Câu chuyện trên thêm một lần nữa khắc họa những gam màu u ám vào bức tranh vốn không mấy sáng sủa trong việc tuyển dụng, đề bạt cán bộ tại nhiều địa phương hiện nay: dư thừa cán bộ, không giảm được biên chế; quá nhiều cán bộ thiếu năng lực trong khi thiếu người có chuyên môn để làm việc...
Tất nhiên, hậu quả thì người dân lãnh đủ. Mọi thủ tục giấy tờ đều bị kéo dài lê thê từ ngày này qua tháng nọ. Mỗi lần tới “cửa quan” phải chờ đợi mệt mỏi và không ít cán bộ đã quên trách nhiệm của mình là phục vụ người dân mà lại xem đó là đặc quyền để ban phát. Nạn nhũng nhiễu tràn lan, tiêu cực đâu cũng thấy.
Quy trình bổ nhiệm cán bộ ở nước ta khá chặt chẽ. Chỉ đề bạt cán bộ cấp quận, huyện thôi phải qua không biết bao nhiêu công đoạn, bao nhiêu là cuộc sưu tra lý lịch, kiểm tra từng thời kỳ, xác minh từ nhiều cơ quan, nơi cư trú... Những tưởng quy trình này ngay cả một con kiến cũng khó lọt qua, thế nhưng những “con sâu” vẫn đàng hoàng, nghiễm nhiên chen chân vào các cơ quan nhà nước và họ nhanh chóng thăng tiến đến bất ngờ. Thực tế này đã phủ nhận tất cả nỗ lực ngăn cản cán bộ kém lọt vào bộ máy nhà nước từ địa phương đến trung ương.
Thực tiễn cho thấy thành bại trong công tác cán bộ phụ thuộc vào người thực hiện, năng lực và sự công tâm của cán bộ lãnh đạo. Nếu công tâm, toàn ý vì người dân thì quy trình trên sẽ là bộ lọc chất lượng để lựa chọn, bổ nhiệm những cán bộ mẫn cán, tận tụy vì lợi ích của người dân. Ngược lại, quy trình trên sẽ trở thành mớ lý thuyết rỗng tuếch dễ dàng bị vô hiệu hóa để đưa những con người bất tài, thiếu đức vào bộ máy công quyền. Nhiều cán bộ lãnh đạo địa phương thậm chí không kiếm nổi cho mình tấm bằng THPT nên phải dùng bằng giả. Hay gần đây là vụ một tài xế được tạo điều kiện “xoay xở” sau một thời gian trở thành phó viện trưởng kiêm chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam mà báo chí và nhiều cơ quan chức năng đang tìm hiểu.
Chúng ta cũng chẳng lạ gì ở rất nhiều địa phương, hàng loạt người cùng vây cánh, cùng gia đình được bố trí vào những vị trí làm việc thơm thảo của bộ máy nhà nước. Hoặc ngày càng phổ biến tình trạng “cha truyền con nối” ở những chức vụ quan trọng. Trong khi đó, nhiều cuộc thi tuyển công chức công khai đã tìm được người đủ năng lực, đủ tâm để làm việc thì không được bố trí việc làm phù hợp. Hàng trăm cán bộ thi tuyển du học từ nước ngoài về phải ngồi chơi xơi nước.
Người dân nộp ngân sách nuôi bộ máy để được cán bộ phục vụ chứ không phải cho cán bộ hưởng lợi. Khi mà tiền thuế của người dân bị xem là “chùm khế ngọt” để những người thiếu tâm và tầm đục khoét hằng ngày thì sẽ triệt tiêu đi những động lực phát triển xã hội và mất lòng tin từ người dân.
Bình luận (0)