xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cúm gia cầm lại đe dọa

NHÓM PHÓNG VIÊN

Các ổ dịch cúm gia cầm liên tiếp xuất hiện trở lại tại nhiều địa phương trong khi gà, vịt sống vẫn bày bán tràn lan ở các khu dân cư, chợ ; công tác tiêm phòng vẫn chưa đạt yêu cầu

Tại tỉnh Hậu Giang, đàn gà của hộ ông Võ Văn Buôl  (huyện Phụng Hiệp) vừa có 600/1.070 con chết vì dịch cúm nên cơ quan chức năng phải tiêu hủy nguyên cả đàn. Tại tỉnh Kiên Giang, UBND huyện Hòn Đất cũng vừa tiêu hủy 559 con gà nhiễm cúm tại một trại chăn nuôi. Trước đó, trại này có ổ dịch làm 16 con gà chết.

Lo dịch bùng phát

Ông Nguyễn Thành Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Cà Mau, cho biết: “Qua kiểm tra mẫu tại hầu hết các chợ buôn bán gia cầm sống trên địa bàn tỉnh, ngành chức năng đều phát hiện có sự lưu hành của virus cúm gia cầm, nguy cơ bùng phát dịch trong thời gian tới là rất cao”.

Ông Võ Bé Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Tháp, nói do tỉnh tiếp giáp với vùng có dịch của Campuchia nên phải thực hiện mọi biện pháp cấp thiết để ngăn chặn. Cụ thể là các trạm kiểm dịch bảo vệ động vật ở các khu vực cửa khẩu đều được trang bị thuốc khử trùng, tiêu độc; giám sát chặt chẽ các đàn vịt di chuyển từ bên kia biên giới vào trong nước. “Tuy nhiên, chúng tôi rất lo ngại các đàn vịt chạy đồng từ nơi khác đến địa phương” - ông Hiền lo lắng.

img
Nguy cơ lây lan dịch cúm gia cầm tại ĐBSCL là rất lớn do nhiều nơi còn giữ tập quán thả vịt chạy đồng theo mùa vụ. Ảnh: THỐT NỐT

Đáng lo ngại nhất là tỉnh An Giang vì tỉnh này tiếp giáp với 2 vùng đang có dịch của tỉnh Kiên Giang và Campuchia. Toàn tỉnh này có đàn vịt hơn 4 triệu con và vẫn còn nhiều vùng dân giữ tập quán thả lan hoặc chạy đồng.

Mặc dù ngành chức năng các tỉnh đã tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm bệnh cũng như tiêu độc khử trùng nhưng nguy cơ lây lan dịch là không nhỏ do hiện tại đang vào mùa vịt chạy đồng.

Ở TPHCM, tình trạng kinh doanh gia cầm sống vẫn diễn ra tràn lan. Chi cục Thú y TPHCM cho biết mặc dù đã tăng cường, kiểm tra, giám sát nhưng do khu vực kinh doanh gia cầm trái phép thường diễn ra tại các tuyến đường giáp ranh giữa các địa phương; đối tượng kinh doanh đa số là người nhập cư nên chính quyền địa phương khó khăn khi xử lý vi phạm. Chưa kể, việc kinh doanh rất cơ động, tập trung vào giờ “hiểm” và các đối tượng kinh doanh rất manh động, sẵn sàng chống đối, hành hung lực lượng kiểm tra.

Chưa hết nỗi lo vắc-xin

Tại tỉnh Hậu Giang, ngành thú y đã triển khai tiêm vắc-xin đàn gà với tổng cộng hơn 400.000 liều và tiêm phòng đến hết cuối tháng 3. Để ngăn ngừa dịch, Hậu Giang đã phải bỏ kinh phí mua 3 triệu liều vắc-xin để tiêm phòng.

Trong lúc đó, ông Lưu Phước Hậu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP Cần Thơ, cho biết do Cục Thú y không cấp miễn phí vắc-xin tiêm phòng cho gia cầm nên địa phương phải tự lo. “Từ đầu năm đến nay vẫn chưa tiêm phòng đàn gia cầm vì nguồn vắc-xin từ dự án của Chính phủ đã hết, chúng tôi đang xin kinh phí từ TP để mua” - ông Hậu nói và cho biết thêm là TP Cần Thơ có trên 1,9 triệu gia cầm, dự kiến sẽ tiêm khoảng 8 triệu liều vắc-xin với kinh phí trên 3 tỉ đồng.

Theo ông Nguyễn Thành Huy, do còn nhiều thiếu sót trong công tác tiêm phòng thời gian qua, như: một số cán bộ chưa nắm vững kỹ thuật; vận chuyển, bảo quản vắc-xin chưa đúng cách; một số xã báo cáo khống số liệu… làm lãng phí rất lớn số lượng vắc-xin nên tỉ lệ đàn gia cầm đạt mức bảo hộ sau tiêm phòng chưa đạt yêu cầu. Do phải tự mua vắc-xin nên công tác phòng chống dịch tại Cà Mau được thực hiện theo cơ chế: tỉnh xuất ngân sách mua vắc-xin, còn chi phí tiêm thì chủ hộ trả.

Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM, nói điều lo ngại là khả năng bảo hộ của vắc-xin chủng ngừa cúm gia cầm trong thời gian tới bởi trước đây, virus lưu hành ở khu vực các tỉnh ĐBSCL chủ yếu thuộc nhánh 1.1 và việc tiêm phòng đại trà đàn gia cầm, thủy cầm đã có hiệu quả tốt trong khi tại miền Trung và Bắc Trung Bộ, virus lưu hành chủ yếu thuộc nhánh 2.3.2.1 A, 2.3.2.1 B, gần đây là 2.3.2.1C. Ngoài ra, thời gian gần đây đã có sự xâm nhập virus nhánh 2.3.2.1 C tại một số tỉnh ĐBSCL.

Do đó, theo ông Phát, nếu các tỉnh không phối hợp kiểm soát vận chuyển gia cầm và triển khai hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch thì nguy cơ xảy ra dịch rất cao bởi khi 2 nhánh virus 2.3.2.1 C và 1.1 phổ biến và tồn tại song song thì việc tiêm phòng vắc-xin hiệu quả sẽ không cao, nhất là khi chưa có loại vắc-xin nào bảo hộ với cả 2 nhánh virus này.

Kiểm soát chặt tại vùng biên giới

Ngày 7-3, Bộ NN-PTNT đã có công điện khẩn gửi chủ tịch UBND các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và các bộ, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm, yêu cầu tăng cường phòng chống dịch cúm gia cầm tại các tỉnh biên giới giáp với Campuchia. Công điện yêu cầu nghiêm cấm các hình thức vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới với Campuchia; nghiêm cấm di chuyển đàn gia cầm có nguồn gốc từ Campuchia sang lãnh thổ Việt Nam để nuôi, chăn thả và ngược lại...
V.Duẩn

Bộ Y tế Campuchia và Tổ chức Y tế Thế giới thông báo từ đầu năm đến nay, tại Campuchia có 9 trường hợp người nhiễm bệnh cúm A/H5N1, trong đó 8 trường hợp đã tử vong. Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo Campuchia đang đối mặt với một đợt dịch cúm gia cầm nguy hiểm nhất từ khi dịch xuất hiện vào năm 2003.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo