Tiến sĩ Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp, vừa ký văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Tư pháp để thông báo về việc kiểm tra Thông tư số 28/2014 của Bộ Công an quy định về công tác điều tra hình sự trong công an nhân dân. Trong đó, điều 28 của thông tư này đang gây ra ý kiến khác nhau khi cho phép công an cấp xã, đồn, trạm thực hiện “vẽ sơ đồ, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu có liên quan” trong giải quyết một số trường hợp cụ thể.
Tại một cuộc họp gần đây, đại diện VKSND Tối cao cho rằng quy định trên chưa phù hợp với quy định của pháp luật vì Bộ Luật Tố tụng hình sự 2003, Pháp lệnh Điều tra hình sự 2004 không quy định cho công an xã là cơ quan tham gia các hoạt động tố tụng hình sự. Ngoài ra, việc giao công an xã có trách nhiệm “lấy lời khai” cũng không phù hợp với quy định tại điều 9 Pháp lệnh Công an xã 2008 vì pháp lệnh quy định công an xã có nhiệm vụ “lấy lời khai đối với người bị hại, người biết vụ việc” (khoản 6 điều 9). Việc Thông tư 28 quy định “lấy lời khai” nói chung, không gắn với đối tượng nêu trên có thể dẫn tới việc mở rộng đối tượng lấy lời khai.
Trong khi đó, theo đại diện Bộ Công an, điều 28 Thông tư 28 quy định cho công an cấp xã, đồn, trạm trong một số trường hợp cụ thể: tiếp nhận người phạm tội quả tang; tiếp nhận người đang bị truy nã do nhân dân giải đến; tiếp nhận đối tượng phạm tội do nhân dân giải đến không thuộc trường hợp bắt người phạm tội quả tang; tiếp nhận tố giác, tin báo về hành vi phạm tội đang diễn ra, có trách nhiệm vẽ sơ đồ hoặc bảo vệ hiện trường, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu có liên quan, tiến hành truy xét khi người phạm tội bỏ trốn, sau đó báo ngay cho cơ quan điều tra công an cấp huyện. Quy định “lấy lời khai”, theo đại diện Bộ Công an, cũng không mở rộng hơn so với quy định “lấy lời khai đối với người bị hại, người biết vụ việc” của Pháp lệnh công an xã vì khi chưa bị khởi tố, truy tố (chưa là bị can, bị cáo) thì nghi phạm cũng không nằm ngoài “người biết việc”.
Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, chiều 15-10, TS Trần Thế Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (V19) - Bộ Công an, cho rằng việc vẽ sơ đồ và khám nghiệm hiện trường là 2 việc khác nhau; trong đó khám nghiệm hiện trường phải do điều tra viên thực hiện. “Ở vùng sâu, vùng xa, khi xảy ra sự việc thì công an xã phải có mặt ngay, nếu không vẽ sơ đồ hiện trường, bảo vệ hiện trường hoặc tiến hành truy xét ngay người phạm tội bỏ trốn thì dấu vết có thể sẽ bị xóa mất do những điều kiện khách quan. Với trường hợp sắp chết thì phải cho phép họ tiến hành ghi chép lời khai ngay, rồi chuyển cơ quan cấp trên tiến hành hoạt động điều tra chứ! Những hoạt động này giúp cơ quan có thẩm quyền thuận lợi hơn trong hoạt động điều tra” - ông Quân phân tích.
Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho rằng chưa có cơ sở để kết luận quy định này là trái với Pháp lệnh Điều tra hình sự và Bộ Luật Tố tụng hình sự. Tuy nhiên, đối chiếu với Pháp lệnh Công an xã, Thông tư số 28 quy định công an cấp xã vẽ sơ đồ, tiến hành truy xét khi người phạm tội bỏ trốn là nằm ngoài phạm vi nhiệm vụ được giao. Cho rằng điều 28 Thông tư số 28 là vấn đề còn có ý kiến khác nhau, tại thời điểm hiện tại, chưa đủ căn cứ để kết luận về tính hợp pháp nên Cục Kiểm tra văn bản kiến nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp giao Vụ Pháp luật hình sự - hành chính chủ trì, tiếp tục nghiên cứu, theo dõi, nếu thấy cần thiết thì báo cáo lãnh đạo bộ kiến nghị Bộ Công an sửa đổi cho phù hợp.
Bình luận (0)