icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Công nghệ” săn, o gà độ

Bài và ảnh: Đức Khánh

Chưa bao giờ phong trào nuôi, chơi gà đá độ ở các tỉnh, thành ĐBSCL lại nhộn nhịp, mức độ ăn thua lớn như hiện nay. Không chỉ chơi trong nước, để thỏa máu ăn thua, những tay có máu mặt đem gà qua tận bên kia biên giới Campuchia để chinh chiến.

Để có một con gà có thể đem đi đá độ, nhất là ở các trường gà bên kia biên giới Campuchia, là cả một quá trình lùng sục săn tìm, nuôi dưỡng hết sức công phu.

Sẵn sàng chi cả chục triệu đồng

Những ngày này, đội quân chuyên săn gà chiến cho các đại gia vẫn đang ráo riết lùng sục khắp nơi để tìm mua những con gà độ về nuôi dưỡng. Do mức độ ăn thua ở các trường gà, nhất là bên biên giới Campuchia, rất lớn nên để tìm ra được một con gà độ ưng ý, đá hay là điều cực kỳ khó. Các đại gia sẵn sàng bỏ cả chục triệu đồng để mua một con gà chiến “lọt mắt xanh”, về o bế nâng niu như trứng mỏng. Họ có thể mất ăn mất ngủ khi gà bị bệnh, đá thua hoặc chết. Họ sẵn sàng thuê những “chuyên viên” nuôi và săn sóc những con gà chiến cho mình.

Chúng tôi tháp tùng băng của Tư Lê, một trong những băng chuyên săn gà độ cho các đại gia khét tiếng ở Cần Thơ, đến Bến Tre. Băng này thường bắt mẻ (giống) gà ở các tỉnh Bến Tre, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang... Tư Lê giải thích: “Sở dĩ phải bắt gà theo mẻ là để tránh những giống gà dở, những giống gà không may độ (đá ít khi thắng). Đi suốt cả ngày, quần đảo khắp huyện Chợ Lách - Bến Tre, băng của Tư Lê mới săn được 3 con gà độ ưng ý.

Tư Đ., một đại gia thường xuyên đem gà qua biên giới đá độ, cho biết: “Dân đá gà ăn thua tiền lớn chọn gà hết sức kỹ lưỡng. Ngoài chuyện ăn độ hay, dở của từng con, dân đá gà thường rất chú trọng đến vẩy vi trên từng cặp cán (chân gà), tướng mạo, lông lá...”.

Do gần đây dân chơi đá gà ăn thua lớn tập trung hầu hết ở các trường gà bên biên giới Campuchia, nên những người chuyên nuôi, bán gà đá bắt đầu chuyển hướng, ngắm nghía thị trường gà béo bở nơi đây. Theo cách tính toán của dân o (chăm sóc) gà độ, mỗi con gà bán qua được biên giới lời từ một đến vài triệu đồng là chuyện thường. Anh Tâm, một người chuyên nuôi gà đá bán qua biên giới, nói: “Dù bán gà qua biên giới tuy lời nhiều thiệt, nhưng muốn bán được một con gà là chuyện không phải dễ”. Còn theo anh Lộc, cũng là dân trong nghề o gà, thì: “Các đại gia đá gà bên biên giới không hề tiếc tiền mua gà. Vì vậy tụi tôi phải tự tạo uy tín, tìm giống gà hay bán cho họ đá ăn một vài lần, dần dần lấy được cảm tình. Nếu được, cứ thế kiếm tiền khỏe re”.

Giới chơi gà độ ăn tiền cho biết, trường gà ở biên giới Campuchia tập trung hầu hết những con gà đá hay, có tiếng tăm. Mỗi con ít nhất đều có thành tích thắng knock out từ 3 đến 4 độ, với số tiền thắng cược hàng chục triệu, có khi hàng trăm triệu đồng. Có con ăn độ quá xuất sắc, dân chơi gà nghe tiếng đều chạy mặt.

Đột kích một “doanh trại” gà

Chúng tôi theo chân Chớt (biệt danh mà mọi người thường gọi Dũng, một tay chuyên sống chủ yếu bằng nghề nuôi gà thuê) đột kích một “doanh trại” gà độ của một đại gia ở Cần Thơ. Chớt cho biết: “Ông chủ trại gà này là L., chủ một doanh nghiệp tư nhân chuyên in lụa. Ông này mê đá gà, lại cưng gà dữ lắm. Ngày nào không ôm gà, nghe tiếng chúng gáy, coi như ông ta phát bệnh”. Đến khu vực cầu Tầm Vu, Chớt kề tai nói nhỏ với chúng tôi: “Ai có hỏi, ông cứ nói là người quen với tôi ở dưới quê lên chơi nghen. Những đại gia chuyên chơi gà đá độ ăn thua lớn không bao giờ cho những người lạ vô nơi dưỡng quân của mình, vì sợ bể (lộ) gà”. Chớt giải thích thêm, dân chơi gà bây giờ rất tinh ranh, trước khi đem đi cáp độ nơi nào thì họ cử người đến dò la tình hình về những con gà chiến nơi đó nên các đại gia rất cảnh giác.

Vào “doanh trại” gà của đại gia L., quan sát xung quanh, chúng tôi thấy tổng cộng có khoảng hai chục con. Mỗi con mỗi vẻ, mỗi hình dáng, đủ màu sắc, nhiều nhất là gà điều, gà xám, gà ô. “Doanh trại” nuôi gà này ở một vị trí khá lý tưởng, nằm trong khu vườn rộng chừng 100 m2, chia ra nhiều lô, mỗi lô săn sóc một con gà chiến.

Chớt cho biết, không riêng gì ở “doanh trại” này, ở những nơi chuyên nuôi gà đá độ cũng vậy. Để có một con gà có thể đá được, nhất là muốn đem đi nghênh chiến ở bên biên giới Campuchia, phải trải qua một quá trình nuôi dưỡng rất công phu. Gà trước khi nhập trại trước tiên phải được xổ xẹc, xem chân, xem tướng, coi vẩy mạng..., sau đó mới đem đi hớt lông, tỉa cho gọn gàng rồi vô nghệ. Chớt bảo: “Ít nhất mỗi con phải trải qua 3 lần xổ xẹc, vô nghệ thì mới dám đem đi đá độ được. Nghệ bây giờ phải là nghệ củ đỏ ở những tiệm thuốc bắc. Vô nghệ này thịt gà mới săn chắc, đá đòn mạnh. Còn thức ăn cho gà đá trước đây là lúa hạt dài, bây giờ phải là lúa hạt tròn, rút nước, loại bỏ hạt lép, phơi cho ráo. Thịt bò, tép, giá sống, lươn con, hột vịt lộn, cà chua, chuối xiêm... phải cho gà ăn thường xuyên chúng mới đá mạnh đòn được. Gà trước khi đá phải cho ăn dặm và thả quần trước 2-3 ngày. Chuồng quần rộng khoảng 10 m2 để cho gà đi lại, đập cánh thoải mái, được giăng lưới bên ngoài. Mỗi ngày cho gà tắm từ 2 đến 3 lần, những lúc trời lạnh thì phải nấu nước ấm lau mình cho chúng. Tối trước khi gà ngủ phải phun rượu hai bên nách, lườn, chân, mồng, mỏ cho chúng cứng cáp. Rượu phải rượu gốc 45 độ”. Ngoài ra, dân chơi gà chuyên nghiệp ai cũng phải tập cách nhìn... phân gà! “Chuyện này rất quan trọng. Con nào mà “đi” phân trắng, có màng nhầy thì coi như không “sung”, đem đá chắc chắn thua” - Chớt tiết lộ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo