực hiện, báo cáo giải trình đầy đủ với QH ở các phiên họp sau” - bộ trưởng nói.

Bất thường dự án thép Cà Ná!

Lên tiếng mạnh mẽ, ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) đặt câu hỏi về việc Bộ Công Thương bổ sung quy hoạch dự án Thép Cà Ná của Tập đoàn Hoa Sen tại Ninh Thuận là điều bất thường, bất chấp sự phản đối gay gắt của dư luận, bất chấp sự cảnh báo mạnh mẽ của các chuyên gia kinh tế, môi trường... “Có hay không việc xuất hiện lợi ích nhóm trong bổ sung quy hoạch dự án?” - ĐB Hiền đặt vấn đề.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói: “Tôi dám khẳng định công khai ở diễn đàn này là chúng ta không đánh đổi môi trường để lấy dự án công nghiệp bằng mọi giá và cũng không có chuyện các dự án thép đưa ra để đánh đổi về môi trường”. Bộ trưởng giải thích nhu cầu thép trong nước rất lớn nhưng chưa có nhà máy quy mô đủ đáp ứng.

Không ngại trả lời vấn đề được coi là “nhạy cảm”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói thẳng: “Tôi khẳng định không phải vấn đề lợi ích nhóm. Tại sao lại là lợi ích nhóm ở đây nếu chúng ta đang hướng tới phát triển một cách hài hòa bền vững của các ngành kinh tế để bảo đảm nguyên liệu cho các ngành công nghiệp quan trọng, khai thác một cách hợp lý và bền vững các nguồn tài nguyên quốc gia?”.

Các ĐB cũng đặt vấn đề về tình trạng phân bón giả tràn lan, bán hàng đa cấp biến tướng gây thiệt hại cho người dân nhưng chưa nhận được những giải pháp giải quyết thỏa đáng từ Bộ trưởng Bộ Công Thương.

ĐBQH TRẦN THỊ DUNG:

“Tôi không đồng tình”

Tôi đẫm nước mắt khi nghe phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về thủy điện Hố Hô, An Khê-Kanak xả lũ gây thiệt hại cho người dân.

Tôi chưa đồng tình với trả lời của bộ trưởng. Năm 2013, chính tôi đã chất vấn về vấn đề này, khi đó chính là thủy điện An Khê, người dân không biết thời gian xả lũ. Đến 17 giờ mới xả lũ và giữa bốn bề là nước thì người dân biết đi về đâu. Chính quyền cơ sở phải bắc loa kêu gọi bà con hãy leo lên chỗ cao nhất. Dịp đó tôi rất đau lòng, chính vì thế tôi mới phải chất vấn và cho đến nay tình hình chưa khả quan hơn.

Bộ trưởng nói thủy điện xả lũ thì đánh trống rồi gửi công văn, gọi không nghe điện thoại… tôi thấy rằng như vậy là không được. Vấn đề quy trình chúng ta nói nhiều quá rồi nhưng trách nhiệm là vận hành quy trình như thế nào, cái kết mang lại là gì khi tính mạng người dân bị đe dọa?

V.Duẩn - Ng.Quyết ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo