Năm 2016 thể hiện sự quan tâm rất chặt chẽ của Chính phủ đối với hoạt động kinh tế trong nước qua hàng loạt chương trình hành động cụ thể và thiết thực.
Trước tiên là việc Chính phủ chọn 2016 làm “Năm quốc gia khởi nghiệp”. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Về chính sách, Chính phủ ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, trong đó xác định nhiệm vụ trọng tâm là “tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo”. Và ngay từ đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp gỡ DN với chủ đề “DN Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế đất nước”.
Ngoài ra, hàng loạt điều kiện kinh doanh không phù hợp cũng đã được rà soát, bãi bỏ, đồng thời ban hành những nghị định mới về điều kiện kinh doanh theo tinh thần Luật Đầu tư, Luật DN có hiệu lực từ ngày 1-7-2016. Đáng chú ý, từ ngày 1-10, website tiếp nhận tiếng nói của DN cũng đã được chính thức vận hành tại địa chỉ http://doanhnghiep.chinhphu.vn. Cùng với đó là hàng loạt yêu cầu của Chính phủ đối với UBND các tỉnh, thành và nhiều sửa đổi, bổ sung về mặt pháp lý nhằm hỗ trợ DN ở mức tốt nhất.
Tất cả đều thể hiện mục tiêu nhất quán của Đảng và nhà nước về hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện tối đa cho DN và người dân làm ăn; cụ thể hóa cam kết xây dựng một Chính phủ kiến tạo và liêm khiết, lấy DN làm đối tượng phục vụ nhằm tạo động lực khởi sự kinh doanh, đổi mới và sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Từ chỗ đổi mới tư duy và hành động đến hiệu quả thực tiễn là một bước dài song phải thừa nhận rằng Chính phủ đã làm tốt nhiệm vụ khai mở, giúp con đường cho DN bước vào thương trường ngày càng trở nên thông thoáng, bằng phẳng hơn. Còn rất nhiều điều phải làm trong việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, rất nhiều thách thức phải đối mặt khi nền kinh tế hội nhập quốc tế sâu hơn và rộng hơn. Để thực thi những nhiệm vụ cam go ấy đòi hỏi không chỉ là nỗ lực của Chính phủ mà phụ thuộc rất nhiều vào thái độ và trình độ của đội ngũ doanh nhân, DN nước nhà.
Chúng ta đặt kỳ vọng đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 1 triệu DN. Nhiều cũng tốt nhưng đông chưa hẳn mạnh. Điều Việt Nam đang khao khát mãnh liệt là có thêm nhiều thương hiệu mang tầm quốc tế. Muốn như vậy thì không thể làm vội vã mà phải bắt đầu từ những yếu tố cốt lõi. Từ những năm đầu thế kỷ XX, nhà cải cách Lương Văn Can đã chỉ ra 10 điểm yếu của người Việt khi kinh doanh, gồm: Không có thương phẩm; không có thương hội; không có thương học; không có tín thực; không có kiên tâm; không có nghị lực; không biết trọng nghề; không biết tiết kiệm; kém đường giao thiệp; khinh nội hóa. Cho đến bây giờ, khá nhiều khiếm khuyết trong 10 điểm yếu kể trên vẫn tồn tại. Nếu khắc phục được tất cả, tự thân DN sẽ mạnh lên...
Bình luận (0)