Sáng 19-4, UBND tỉnh Ninh Thuận chính thức công bố dịch cúm A/H5N1 trên đàn chim yến nuôi tại cơ sở Thanh Bình (số 592 Thống Nhất, TP Phan Rang - Tháp Chàm) của Công ty CP Yến Việt. Đây là nhà nuôi chim yến lớn nhất khu vực Nam Trung Bộ với tổng đàn khoảng 100.000 con.
Cơ quan thú y tỉnh Ninh Thuận tiêu hủy chim yến sau khi công bố dịch cúm A/H5N1
Sàng lọc chất lượng
Theo báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh Ninh Thuận, bệnh cúm A/H5N1 xuất hiện tại nhà chim này từ ngày 28-3 với khoảng 1.700 con bị chết. Liên tục 5 ngày sau đó, chim yến tiếp tục chết với tổng số hơn 4.000 con và có chiều hướng giảm mạnh trong khoảng một tuần trở lại đây.
Kết quả xét nghiệm các mẫu chim yến sống, tổ, phân chim từ ngày 9 đến 15-4 đều cho kết quả âm tính với cúm A/H5N1, trong khi tất cả mẫu bệnh phẩm chim chết dương tính với virus này.
Ngay sau khi công bố dịch, ông Trần Xuân Hòa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh động vật tỉnh Ninh Thuận, đã chỉ đạo cơ quan thú y tổ chức phun hóa chất để tiêu hủy đàn chim yến còn lại và tiêu độc khử trùng cơ sở nuôi chim Thanh Bình.
Ông Hòa giao Sở NN-PTNT phối hợp UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm khoanh vùng dịch để phun thuốc khống chế, không để mầm bệnh lây lan; đặc biệt nghiêm cấm người không có nhiệm vụ vào khu vực nhà chim Thanh Bình.
Theo ông Hòa, trước khi công bố dịch, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có văn bản đề nghị Bộ NN-PTNT cho phép thực hiện tiêu hủy đàn yến bằng cách sàng lọc chất lượng: Sau khi chim bố mẹ mạnh khỏe rời tổ bay đi kiếm ăn, cơ quan chức năng sẽ tiến hành tiêu hủy chim non, chim yếu còn lại trong nhà. Việc tiêu hủy theo phương cách này sẽ tiếp tục thực hiện 2-3 lần trong những ngày tiếp theo. Sau đó, cơ quan thú y sẽ lấy mẫu chim sống để kiểm tra mức độ lây nhiễm của virus H5N1 trên đàn chim còn lại, nếu phát hiện các mẫu dương tính sẽ tiêu hủy toàn bộ đàn chim.
Bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng
Theo ghi nhận của phóng viên, sau khi UBND tỉnh Ninh Thuận công bố dịch cúm A/H5N1 trên đàn chim yến ở cơ sở Thanh Bình, tất cả những người nuôi chim yến tại TP Phan Rang - Tháp Chàm đã khẩn trương làm vệ sinh và tạo thông thoáng hơn cho nhà chim.
Phòng chống dịch cúm A/H7N9 Ngày 19-4, ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, cho biết trước diễn biến phức tạp của dịch cúm A/H7N9 trên thế giới, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam vừa tổ chức tập huấn công tác giám sát, điều trị và kỹ thuật lấy mẫu, vận chuyển, phòng chống bệnh cúm A/H7N9 cho hơn 100 cán bộ y tế của 18 huyện, TP... Ngoài lớp tập huấn này, tất cả 18 huyện/TP trên địa bàn tỉnh Quảng Nam sẽ tổ chức thêm 18 lớp tập huấn khác cho các cán bộ y tế xã, thôn để phòng chống dịch bệnh cúm A/H7N9. Theo ông Hai, Bộ Y tế đã có quyết định cấp cho tỉnh Quảng Nam 1.000 viên thuốc Tamiflu để dự trữ khi có dịch xảy ra trên địa bàn.
Th.Phương |
Bình luận (0)