xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Còn lâu hầm đèo Cả mới xong!

Bài và ảnh: Hồng Ánh

Dự án trọng điểm quốc gia - hầm đường bộ qua đèo Cả - chậm tiến độ hơn 1 năm và theo nhà đầu tư là không thể hoàn thành vào năm 2016 như hạn định của Bộ Giao thông Vận tải

Ngày 17-9, tại Hà Nội, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) có cuộc họp với Công ty CP Đầu tư Đèo Cả (chủ đầu tư dự án hầm đường bộ qua đèo Cả) và lãnh đạo 2 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa nhằm rà soát và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án này. Tại cuộc họp, Bộ GTVT nhận định: Dự án chậm tiến độ hơn 1 năm so với hợp đồng đã ký giữa Bộ GTVT với chủ đầu tư.

Địa phương và chủ đầu tư đổ lỗi cho nhau

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 18-9, đại diện chủ đầu tư, ông Đinh Văn Chương (Trưởng Phòng Quản lý dự án của Công ty CP Đầu tư Đèo Cả) cho rằng: Chậm trễ là do công tác giải phóng mặt bằng của Phú Yên, Khánh Hòa chậm. “Chúng tôi đã cơ bản hoàn thành khu tái định cư ở tỉnh Phú Yên với 72 lô nhưng chưa hộ dân nào chịu vào ở. Địa phương chưa trao trả mặt bằng cửa hầm phía Bắc nên chúng tôi không thể thi công. Địa phương hứa sẽ giao mặt bằng vào tháng 10 tới nhưng lúc ấy sẽ vào mùa mưa nên có muốn thi công cũng phải đợi đến tháng 2-2014” - ông Chương nói.
img
Đường công vụ của dự án vẫn còn ngổn ngang

Theo cam kết với Phú Yên và Khánh Hòa, chủ đầu tư sẽ ứng vốn để đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư. Theo ông Chương, tiền ứng không thiếu nhưng các địa phương lại giải ngân chậm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tài - Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên - cho rằng công tác giải phóng mặt bằng phía Bắc dự án đúng tiến độ. Vướng mắc là do thiết kế ban đầu đường công vụ trúng vào cột điện cao thế nên phải chỉnh tuyến. Lỗi này là do chủ đầu tư. Việc 9 hộ dân chưa nhận tiền đền bù, trả lại mặt bằng cũng do chủ đầu tư. Khi tỉnh áp giá đền bù năm 2012 nhưng đến đầu năm 2013, chủ đầu tư mới chi tiền đền bù nên người dân không chịu. Việc này đang được chính quyền địa phương vận động và thay đổi tiền đền bù bằng cách trả lãi theo lãi suất ngân hàng. “Nhà đầu tư cho rằng giải phóng mặt bằng chậm là tào lao. Tôi khẳng định là đúng tiến độ” - ông Tài nói.

Về việc dân không chịu di dời vào khu tái định cư, theo UBND huyện Đông Hòa là do nhà đầu tư chưa xây xong, điện vẫn chưa có. “Tái định cư mà như thế thì làm sao người dân vào ở” - ông Tài băn khoăn. Ông Huỳnh Xuân Sơn, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Phú Yên, cũng khẳng định: “Tiến độ dự án hầm đường bộ qua đèo Cả chậm là do thi công chứ giải phóng mặt bằng không chậm”.

Tại công trường của dự án hiện vẫn ngổn ngang, lầy lội. Các hạng mục như đường công vụ, đường dẫn, khu tái định cư chưa đâu ra đâu. Những cây cầu đang xây dựng dở dang, học sinh phải lội bùn đi học. Tại khu tái định cư, các ống nước thải chưa lắp nối, nhiều chỗ như một đầm lầy. “Vậy mà bảo vào làm sao chúng tôi sống” - một người dân thuộc diện tái định cư bức xúc.

Chủ đầu tư: Năm 2017 mới hoàn thành

Về việc Thứ trưởng Bộ GTVT Trương Tấn Viên cho rằng nhà đầu tư chưa có kinh nghiệm triển khai một dự án lớn và phức tạp, ông Đinh Văn Chương thừa nhận: “Dự án tỉ đô không phải đơn vị nào cũng có kinh nghiệm”.

Trên thực tế, khi triển khai, dự án này có nhiều vấn đề bất cập như khởi công từ ngày 18-11-2012 nhưng đến nay, thiết kế chi tiết cho hầm đèo vẫn chưa có. Về việc này, ông Chương phân bua: Để triển khai các hạng mục phụ của dự án phải mất từ 1-2 năm nên trong thời gian này, chủ đầu tư sẽ thiết kế chi tiết đường hầm.

Nhiều cựu lãnh đạo của tỉnh Phú Yên bày tỏ lo lắng về năng lực tài chính của nhà đầu tư. “Nhà đầu tư huy động nguồn lực ở đâu để triển khai dự án? Trước đây, tỉnh Phú Yên cũng có rất nhiều dự án, nhà đầu tư hăm hở nhưng rồi không triển khai vì không đủ năng lực tài chính. Sau đó bán lại dự án kiếm ít tiền rồi bỏ chạy” - ông Nguyễn Tường Thuật, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, nói.

Sự lo lắng này có cơ sở khi 2 cổ đông lớn của chủ đầu tư là Công ty CP Tập đoàn Mai Linh và Công ty CP Á Châu đã rút khỏi dự án. Tuy nhiên, trả lời về nhận định của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng nhà đầu tư yếu, ông Chương chống chế: “Năng lực tài chính của chúng tôi không yếu như bộ trưởng nói. Hai cổ đông rút là do họ góp vốn không đủ nên chúng tôi mời họ ra và đã có Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ VietinBank thay thế”.

Đề cập chỉ đạo của bộ trưởng Bộ GTVT là phải hoàn thành dự án vào năm 2016 để đưa vào hoạt động đồng bộ với việc nâng cấp Quốc lộ 1A, ông Chương cho rằng: “Việc hoàn thành dự án vào năm 2016 là mong muốn của Bộ GTVT. Phải đến cuối năm 2017, dự án mới hoàn thành”.

Hai hạng mục chính vẫn chưa thi công

Dự án hầm đường bộ qua đèo Cả có tổng vốn đầu tư 15.603 tỉ đồng. Dự án gồm 2 hợp phần BT (xây dựng - chuyển giao) và BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Trong đó, kinh phí triển khai dự án thuộc hợp phần BT là hơn 4.500 tỉ đồng, BOT là khoảng 10.600 tỉ đồng. Dự án nối 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa với tổng chiều dài hơn 13 km. Trong đó có 2 hạng mục chính là hầm đèo Cả dài 9,5 km và hầm đèo Cổ Mã dài 500 m. Hiện cả 2 hạng mục này vẫn chưa được thi công.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo