°°Phóng viên: Kỳ họp thứ 5 có nội dung quan trọng là Quốc hội (QH) thảo luận về dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi. Dự thảo có đưa ra phương án thay đổi tên nước không?
- Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Hiến pháp 1946 đã xác định tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và tồn tại 30 năm cho đến năm 1976. Sau đó, tên nước được đổi thành Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, tồn tại suốt 37 năm qua. Trong quá trình lấy ý kiến nhân dân góp ý dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi, đã có ý kiến đề xuất đổi tên nước nhưng đại đa số người dân vẫn đồng tình tên nước hiện nay. Tên này cũng đúng với định hướng, đường lối mà chúng ta đã lựa chọn là đi lên chủ nghĩa xã hội. Hơn nữa, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ bằng quốc hiệu này. Tuy nhiên, tại kỳ họp lần này, Ban Soạn thảo sẽ chỉ trình QH 1 phương án duy nhất về tên nước là “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội,
trả lời câu hỏi của các phóng viên tại buổi họp báo. Ảnh: TTXVN
°°Không ít người dân và cử tri băn khoăn về tính chính xác, khách quan của việc lấy phiếu tín nhiệm 49 chức danh chủ chốt tại kỳ họp này?
- Đây là lần đầu tiên tại một kỳ họp, QH thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm. Đến nay, cách làm và quy trình đã hướng dẫn rất cụ thể. Cử tri và chúng tôi đều mong việc lấy phiếu sẽ khách quan, công tâm. Theo quy định, các đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm đã có báo cáo giải trình về kết quả công tác, đạo đức, tác phong theo đúng yêu cầu; gửi cho các đại biểu (ĐB) QH xem xét trước kỳ họp 20 ngày. Bên cạnh đó, các ĐBQH còn căn cứ vào kết quả giám sát từ các ủy ban của QH, Hội đồng Dân tộc và ở các bộ, ngành, lĩnh vực mà người được lấy phiếu phụ trách trong năm vừa qua. Ngoài ra, các ĐBQH có thể xem xét kết quả thực hiện công tác, ý kiến nhân dân... giúp cho các ĐBQH có cơ sở đánh giá khách quan.
°°Theo quy định, chức danh nào có kết quả lấy phiếu không đủ quá bán thì sẽ xử lý ra sao?
- Nếu 2 năm liên tục tín nhiệm thấp sẽ phải chuyển sang bỏ phiếu tín nhiệm. Trường hợp quá 2/3 tổng số ĐBQH bỏ phiếu tín nhiệm thấp thì phải từ chức hoặc chuyển sang bỏ phiếu tín nhiệm. Nếu có kiến nghị bằng văn bản của 20% tổng số ĐBQH cũng chuyển sang bỏ phiếu. Quy định đã rất rõ nên nếu chức danh nào rơi vào kết quả như vậy thì cứ theo quy định mà làm.
Khi làm công tác nhân sự, lấy phiếu tín nhiệm, ĐBQH thảo luận chủ yếu ở đoàn vì có nhiều thời gian để trao đổi kỹ hơn. Khi bỏ phiếu chỉ là động tác thủ tục. Quan trọng nhất là kết quả và xác nhận kết quả bằng nghị quyết. Kết quả này sẽ được công bố công khai trước cử tri cả nước.
°°Lần này QH sẽ miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ (chuyển qua làm Trưởng Ban Kinh tế Trung ương). Có tin cho rằng ông Đinh Tiến Dũng, Tổng Kiểm toán Nhà nước, sẽ được đề cử giữ chức bộ trưởng Bộ Tài chính?
- Về nội dung nhân sự tại kỳ họp, QH miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ do chuyển sang làm nhiệm vụ khác. QH sẽ phải phê chuẩn bộ trưởng mới thay thế và do Thủ tướng Chính phủ giới thiệu. Nói chuyện này hiện nay hơi sớm. Ngày 23-5, Chính phủ mới giới thiệu nhân sự và QH sẽ bàn bạc, quyết định danh sách đưa ra. Bây giờ chưa biết là ai cả.
°°Theo đề nghị của Văn phòng QH, ý kiến cử tri quan tâm nhiều đến vấn đề bauxite, thủy điện vì thế Chính phủ phải có báo cáo gửi các ĐBQH nắm rõ. Vậy các vấn đề này có được đưa vào chương trình không?
- Trong quá trình tổng hợp ý kiến cử tri, có ý kiến nêu vấn đề bauxite, thủy điện, quản lý kinh doanh vàng. Ủy ban Thường vụ QH đã đề nghị Chính phủ gửi báo cáo cho các ĐBQH để nghiên cứu, xem xét.
Thực hiện tốt lời hứa với dân Trước kỳ họp thứ 5, QH khóa XIII, Đoàn ĐBQH TPHCM đã có 33 cuộc tiếp xúc cử tri với 6.147 cử tri tham dự, 349 lượt ý kiến phát biểu. Qua đó, cử tri TPHCM kiến nghị QH cần thực hiện tốt hơn nữa vai trò của mình thông qua hoạt động giám sát; thực hiện tốt lời hứa với dân. Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ các chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn cần thực hiện khách quan, tiến hành công khai, minh bạch. Cử tri cũng mong muốn công khai hình thức xử lý trách nhiệm cụ thể đối với người đứng đầu, cá nhân, tập thể để xảy ra sai phạm trong vụ Vinashin, Vinalines đồng thời quan tâm đến dự án khai thác bauxite tại Tây Nguyên; thủy điện 6 và 6A tại Đồng Nai; tình trạng tội phạm gia tăng... Cử tri đề nghị QH, Chính phủ tiếp tục đề ra các giải pháp phát triển kinh tế phù hợp, thực hiện đồng bộ các giải pháp góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Ph.Anh |
Xem xét, thông qua 10 dự án luật Theo Văn phòng QH, kỳ họp thứ 5 QH khóa XIII sẽ khai mạc vào ngày 20-5 và làm việc khoảng 1 tháng (dự kiến bế mạc vào ngày 22-6). Tại kỳ họp này, QH sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, 1 nghị quyết. Trong đó, các dự án luật đáng chú ý gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Cư trú; Luật Phòng chống khủng bố; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng... QH cũng sẽ cho ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và 7 dự án luật khác; cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng như tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2013; giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri gửi tới kỳ họp thứ 4. Theo lịch trình, QH dành 2 ngày rưỡi để chất vấn và trả lời chất vấn. Kỳ họp sẽ có 9 ngày được phát thanh - truyền hình trực tiếp, trong đó có nhiều phiên thảo luận về các báo cáo của Chính phủ hoặc một số dự án luật quan trọng, thu hút sự quan tâm của dư luận. |
Bình luận (0)