Công an, bộ đội gặt lúa giúp dân trước cơn bão
Trước cơn bão số 7, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, yêu cầu trước 17 giờ ngày 18-10 phải đưa toàn bộ tàu thuyền, phương tiện, con người, lồng bè về nơi an toàn; đồng thời cũng tiến hành cấm biển, dừng mọi hoạt động đường thủy, phà biển, vui chơi giải trí ven biển trước 17 giờ cùng ngày.
Cùng với đó, trước 15 giờ ngày 18-10 phải di dân ra khỏi những vùng nguy hiểm, khu nhà xung yếu. Dự kiến, TP Hải Phòng sẽ cho học sinh nghỉ học vào ngày 19-10 khi bão số 7 dự báo sẽ đổ bộ.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hải Phòng, tính đến 16 giờ ngày 17-10, lực lượng biên phòng Hải Phòng đã kiểm đếm và thông báo cho hơn 3.000 phương tiện, gần 500 lồng bè, gần 250 chòi canh đang hoạt động trên biển và neo đậu tại các bến biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.
Theo quan sát của Đồn biên phòng Bạch Long Vỹ và Trạm radar Hải quân, hiện không còn phương tiện nào đang hoạt động trên biển.
Để chuẩn bị ứng phó khi bão đổ bộ, UBND TP Hải Phòng sẽ huy động hơn 40.000 người tham gia lực lượng xung kích hộ đê, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; đồng thời huy động hơn 1.000 xe ô tô các loại, hơn 500 tàu, xuồng, lương thực, thuốc men, lều bạt thường trực, ứng cứu.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng, cho biết hiện nay toàn thành phố mới chỉ thu hoạch được khoảng 20% diện tích lúa. Do đó, thành phố đã có công văn đề nghị các địa phương, các doanh nghiệp, đơn vị có sử dụng lao động tại khu vực nông thôn tạo điều kiện cho công nhân nghỉ việc để phụ giúp gia đình thu hoạch lúa, hoa màu, đồng thời cũng tổ chức huy động lực lượng giúp nông dân thu hoạch nông sản trước khi bão số 7 đổ bộ.
Còn tại tỉnh Thái Bình, bắt đầu từ chiều 17-10, học sinh khối THPT trên địa bàn toàn tỉnh được nghỉ học để tập trung phụ giúp gia đình thu hoạch lúa mùa, phấn đấu hoàn thành việc thu hoạch lúa trước ngày 19-10. Các bậc học mầm non, tiểu học và THCS, các đơn vị giáo dục tiếp tục theo dõi, cập nhật diễn biến, tình hình bão số 7 để chủ động cho học sinh nghỉ học khi có tình huống khẩn cấp.
Đến nay, toàn tỉnh Thái Bình đã thu hoạch được gần 60.000 ha lúa mùa/80.370 ha; diện tích cây hoa màu hè thu đã trồng là 7.882 ha, trong đó đã thu hoạch được 7.782 ha; diện tích cây trồng vụ đông đến nay là 22.600 ha. Trong đó, Công an tỉnh Thái Bình đã huy động 200 cán bộ đoàn viên thanh niên Công an tỉnh về giúp dân gặt lúa trước cơn bão số 7 ở các huyện Tiền Hải, Thái Thụy.
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Thái Bình, đến 16 giờ ngày 17-10, toàn tỉnh còn 234 phương tiện/607 lao động đánh bắt gần bờ đang vào nơi neo đậu; 527 lao động trong tổng số 1.646 lao động trên các chòi nuôi ngao đã vào bờ, còn 1.119 lao động đang chờ nước lên để vào.
Thực hiện lệnh cấm biển của UBND tỉnh, từ chiều ngày 16-10, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo 3 đồn biên phòng duy trì các tổ kiểm soát chốt trên bộ, trên biển để thông báo về diễn biến của bão, kêu gọi tàu thuyền vào bờ, nghiêm cấm các phương tiện ra khơi. Để chủ động phòng, chống bão, các đồn biên phòng trực 100% quân số; tiếp tục kêu gọi phương tiện và lao động chưa vào bờ, lao động trên các chòi nuôi ngao vào nơi tránh trú, tuyệt đối không để người và phương tiện hoạt động ngoài biển khi bão vào.
Từ chiều ngày 17-10, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Bình cũng đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ tổ chức phối hợp cùng với lực lượng dân quân địa phương tham gia giúp nông dân tại các địa phương trên địa bàn tỉnh thu hoạch lúa mùa.
Gần 500 đoàn viên thanh niên cũng đã tình nguyện giúp các gia đình chính sách, gia đình hộ nghèo, neo đơn thu hoạch, vận chuyển, đóng gói lúa. Trước diễn biến phức tạp của bão số 7, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tiếp tục chỉ đạo các cơ sở đoàn thành lập các đội thanh niên xung kích tình nguyện phối hợp với ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại các địa phương giúp nhân dân dọn dẹp và tu bổ lại nhà cửa, các công trình phụ, sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra.
Tương tự, để chủ động ứng phó bão số 7 (Sarika) dự báo là rất mạnh, di chuyển nhanh và có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đồng bằng Bắc bộ, Quảng Ninh đang chỉ đạo các địa phương khẩn trương huy động mọi nhân lực, phương tiện thu hoạch lúa mùa với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.
Các địa phương huy động các lực lượng gặt lúa giúp dân
Về tình hình hoạt động của tàu thuyền trên biển, đến thời điểm này, gần 8.000 tàu thuyền đều liên lạc được địa phương, gia đình và đang di chuyển về khu vực an toàn trú bão an toàn. Tỉnh đang tích cực triển khai các biện pháp đưa tất cả lao động tại các đầm nuôi trồng thủy sản và người dân tại các vùng xung yếu đến nơi an toàn.
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Tổng Công ty Đông Bắc đã yêu cầu các đơn vị tổ chức kiểm tra, củng cố ngay các khu vực bãi thải, hệ thống thoát nước, tuyến đê bao dọc các tầng thải, đập chắn đất đá chân bãi thải, hồ trước đập, mương thoát nước sau đập, phân tách dòng chảy đúng tuyến. Chuẩn bị phương án di chuyển người và phương tiện, thiết bị tại các khu vực nguy hiểm theo kế hoạch phương án tác chiến đã lập.
Các nhà máy nhiệt điện thuộc Vinacomin kiểm tra, xác định lượng than dự phòng để đảm bảo đủ cung cấp lò đốt trong thời gian mưa bão để đề phòng trường hợp sự cố không cấp được than từ ngoài nhà máy. Đối với các đơn vị không nằm trong vùng bão dự kiến đổ bộ cần chủ động phòng, chống mưa bão lớn, lũ quét do ảnh hưởng của hoàn lưu bão.
Bình luận (0)