Công ty và CĐ vừa mở cuộc vận động công nhân (CN) đóng góp hỗ trợ đồng bào. Ngay trong đợt đầu tiên vào chiều 2-10, anh em đã đóng góp được 16 triệu đồng”- Chủ tịch CĐ Công ty Kềm Nghĩa Lê Thị Kiều Hương cho biết như vậy khi mang số tiền CN đóng góp đến Báo Người Lao Động nhờ chuyển ra cho bà con sáng 3-10. Không chỉ Kềm Nghĩa mà rất nhiều đơn vị ngay khi nghe tin bão, đã khẩn trương tổ chức cứu trợ đồng bào ruột thịt.
>>> 27 công nhân ra giúp miền Trung
>>> Trên 300 triệu đồng đầu tiên dành cho đồng bào bị nạn
>>> Công ty KyVy cứu trợ 100 triệu đồng và hiện vật
>>> Qua Báo NLĐ, Thiên Hòa tặng gần 200 triệu đồng
Những tấm lòng đối với đồng nghiệp
Đến Công ty May An Phước, quận 5-TPHCM, sáng 3-10, chúng tôi gặp chị Nguyễn Hà Giang, quê ở huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Đến nay chị vẫn chưa liên lạc được với gia đình. Chị Giang nghẹn lời: “Công ty đang kêu gọi CN dành một ngày lương cho đồng bào miền Trung. Mọi năm, bão lụt ở miền Bắc, miền Tây em cũng đóng góp nhưng không quan tâm lắm. Nay quê mình bị nạn, em mới thấy việc này quan trọng đến chừng nào”. Bà Nguyễn Thị Điền, giám đốc Công ty May An Phước, cho biết, ngoài đóng góp của CN, công ty cũng sẽ trích một khoản tiền tương xứng để chuyển ra miền Trung hỗ trợ bà con”.
Tại nhà trọ CN Công ty May Trường Vinh (quận 12-TPHCM), một nhóm CN nữ quê ở Bình Định và Bến Tre đang bàn nhau trích mỗi người 80.000 đồng từ tiền lương tháng 9 sắp được nhận cho Huệ, một CN quê ở Duy Xuyên, Quảng Nam gởi về sửa chữa lại nhà. Mắt Huệ đỏ hoe: “Mấy hôm nay ruột gan em như lửa đốt, không ngủ được. Ở nhà vừa điện vào cho biết nhà đã bay mất mái rồi, mấy ảng lúa ướt hết...”. Sắp tới, công ty thuê xe cho CN về thăm nhà nên Huệ cũng cảm thấy được an ủi.
Doanh nghiệp, CĐ cùng lo
Sáng 3-10, Tổng Công ty Bến Thành – TPHCM đã tổ chức một đoàn cứu trợ đến Huế, Quảng Nam và Đà Nẵng. Thời gian gấp rút, tổng công ty không kịp mang hàng hóa, gạo, mì... như những lần cứu trợ trước mà mang theo 400 triệu đồng. Đây là số tiền CN toàn tổng công ty đóng góp.
Ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch CĐ Tổng Công ty Bến Thành, cho biết: Ngay khi bản tin đầu tiên về những thiệt hại do cơn bão gây ra được phát đi, lãnh đạo tổng công ty đã chỉ đạo triển khai công tác vận động đóng góp cứu trợ. Sáng thứ hai, ngày 2-10, cuộc họp giao ban đã dành phần lớn thời gian để triển khai công tác vận động. Tổng công ty nhất trí kêu gọi người lao động đóng góp 2 ngày lương. Ngay trong buổi sáng, các đơn vị báo về là người lao động đã nhiệt liệt hưởng ứng. Tổng công ty đã ứng trước 400 triệu đồng và lập đoàn cứu trợ khẩn cấp lên đường.
Còn tại Công ty Pou Yuen, đã thành truyền thống, ngay khi nghe tin bão dữ tàn phá các tỉnh miền Trung, CĐ đã kêu gọi CN đóng góp giúp đỡ đồng bào đang gặp khó khăn. Trao đổi với chúng tôi sáng 3-10, ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch CĐ Công ty Pou Yuen, nói: “Nếu mỗi CN chỉ đóng góp 5.000 đồng thì sẽ thu được trên 300 triệu đồng. Chúng tôi sẽ trực tiếp mang tiền đi cứu trợ, vì rất nhiều CN Công ty Pou Yuen quê ở miền Trung”.
Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) ngay ngày 2-10 cũng đã vận động được 85 triệu đồng cấp tốc đưa ra miền Trung. Số tiền này chủ yếu dành cứu trợ người lao động của tổng công ty đang làm việc tại các địa phương trên. Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch CĐ Saigontourist, xúc động nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động. Bà con ngoài đó rất khó khăn, chuyển tiền hỗ trợ đến nhanh giờ nào, đỡ khổ giờ ấy”.
Cứu trợ... tại chỗ
Công ty TNHH Tân Hoàng Gia (quận Tân Bình) có cả ngàn lao động, rất nhiều người quê ở miền Trung. Sáng thứ hai 2-10, nhìn những gương mặt còn bần thần của anh chị em CN vì lo lắng cho gia đình ngoài quê, Giám đốc Hoàng Tường Vi cũng bứt rứt không yên. Một mặt,, ông họp triển khai kế hoạch ủng hộ đồng bào miền Trung; mặt khác đề nghị CĐ công ty lập danh sách CN có gia đình đang nằm trong vùng bị ảnh hưởng của bão để xuất quỹ ủng hộ bước đầu mỗi trường hợp từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng. Ông Vi tâm sự: “CN gắn bó, chung vai với công ty trước những biến động của thị trường. Khi họ gặp khó khăn, mình phải có trách nhiệm”. Chúng tôi còn biết được, giám đốc công ty linh động cho phép CN về quê để cùng gia đình khắc phục hậu quả cơn bão.
Chiều 3-10, Xí nghiệp may Thị Nghè (thuộc Công ty Cổ phần May Sài Gòn 2) đã tập hợp toàn bộ sản phẩm quần áo còn trong kho để chuẩn bị đưa ra miền Trung. Ông Lý Kim Sơn, Phó Giám đốc Xí nghiệp may Thị Nghè, cho biết số tiền quyên góp được từ anh chị em CN sẽ được chia thành 2 khoản: một phần gởi lên công ty để góp vào quỹ ủng hộ đồng bào miền Trung, phần còn lại trực tiếp trao cho những CN có gia đình bị ảnh hưởng của bão. Ngoài ra, Ban chấp hành CĐ Xí nghiệp may Thị Nghè còn đang lên kế hoạch mở đợt quyên góp tiền tàu xe cho CN vùng bão lũ về thăm quê. Tương tự, chiều 3-10 tập thể lao động Công ty Dịch vụ Bảo vệ Long Hải đã hưởng ứng đợt quyên góp giúp đỡ đồng bào miền Trung. Theo ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ tịch CĐ công ty, đơn vị sẽ dành một phần số tiền đóng góp để hỗ trợ cho nhân viên có gia đình bị thiệt hại trong cơn bão.
Những chuyến hàng đầu tiên của CN TPHCM đã đến với đồng bào vùng bão lũ. Dù cuộc sống hiện tại còn nhiều khó khăn, nhưng trước nỗi đau của đồng bào ruột thịt, CN TPHCM đã thể hiện cao độ tinh thần tương thân, tương ái. Mong rằng những tình cảm đơn sơ ấy sẽ góp phần xoa dịu nỗi đau, giúp bà con mau chóng ổn định cuộc sống.
Bình luận (0)