xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cụ Hoàng Giáp dạy con

Vu Gia

Từ những lời dạy sâu sắc, chân tình và gần gũi của cụ Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm mà đời con, đời cháu của cụ có nhiều người thành đạt, giúp ích cho đời

Biết tôi viết thư pháp chữ Hán không đến nỗi nào, chị Nguyễn Thị Dư Khánh (nguyên cán bộ giảng dạy Trường Cao đẳng Sư phạm TPHCM) nhờ tôi viết mấy chữ: Tôn tộc đại quy / Tôn lộc đại nguy / Tôn tài đại thịnh / Tôn nịnh đại suy. Rất có ý tứ, rất tâm huyết mà không kém phần hào sảng, tôi cho rằng trong gia đình thì chẳng nên treo mấy chữ này vì không phù hợp.
 
Chị cho hay trong cuộc gặp gỡ các tiến sĩ tân khoa, khi vua Thành Thái đề nghị mỗi người hãy góp kế sách giúp nước thì bố chị cô đúc mấy câu ấy. Thì ra, chị là con gái cụ Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm (1889 - 1954).
 
Anh ruột của chị là nhà văn hóa - bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, GS Nguyễn Khắc Dương (nguyên Khoa trưởng Văn khoa Đại học Đà Lạt trước 30-4-1975), GS Nguyễn Khắc Phi (nguyên Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục), kỹ sư - nhà văn Nguyễn Khắc Phê...

 

Một cách dạy con

 
Cụ Nguyễn Khắc Niêm lúc 17 tuổi đã đỗ cử nhân, 18 tuổi đỗ đầu khoa thi Hội (Thành Thái thứ 19, năm 1907), sắc ban “Đệ nhị giáp tiến sĩ” nên gọi là Hoàng Giáp.
 
Cụ từng giữ chức Tư nghiệp Trường Quốc Tử Giám (Huế), Đốc học Nghệ An, Phủ Doãn Thừa Thiên, Tổng đốc Thanh Hóa, đến tháng 2-1942 thì xin về hưu trước tuổi.
 
Vì vậy, tôi đề nghị chị Dư Khánh cho bản chữ Hán tôi mới dám viết chứ chữ nghĩa cụ Hoàng Giáp mà viết sai thì thật là thất lễ. Mấy ngày sau, chị mang tặng tôi cuốn Cụ Hoàng Niêm đất Hương Sơn (Nhà Xuất bản Thuận Hóa, năm 2007).
 
Mấy chữ này được Trần Đại Vinh dịch: Tôn trọng nòi giống, ắt đại hòa hợp / Tôn trọng bổng lộc, ắt đại nguy nan / Tôn trọng tài năng, ắt đại phồn thịnh / Tôn trọng siểm nịnh, ắt đại suy vong. Dù kế sách được cụ ứng khẩu nhưng đó là tâm huyết của một đời và triều đại nào cũng cần thế cả.

img

Bốn người con cụ Hoàng Giáp (từ phải qua): GS Nguyễn Khắc Dương,
GS-Nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện, GS Nguyễn Khắc Phi, Nhà văn Nguyễn Khắc Phê. Ảnh: TƯ LIỆU GIA ĐÌNH

Lớp con cháu cụ hiện nay ai cũng thành đạt, được nhiều người kính trọng. Có phải nhờ nếp nhà? Tôi không muốn hỏi con cháu vì có ai không muốn nói tốt về ông cha mình.
 
Để hiểu nếp nhà này, tôi lần tìm từ tư liệu của cụ được in trong cuốn Cụ Hoàng Niêm đất Hương Sơn. Có lá thư cụ Hoàng Giáp gửi cho con trai (Nguyễn Khắc Viện) đang du học ở Pháp:
 
 “Cher Viện,

Những cái thư con viết kỳ tháng 5-48, tháng 6-49, và cái thư con viết cho em Phương Thảo kỳ tháng 9-49, thầy đều tiếp được cả, biết rằng con ở bên ấy nay đã lành mạnh và có học hỏi thêm được nhiều, thầy và tất cả bà con lấy làm mừng lắm (...). Con cứ chăm bề bảo dưỡng sức khỏe, không nên làm việc quá chừng, để cho được thiệt lành mạnh, nay mai về nước, đưa một ít tài học giúp vào công cuộc kiến thiết nước nhà, cho thỏa lòng trông đợi của thầy, của bà con và của bạn bè, như lời con đã hứa trong thư trước, ấy là một điều nguyện vọng duy nhất của thầy trong lúc già cả này”.

 
Qua trích dẫn trên, thấy rằng cách cụ dạy con khá hay, đặt lên vai con tình cảm gia đình, bà con, bạn bè, đất nước, buộc con phải hiểu.

 

Trọng sự học

 
Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm có bài thơ Khuyến học, không chỉ nhắc nhở con cháu mà còn nhắc nhở mọi người. Với cụ, “Học biết năm ba chữ cũng là hay / Cho đến như nghề thụ súc việc cấy cày / Có cách thức mới có ngày tiến bộ / Như buôn bán tính hàng ghi sổ / Như thợ thuyền trù thước vẽ đồ / Biết bao nhiêu người trú tính mơ hồ / Chịu thua thiệt chỉ do vì tội dốt / Xin đừng kể gia kế giàu nghèo, thiên tư tốt xấu / Học cho sáng mắt bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu / Về sau lợi ích còn nhiều”.
 
Điều cụ Hoàng Giáp dạy bây giờ thấy rõ nhất. Cùng một mảnh đất như nhau nhưng nếu ai có trình độ hiểu biết hơn thì có thu hoạch tốt hơn và có thể làm giàu trên mảnh ruộng của mình.
 
 
img
Bài thơ Tôn tộc đại quy... (thư pháp của Vu Gia)
 
 
Cùng một nghề như nhau song nếu ai chịu khó học hỏi hơn, có hiểu biết hơn thì có thu nhập tốt hơn, có thể làm giàu bằng cái nghề mà mình đã chọn. Tuy nhiên, “lương nhà lính, tính nhà quan” cũng hỏng, bởi theo cụ “Của đâu cho kẻ nhác mần siêng ăn”.
 
Cụ dặn con cháu: “Chớ nên tập thói xa hoang / Rượu bạc nha phiến tìm đường tránh xa / Chè xanh cho đến thuốc trà / Cũng đừng mang nghiện rồi mà lụy thân / Chỉ hai chữ kiệm chữ cần / Con em ta phải tập dần cho quen / Rồi ra trăm sự đều nên”.
 
Từ những lời dạy ấy mà đời con của cụ khá thành đạt, giúp ích cho đời; các cháu (nội, ngoại) của cụ cũng không hề thua kém.
 
Khi đất nước đổi mới, lớp cháu của cụ có người bước vào thương trường và gặt hái được những thành công, điển hình như người cháu nội của cụ - con trai GS Nguyễn Khắc Phi là Nguyễn Chí Linh, Giám đốc Công ty TNHH Nhật Linh, sản xuất ổn áp LiOa nổi tiếng.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo