Mô hình Bến Nhà Rồng theo nghệ thuật mosai được xem là “cây đinh” của Hội hoa xuân năm nay, thể hiện ý tưởng kỉ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước.
Nói một cách đơn giản, mosai là môn nghệ thuật tạo hình bằng thảm thực vật. Thử nghiệm nghệ thuật mosai đầu tiên của Hội hoa xuân là vào năm Canh Dần 2010 với mô hình con cọp. Dấn thêm một bước, Hội hoa xuân năm nay quyết định chọn Bến Nhà Rồng để thử sức.
Mô hình Bến Nhà Rồng và con thuyền hoa
Tuy có xuất xứ từ Pháp vào thế kỉ 18 rồi sau đó du nhập vào Canada và tỏa đi khắp thế giới nhưng mosai vẫn quá mới mẻ đối với Việt Nam. Do đó, ban tổ chức Hội hoa xuân đã phải cất công “tầm sư” tận Nhật Bản.
Trước ngày khai mạc hơn một tháng, hai chuyên gia người Nhật là Daisuke Aoki và Kobayashi Tenryu đã miệt mài cắt tỉa, tạo dáng tại công viên Tao Đàn.
Hai chuyên gia người Nhật Daisuke Aoki (trái) và Kobayashi Tenryu tại Công viên Tao Đàn cuối tháng 12-2010
“Chúng tôi thực hiện mô hình Bến Nhà Rồng theo tỉ lệ 1/14. Cái chính là phải chọn các loại cây có độ cao vừa phải và có màu sắc khớp với nguyên mẫu để tạo dáng. Cuối cùng, các cây chuỗi ngọc, dền đỏ, cẩm thạch… được chọn lựa”, anh Kobayashi Tenryu trao đổi.
Để khung cảnh hoàn hảo hơn, mô hình Bến Nhà Rồng được kết hợp với một chiếc tàu chở đầy hoa tượng trưng cho con tàu Đô đốc Latouche-Tréville đã đưa Bác vượt trùng khơi.
Đây là ý tưởng để kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước
Cũng nhiều năm góp mặt tại Hội hoa xuân, nhưng năm nay là lần đầu tiên khu nhà lồng bướm trực tiếp mở cửa cho khách vào tham quan.
Thay vì phải quan sát qua tấm lưới dày, du khách có được niềm hứng thú khi chứng kiến thật gần đủ chủng loại bướm to nhỏ, màu sắc khác nhau.
Bướm cũng khá dạn người, cứ điềm nhiên nghỉ cánh trên những khóm hoa rực rỡ, thậm chí bình thản đậu trên tay những cô bé tò mò.
Bướm bình thản đậu trên những bông hoa khoe sắc
Trong khu nhà lồng còn có cả một hồ nước để bướm uống do thời tiết Sài Gòn khá nóng, như vậy bướm mới sống lâu hơn.
Chủ nhân của những chú bướm này là nghệ nhân Nguyệt Ánh (Bảo Lộc, Lâm Đồng). Hiện trong vườn nhà chị có đến hàng ngàn con thuộc 50 loài bướm khác nhau, không chỉ để làm nguyên liệu cho các bức tranh bướm đặc sắc của chị mà còn để “bảo tồn nguồn gien của các loài bướm Nam Tây Nguyên” như lời chị bộc bạch.
Các cô bé tỏ ra thích thú với các chú bướm đủ màu
Khu trưng bày cá của Hội hoa xuân Tân Mão ngoài những “người quen” cũ như kim long, ngân long, cá dĩa, cá koi… còn đón tiếp hai chú cá mập vi trắng và hai chú cá mập cát.
Không quá đáng sợ như hình ảnh thường thấy của “sát thủ đại dương”, các chú cá mập này “mi nhon” hơn nhiều với chiều dài 1m và cân nặng 7-8kg.
Nuôi cá mập không phải là chuyện hiếm trong giới chơi cá biển Sài Gòn, nhưng đây là lần đầu tiên chúng gia nhập Hội hoa xuân.
Do các chú cá mập "giấu đầu lòi đuôi" nên du khách đành ngắm đồi mồi, rùa biển bù lại
Có điều du khách phải kiên nhẫn một chút nếu muốn chiêm ngưỡng “dung nhan” cá mập vì chúng thường hay trốn kín phía sau rặng đá, chỉ chìa ra một ít vây đuôi để chứng tỏ sự hiện diện của mình. Bù lại, du khách có thể dễ dàng ngắm những chú đồi mồi, rùa biển dạn dĩ cư ngụ chung bể với cá mập.
Bình luận (0)