Sau khi chia tách tỉnh, UBND tỉnh Đắk Nông đã có chủ trương mở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhằm thu hút các dự án nhưng thực tế không mang lại hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên đất.
Cụm Công nghiệp BMC (xã Đắk Ha, huyện Đắk G’long) do Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và Xây lắp thương mại BMC (Bộ Công Thương) làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng từ năm 2007 với tổng vốn hơn 63 tỉ đồng trên diện tích hơn 37 ha. Tỉnh đã ưu đãi cho nhà đầu tư thuê đất với giá 496 đồng/m2/năm giai đoạn 2008-2011 và 2.644 đồng/m2/năm giai đoạn 2012-2017. Sau gần 10 năm triển khai, cụm công nghiệp này vẫn chưa thể hoạt động vì không có doanh nghiệp nào đến thuê đất.
Tương tự, Cụm Công nghiệp Thuận An (xã Thuận An, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) được xây dựng từ năm 2007 trên tổng diện tích hơn 50 ha, tổng mức đầu tư gần 100 tỉ đồng. Sau gần 10 năm xây dựng, đến nay, cụm công nghiệp này chỉ có lác đác vài nhà máy, cơ sở chế biến, gây lãng phí lớn.
Ông Nguyễn Văn Nam (ngụ xã Đắk Ha) cho biết gia đình ông bị thu hồi hơn 3 sào đất để làm dự án Cụm Công nghiệp BMC. Nhiều người dân cũng bị thu hồi đất, không có đất sản xuất, trong khi đất thu hồi thì để cỏ mọc um tùm.
Trước khi Đắk Nông tách khỏi Đắk Lắk để thành lập tỉnh mới, khu vực này đã có KCN Tâm Thắng (huyện Cư Jút). KCN này hoạt động chưa hết công suất khi mới thu hút đầu tư 70% diện tích. Thế nhưng, tỉnh Đắk Nông vẫn chủ trương đầu tư các khu, cụm công nghiệp mới. Hiện mỗi huyện ở tỉnh Đắk Nông đều được đầu tư xây dựng một khu, cụm công nghiệp như: KCN Nhân Cơ (huyện Đắk R’lấp), Cụm Công nghiệp Quảng Tâm (huyện Tuy Đức), Cụm Công nghiệp Đắk Song (huyện Đắk Song)…
Ông Trần Ngọc Thành - Trưởng Phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công Thương Đắk Nông - cho hay một số nhà đầu tư từng liên hệ thuê đất ở Cụm Công nghiệp BMC nhưng đến nay chưa triển khai thực hiện dự án. Nguyên nhân chính, theo các nhà đầu tư, do giá cho thuê đất của BMC khá cao với khoảng 8.000 đồng/m2/năm. Bên cạnh đó, hạ tầng cụm công nghiệp chưa hoàn thành, còn thiếu trạm biến áp, hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Ông Trần Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho hay tỉnh đã chỉ đạo hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống nước thải ở KCN Tâm Thắng để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư. Riêng Cụm Công nghiệp Thuận An đã thu hút được một số nhà đầu tư và tiếp tục ưu đãi nhiều chính sách để thu hút.
“Với Cụm Công nghiệp Đắk Ha, mấy năm gần đây, đơn vị này sắp xếp lại doanh nghiệp, cổ phần hóa… nên chưa quan tâm thu hút đầu tư. Gần đây, việc thu hút doanh nghiệp vào các khu, cụm công nghiệp khó khăn do các doanh nghiệp thiếu về vốn” - ông Hải lý giải.
Bình luận (0)