Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 với chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế - Thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII” đã khai mạc vào sáng 22-8 tại Hà Nội. Diễn ra đến ngày 26-8, hội nghị tập trung thảo luận cách thức triển khai công tác đối ngoại, sử dụng công cụ đối ngoại củng cố vị trí của Việt Nam trong chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.
Phải nhạy bén, không bị động
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh đất nước ta đã bước vào giai đoạn phát triển mới có ý nghĩa chiến lược, bản lề trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhiệm vụ của công tác đối ngoại vì thế cũng nặng nề hơn, là: giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước...
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng nhiệm vụ của ngành ngoại giao ngày càng trở nên phức tạp và nặng nề hơn do những diễn biến mới của tình hình khu vực và thế giới, trong đó có vấn đề tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển đảo... “Tình hình đó đòi hỏi chúng ta phải hết sức nhạy bén trong việc dự báo tình hình để không bất ngờ, bị động. Ngành ngoại giao cần chú trọng công tác nghiên cứu dự báo chiến lược, làm rõ nguồn gốc sâu xa của những diễn biến hiện nay đang diễn ra trên thế giới và khu vực có thể ảnh hưởng đến lợi ích của nước ta, kịp thời đề xuất phương án ứng xử cho trước mắt và lâu dài” - Tổng Bí thư đề nghị.
Tổng Bí thư còn nêu rõ trong thế giới liên kết, toàn cầu hóa hiện nay, đối ngoại quốc phòng, an ninh có vị trí rất quan trọng. Ngành ngoại giao cần phối hợp chặt chẽ với quốc phòng, an ninh, chủ động triển khai hoạt động trong lĩnh vực trọng yếu này. Theo Tổng Bí thư, giữ vững môi trường thuận lợi để phát triển và bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là mối quan hệ gắn bó hữu cơ, tác động trực tiếp lẫn nhau nên phải được thường xuyên xác định là ưu tiên cao, là điều kiện quan trọng hàng đầu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. “Đây cũng chính là tư tưởng của ông cha ta: “Giữ nước từ xa”, “Giữ nước từ khi nước chưa nguy” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tận dụng tốt các cơ hội
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết Việt Nam đã hoàn thành việc đàm phán, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Bên cạnh đó, Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong tất cả các liên kết kinh tế khu vực và liên khu vực như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các FTA giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu, Liên minh Kinh tế Á - Âu, Hàn Quốc. “Thời gian tới, việc các FTA thế hệ mới, quy mô lớn mà chúng ta ký kết đi vào hiệu lực sẽ mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, thu hút vốn FDI và ODA” - Phó Thủ tướng nói.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thẳng thắn chỉ ra không ít hạn chế trong công tác đối ngoại như: Tư duy hội nhập quốc tế chuyển biến chậm, chưa tận dụng hết lợi ích của các mối quan hệ để phát triển nhanh và bền vững... Để khắc phục những hạn chế này, thời gian tới, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ hỗ trợ các địa phương hội nhập kinh tế quốc tế nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa; “đón đầu”, tận dụng tối đa cơ hội mà các cam kết, thỏa thuận kinh tế đem lại.
Góp ý về cách thức sử dụng công cụ đối ngoại để nâng cao vị thế Việt Nam, nhất là trong chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh dẫn chứng Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nhưng lượng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ chỉ chiếm khoảng 1,5% đến 1,9% thị trường. “Nếu Việt Nam vượt qua được những thách thức ban đầu khi TPP có hiệu lực, tranh thủ được cơ hội, khả năng tiếp cận thị trường Mỹ sẽ cao hơn nhiều” - ông Vinh gợi ý.
Đại sứ Vinh cho rằng Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu những điều kiện, tiêu chuẩn hàng hóa và cố gắng đáp ứng; đồng thời tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương, tạo ra sự mở rộng, thông thoáng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Giữa các nhà làm đối ngoại, các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với nhau.
Phối hợp đối ngoại, kiểm soát bất đồng
Tổng Bí thư cho biết với những vấn đề phức tạp trên biển Đông, chúng ta luôn giương cao ngọn cờ hòa bình, hợp tác; giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trên tất cả các diễn đàn song phương và đa phương, khu vực và quốc tế. Song song đó, phối hợp chặt chẽ đối ngoại quốc phòng - an ninh với đối ngoại nhân dân nhằm kiểm soát bất đồng, đồng thời tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài cho mọi tranh chấp.
Bình luận (0)