Gắn liền với giới buôn lậu
Anh N.V.Vinh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) kể do biết một chút về Đông y nên trước đây thỉnh thoảng anh nấu vài mẻ cao ngựa bạch, cao ban long (nhung hươu và yếm rùa) cho người thân bồi bổ sức khỏe và chữa bệnh. Vì biết anh nấu cao nên cánh thợ săn, giới buôn lậu ở miền Trung thỉnh thoảng đến gạ bán vài chiếc sừng tê giác nói là mua được của đám săn trộm bên Myanmar.
Anh Vinh “bật mí”, ngoại trừ cánh buôn lậu từ châu Phi về, phần lớn sừng tê giác châu Á (tê giác Jawa ở Indonesia, tê giác Ấn Độ ở Lào, Myanmar) và xương hổ là xuất phát từ giới buôn gỗ từ Lào, Indonesia và buôn lậu ma túy từ Lào về VN. Ngày 9-6-2003, tại cửa khẩu Lao Bảo, Công an tỉnh Quảng Trị kiểm tra hành chính ô tô 37H-4708 của Nguyễn Đình Hoành nhập khẩu từ Lào vào VN, phát hiện 9 chiếc sừng động vật được giấu trên xe không có giấy tờ xác nhận nguồn gốc, không khai báo hải quan. Hoành cũng chỉ là một mắt xích trong đường dây buôn bán ma túy quốc tế của các ông trùm Hải “luận”, Dũng “lừng”, Hạnh “cầm”, Trần Văn Lệ (Lệ “mập”).
Sừng tê giác dỏm: 300 triệu đồng
Anh Quân, chủ một doanh nghiệp may mặc, kể cách đây mấy tháng, cô em họ anh đi khám bệnh phát hiện khối u nhỏ ở dạ dày. Nghe người quen giới thiệu, anh đôn đáo đi tìm sừng tê giác về cho em dùng. Một người mách có một nhóm dân buôn ở Quảng Trị mang ra hai chiếc sừng tê giác trắng săn được bên Lào. Lần đầu tiên anh được tận mắt nhìn thấy sừng tê giác nguyên chiếc, còn nguyên cả lông, xơ, nặng 1,2 kg.
Mừng như mở cờ trong bụng nhưng nhớ lời dặn của mấy người bạn có kinh nghiệm, anh kín đáo rứt một sợi lông mang vào bếp đốt thử. Sợi lông cháy có mùi khét thật, nhưng là mùi của bông sợi chứ không phải mùi lông thú. Không ngần ngại, anh cầm con dao đòi cắt một miếng để thử. Thấy chủ nhà có vẻ tự tin và hiểu biết, đám dân buôn đổi ý nói không bán nữa rồi chuồn thẳng. Anh Quân thở phào như tìm lại được vật quý bị thất lạc. Nếu không tìm hiểu trước, nhà anh đã mất hơn 300 triệu đồng mà có khi cô em còn rước thêm bệnh vào người.
Một người nữa kể rằng anh đã tận mắt chứng kiến việc “chế tác” sừng tê giác giả ở Hà Tây. Lò làm sừng tê giác này chuyên thu mua sừng trâu, nung lửa uốn cho cong giống sừng tê giác rồi cấy sợi lông nhân tạo vào hoặc lấy sừng trâu, tiện thành từng lớp rất mỏng, sau đó dùng khuôn nhiệt ép mỏng lại thành một chiếc sừng tê giác nhái. Đặc biệt hơn, những kẻ làm giả có thể làm được những tia máu và những màu sắc đặc trưng của sừng tê giác. Một số khác chỉ chọn phần chóp đặc của chiếc sừng sau đó mài giũa một cách tỉ mẩn để tạo dáng thành phần chóp đắt giá nhất.
Nhiều cách phát hiện sừng tê giác giả Anh N.V.Vinh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) bảo cách đơn giản nhất và chính xác nhất là gửi sang Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật xét nghiệm. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm dân gian, cũng có thể phân biệt được sừng tê giác dỏm qua một số dấu hiệu ban đầu. Ngoài cách đốt lông để ngửi, có thể dùng dao bổ dọc miếng sừng, nếu không kéo được sợi nào thì đích thị là sừng dỏm. Cẩn thận hơn, chỉ cần đổ ít nước ấm vào đáy đĩa, đem sừng ra mài, nước đục như nước vo gạo, nếu nhìn nghiêng mà không thấy ánh sáng tím lóe lên, chắc chắn đó không phải là sừng tê giác. |
Bình luận (0)