Bảo vệ, chăm lo người lao động tốt hơn
Tại cuộc họp báo, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết Luật CĐ (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-1-2013 đã thiết lập một số điều khoản mới, chủ yếu liên quan đến việc quy định rõ thêm trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan Nhà nước, đơn vị, doanh nghiệp, những bảo đảm cho CĐ hoạt động và cơ chế giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm pháp luật về CĐ.
Ông Mai Đức Chính nhấn mạnh tầm quan trọng của Luật CĐ (sửa đổi) là xác định rõ địa vị pháp lý của CĐ, tạo cơ sở cho việc quy định cụ thể các quyền và trách nhiệm theo lĩnh vực hoạt động của CĐ, tạo hành lang pháp lý cho CĐ thực hiện tốt các chức năng luật định.
Cũng tại cuộc họp báo, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho biết Bộ Luật Lao động (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5-2013) đưa ra một số nội dung tạo sự đồng tình cao trong nhân dân: Người lao động sẽ được nghỉ làm việc 5 ngày, được hưởng nguyên lương trong dịp Tết Nguyên đán (quy định hiện hành là 4 ngày). Thời giờ làm thêm tối đa của người lao động được giữ như hiện hành là không quá 200 giờ/năm.
Đặc biệt, theo bộ luật này, lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Trường hợp sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng. Lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất 4 tháng. Về tuổi nghỉ hưu quy định, nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. Tuy nhiên, người lao động có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn hoặc cao hơn không quá 5 năm, theo quy định của Chính phủ.
Khẳng định chủ quyền của Tổ quốc
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết Luật Biển Việt Nam gồm 7 chương, 55 điều và có hiệu lực từ ngày 1-1-2013. Điều 1 về Phạm vi điều chỉnh của luật quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và các quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; hoạt động trong các vùng biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển; quản lý và bảo vệ biển, đảo. Chương II của Luật Biển Việt Nam quy định về vùng biển Việt Nam gồm 14 điều quy định về chế độ pháp lý của các vùng biển của Việt Nam, bao gồm nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, đảo, quần đảo và chế độ pháp lý của đảo.
Theo Luật Biển Việt Nam, mọi cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Nhà nước phát huy sức mạnh toàn dân tộc và thực hiện các biện pháp cần thiết bảo vệ chủ quyền biển, đảo; khuyến khích việc sử dụng, khai thác, phát triển kinh tế biển; khuyến khích và bảo vệ hoạt động thủy sản của ngư dân trên các vùng biển.
Năm 2012, giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp Nghị quyết về ban hành một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân (có hiệu lực thi hành từ ngày 21-6-2012) quy định giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2012 đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, đối tượng được giảm không bao gồm doanh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh trong lĩnh vực xổ số, bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; sản xuất hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; doanh nghiệp được xếp hạng 1, hạng đặc biệt thuộc tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử; xây dựng công trình hạ tầng kinh tế - xã hội cũng được giảm 30% số thuế thu nhập phải nộp năm 2012. |
Không giáo dục tại địa phương đối với người bán dâm Tại cuộc họp báo, ông Phạm Quý Tỵ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, cho biết đối với Luật Xử lý vi phạm hành chính, mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính quy định từ 50.000 đồng đến 1 tỉ đồng đối với cá nhân, từ 100.000 đồng đến 2 tỉ đồng đối với tổ chức. Đối với khu vực nội thành của TP trực thuộc Trung ương, mức phạt tiền có thể cao hơn, nhưng tối đa không quá 2 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong các lĩnh vực giao thông đường bộ; môi trường; an ninh trật tự, an toàn xã hội. Luật này không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm. Người có hành vi bán dâm bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật. |
Bình luận (0)