Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ QH vừa có văn bản trả lời của 3 bộ: Ngoại giao, Quốc phòng, Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đối với kiến nghị của cử tri các tỉnh Bắc Giang, Lâm Đồng, Hà Nam, Thái Bình và TP HCM về vấn đề biển Đông gửi đến kỳ họp QH thứ 10.
Cụ thể, cử tri cho biết rất quan tâm đến tình hình biển Đông. Mặc dù Trung Quốc đã rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng đã xây dựng hàng loạt đảo nhân tạo, ngang ngược uy hiếp ngư dân Việt Nam và có các hành động đáng nghi ngại khác. Vì thế, đề nghị nhà nước tăng cường hơn nữa các biện pháp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; đẩy mạnh thường xuyên tuyên truyền để người dân hiểu sâu về chủ quyền biển, đảo; tạo sự ủng hộ của nhân dân và bạn bè thế giới.
Về kiến nghị này, Bộ Ngoại giao cho biết từ tháng 9-2014 đến nay, Trung Quốc ráo riết triển khai các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng quy mô lớn trên các cấu trúc mà Trung Quốc đang chiếm đóng bất hợp pháp tại quần đảo Trường Sa. Những hoạt động này của Trung Quốc đã vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), phá vỡ nguyên trạng tại biển Đông, đe dọa hòa bình, ổn định, tự do hàng hải và hàng không trong khu vực, vi phạm chủ quyền của Việt Nam và đi ngược lại nhận thức của lãnh đạo hai nước cũng như Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc năm 2011.
Đảo Trường Sa Lớn trong quần đảo Trường SaẢnh: Duy Cường
Bộ Ngoại giao cho biết đã và đang tiến hành các biện pháp đấu tranh kiên quyết ở nhiều cấp, kể cả cấp cao, thông qua nhiều hình thức (giao thiệp trực tiếp, phát biểu của lãnh đạo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao…) và tại nhiều diễn đàn (trong hội đàm, đàm phán với Trung Quốc và tại các diễn đàn đa phương).
Cụ thể, đối với với Trung Quốc, từ đầu năm đến nay, Bộ Ngoại giao đã có 22 lần tiếp xúc, trao đổi với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, trong đó có 7 lần giao thiệp và trao 9 công hàm phản đối việc làm của Trung Quốc tại biển Đông. Tại các diễn đàn đa phương cấp quốc tế và khu vực, Việt Nam trực tiếp đề cập những diễn biến phức tạp tại biển Đông, phê phán cụ thể hoạt động xây dựng, lấn biển quy mô lớn của Trung Quốc, đồng thời giải thích, làm rõ các hoạt động duy trì, sửa chữa và cải tạo các công trình cũ của Việt Nam tại Trường Sa là việc làm bình thường, hợp pháp, không vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế và DOC.
Bộ Quốc phòng khẳng định quân đội đã được quan tâm, đầu tư để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới, nhất là vùng đặc quyền kinh tế, bảo vệ hoạt động dầu khí, hoạt động nghề cá... Cơ sở hạ tầng các vùng biển, đảo được xây dựng tương đối cơ bản; các trạm bảo đảm hậu cần, kỹ thuật nghề cá trên các đảo Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Đá Tây… được đầu tư đáp ứng nhu cầu sản xuất của nhân dân.
Bộ TT-TT khẳng định Đảng và nhà nước luôn đặc biệt quan tâm, chú trọng công tác tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo. Thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo, định hướng việc tuyên truyền thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu sâu hơn về chủ quyền biển, đảo; tạo sự ủng hộ của nhân dân và bạn bè thế giới.
Bình luận (0)