Ngày 14-7, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách trường ĐH Kinh tế - Đại học quốc gia Hà Nội (VEPR) đã có Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý 2-2016.
Báo cáo đánh giá hiện tượng cá chết hàng loạt ở biển miền Trung trong sự cố môi trường nghiêm trọng do Công ty Formosa Hà Tĩnh gây ra đã gây một cú sốc bất lợi cho nền kinh tế nói chung, một tổn thất lớn cho khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp nói riêng. Đây là tiếng chuông dữ dội cảnh báo về hậu quả môi trường trong quá trình phát triển. Đồng thời, việc xử lý khủng hoảng cho thấy Chính phủ và các bộ cần có sự phối hợp chặt chẽ và tăng cường kỹ năng hơn nữa.
Theo VEPR, việc chậm chạp trong xử lý tình huống và truyền thông vào giai đoạn đầu khi cuộc khủng hoảng nổ ra cho thấy sự thiếu kinh nghiệm trong việc xử lý các cuộc khủng hoảng môi trường trên diện rộng, cả về năng lực kỹ thuật lẫn khả năng kết nối chuyên ngành.
VEPR cho rằng việc xác định mức bồi thường phải dựa trên quy trình chặt chẽ cả về pháp lý và kỹ thuật. Nếu chưa có sự xác minh lượng giá tổn thất của cuộc khủng hoảng một cách khoa học mà đã chấp nhận mức đền bù thì vô hình trung đã thừa nhận quy mô tổn thất tương đương với mức đền bù đó. Hành động này có thể khép lại các cơ hội đàm phán dựa trên các tính toán chặt chẽ, khoa học hơn.
VEPR đánh giá tác động về mặt kinh tế của hiện tượng cá chết hàng loạt sẽ thông qua 2 kênh. Thứ nhất là tác động trực tiếp đến những ngành có liên quan như nuôi trồng khai thác và chế biến thủy sản, nghề muối, du lịch. Thứ hai là trong trung và dài hạn, nhiều ngành khác trong nền kinh tế sẽ chịu tác động lan tỏa dây chuyền. Ngoài ra, những thiệt hại về môi trường biển, nguồn lợi thủy sản, uy tín chỉ dẫn địa lý, sinh kế người dân và gắn kết xã hội lâu dài, to lớn và rất khó đánh giá.
VEPR cũng nhắc lại ước tính của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, có khoảng 263.000 lao động bị ảnh hưởng sau thảm họa cá chết trong sự cố môi trường do Công ty Formosa Hà Tĩnh gây ra, trong đó có 100.000 lao động trực tiếp.
Bình luận (0)