Phản ánh đến Báo Người Lao Động, nhiều hộ dân ngụ xã Lộc An cho biết các cống thoát nước thi công dang dở trên Quốc lộ 20 khiến vườn tược, nhà cửa bị dòng xoáy của nước làm xói mòn.
Họa vô đơn chí
Ông Huỳnh Văn Dũng (54 tuổi; ngụ thôn 3, xã Lộc An) cho biết Lâm Đồng đang vào mùa mưa. Trước kia, khi Quốc lộ 20 chưa nâng cấp thì gia đình sống yên ổn. Kể từ khi quốc lộ được nâng cấp, chưa vội mừng thì chỉ sau một trận mưa lớn, dòng nước chảy mạnh đã đào thành con hào kéo dài hơn nửa cây số, có nơi sâu hơn 4 m, ăn vào phần móng khiến dãy nhà 12 phòng trọ của ông phải bỏ trống hơn 3 tháng nay. “Chúng tôi đã có đơn gửi cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa được giải quyết” - ông Dũng nói.
Dự án khôi phục và cải tạo Quốc lộ 20 theo hình thức BT được khởi công tháng 11-2011, tổng vốn gần 5.265 tỉ đồng, trong đó vốn vay tín dụng nước ngoài là 250 triệu USD với chiều dài dọc tuyến gần 110 km (từ ngã ba Dầu Giây, tỉnh Đồng Nai đến TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng). Sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian xe di chuyển từ TP HCM về Lâm Đồng gần 3 giờ, đồng thời giảm thiểu tai nạn giao thông, tuy nhiên, quá trình thi công đã gây ra những hệ lụy.
Ghi nhận tại hiện trường, 4 cống thoát nước trên Quốc lộ 20 (đoạn qua các thôn 3, 4 và thôn 8 của xã Lộc An) đang tạm ngưng xả nước do thiếu mương xả hậu. Điều đáng nói, tất cả mương xả hậu nối từ những miệng cống thoát nước này phải đi qua phần đất của những hộ dân bên cạnh dài hàng trăm mét. Các mương xả hậu nói trên đều chưa được khởi công xây dựng. Khi trời mưa, nước từ một miệng cống đã tạo thành rãnh nứt kéo dài khoảng 300 m, rộng chừng 1 m và sâu khoảng 4 m, len lỏi qua vườn cà phê của hàng chục hộ dân.
Theo một số hộ dân bị ảnh hưởng, nguyên nhân chính là do giữa chủ đầu tư và người dân chưa thỏa thuận được giá cả đền bù khiến các cống xả nước bị “bịt miệng”. Tuy nhiên, khi mưa, nguồn nước từ khắp nơi đổ về làm bung miệng cống, tạo thành những “thác nước” gây ra hiện tượng xói mòn, sạt lở đất đai, nhà cửa và cây trồng của người dân.
Trong 4 cống thoát nước trên thì cống thoát nước tại thôn 3, xã Lộc An đã và đang gây tổn thất nghiêm trọng nhất bởi ngoài phần đất gần 150 m2 (chưa được đền bù) của ông Thủy bị sạt lở, nước từ cống thoát còn làm xói mòn, tạo thành đường mương dài 100 m, sâu từ 2-3 m gây ảnh hưởng đến đất, công trình của gia đình ông Huỳnh Văn Dũng bên cạnh và “uy hiếp” trực tiếp đến trên 10 ha đất sản xuất của hàng chục hộ trong khu vực. “Dòng nước của các cống thoát trên Quốc lộ 20 đã khoét sâu vườn cà phê hơn 300 m. Những nơi nước khoét sâu, hàng chục cây cà phê đang ra trái non bị trơ gốc. Nếu tình trạng này kéo dài thì thiệt hại nặng nề cho mùa thu hoạch sắp tới là không tránh khỏi” - ông Thủy nói.
Cùng với cống thoát nước tại thôn 3 thì các cống thoát nước (đoạn qua địa bàn 2 thôn 4 và 8 của xã Lộc An) cũng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến vườn tược, cây trồng và cuộc sống của nhiều hộ dân nơi đây. Ông Trần Hữu Vọng (ngụ xóm 7, thôn 4, xã Lộc An) bức xúc: “Do chưa có mương thoát nước nên miệng cống xả bên cạnh nhà tôi đang được bịt kín, còn hố ga được đậy bằng nắp bê tông nặng hàng trăm kg nhưng trận mưa cách đây khoảng 15 ngày đã đẩy bung. Không có chỗ thoát nên nước phun cao hàng mét qua hố ga và tràn vào nhà ngập hết đồ đạc, tài sản khiến gia đình tôi không kịp trở tay. Chúng tôi cũng đã nhiều lần dùng xi măng để vá lại nắp hố ga nhưng mưa xuống thì nó lại bị đẩy bung. Hiện tại, chúng tôi đã hết cách để đối phó”.
Đền bù, giải tỏa gặp trở ngại
Xác nhận với phóng viên, ông Vũ Minh Khoát - Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn 3, xã Lộc An - cho biết: “Qua thống kê, hiện cống thoát nước trên Quốc lộ 20 đang làm ảnh hưởng trực tiếp đến đất trồng chè và cà phê của 38 hộ dân. Trước tình hình đó, chúng tôi đã làm đơn phản ánh lên các cấp có thẩm quyền từ xã đến tỉnh để được xem xét, giải quyết. Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa nhận được hồi âm từ các cơ quan chức năng nên người dân rất lo lắng”.
Cuộc sống của nhiều hộ dân đang yên ổn thì Quốc lộ 20 được nâng cấp và cao hơn vị trí ban đầu gần 60 cm nhưng các cống thoát nước lại bỏ dang dở khiến hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng hết sức nặng nề. Bà Đỗ Thị Miền, (ngụ thôn 4, xã Lộc An) cho biết mỗi khi mưa xuống là vết nứt lại rộng ra và sâu thêm, người dân chẳng dám ra vườn vì sợ sẩy chân rơi xuống hố. Ngoài ra, theo ông Huỳnh Văn Trung (ngụ xóm 2, thôn 8, xã Lộc An), hơn 1 tháng nay, cứ mưa xuống là nước từ miệng cống trên Quốc lộ 20 tràn vào vườn cà phê của gia đình ông. “Lượng nước vào vườn quá lớn đã làm nhiều diện tích cà phê bị xói mòn, bật gốc. Cà phê đang ở thời kỳ dưỡng trái nhưng trước tình hình này, gia đình tôi không dám đầu tư chăm sóc nữa” - ông Trung nói.
Đổ lỗi cho nhau
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phạm Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc An, cho biết qua khảo sát và thống kê sơ bộ, những hệ lụy và hậu quả mà các cống thoát nước đã và đang gây ra đối với người dân trong xã là rất đáng báo động. “Tuy nhiên, sự việc trên vượt quá thẩm quyền của xã, chúng tôi đã gửi văn bản đề nghị ngành chức năng cần nhanh chóng có giải pháp khắc phục, đồng thời có phương án giải quyết để đền bù, hỗ trợ thỏa đáng giúp người dân ổn định cuộc sống, tránh những hậu quả về sau” - ông Quang thông tin.
Ông Nguyễn Trọng Thăng, Phó Giám đốc Công ty TNHH BOT và BT Quốc lộ 20, cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do Trung tâm Quỹ đất tỉnh Lâm Đồng và UBND huyện Bảo Lâm chưa bàn giao mặt bằng cho nhà thầu và đơn vị thi công nên công ty không thể thi công hệ thống mương xả nước. Trong khi đó, theo ông Lê Văn Mỹ, Phó Giám đốc Trung tâm Quỹ đất tỉnh Lâm Đồng, do Công ty TNHH BOT và BT Quốc lộ 20 điều chỉnh vị trí cống xả nên việc thương lượng đền bù giá đất với người dân gặp trở ngại.
Bình luận (0)