3 giờ sáng, các hòa thượng đã cung kính rước ngọc xá lợi Phật từ chùa Giác Quang ra sân bay Tân Sơn Nhất để lên chiếc chuyên cơ Boeing 777 bay chuyến sớm nhất ra Hà Nội. Đoàn xe hoa hàng chục chiếc chầm chậm rời sân bay Nội Bài hướng về trung tâm TP trong sự thành tâm cung kính của các phật tử chờ đón bên đường.
Ngọc xá lợi được tôn trí trong các bình bát bằng đồng mạ vàng cao 4 cm. Bình bát này đặt bên trong bảo tháp nhỏ bằng đồng cao 15 cm, bảo tháp nhỏ này lại được đặt trong bảo tháp đồng cao 40 cm. 16 viên ngọc xá lợi Phật gồm 6 viên ngọc xá lợi của Phật Thích Ca Mâu Ni và 3 trong số 75 đại đệ tử của Đức Phật là các thánh tăng Upatissa Sariputta (Xá Lợi Phất) - đệ nhất trí tuệ trong hàng Thinh văn giác; Maha Moggallana (Đại Mục Kiền Liên) - đệ nhất thần thông, đứng hàng thứ hai trong Thánh chúng; Sivali (Si Oa Li) - đệ nhất ứng cúng lợi dưỡng, bậc thánh Thinh văn đại đệ tử có tài lộc bậc nhất trong các hàng đệ tử của Đức Phật Gotama. Trong đó, hai thánh tăng Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên là hai đại đệ tử gần gũi nhất và cũng thường xuyên thay Đức Phật đi truyền bá chánh pháp.
|
Chỉ những bậc chân tu, đạo cao đức trọng, khi hóa mới sinh xá lợi. Xá lợi Phật là phần kim bảo thân còn lại của Đức Phật sau lễ trà tì (hỏa táng) tại Câu Thi Na (Kusinara, Ấn Độ) cách nay hơn 2.500 năm. Có tất cả 84.000 viên ngọc xá lợi Phật, viên lớn nhất bằng hạt gạo, nhỏ nhất bằng hạt mè (vừng). Xá lợi của Đức Phật được chia làm 8 phần cho đại diện 8 nước đem về thờ tại 8 bảo tháp tại kinh đô của 8 nước.
Chuyến bay chậm hơn 1 giờ, cùng với việc đoàn rước di chuyển chậm, nên đến 11 giờ 30 phút lễ cung nghinh ngọc xá lợi Phật mới chính thức bắt đầu tại chùa Quán Sứ, trễ hơn 2 giờ rưỡi so với dự kiến. Nhưng đây lại là điềm may cho hàng vạn phật tử từ khắp các địa phương ở miền Bắc kịp về cung nghinh. Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Tổng Thư ký Trung ương Giáo hội Phật giáo VN, cho biết: “Đây là cuộc cung nghinh ngọc xá lợi Phật lớn nhất từ trước tới nay ở VN.
Cuộc cung nghinh này là cơ hội để tăng ni, phật tử chiêm bái, bởi người phước đức, kỳ duyên mới gặp được xá lợi Phật”. Bất chấp cái nóng oi bức, tiếng tụng kinh vang lên rộn rã khi các phật tử hoan hỉ cung nghinh ngọc xá lợi Phật. Trước sự chứng kiến của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, nghi lễ khai mở bảo tháp đã được tiến hành cùng việc trao vi bằng tiếp nhận đến hòa thượng Thích Thanh Tứ.
|
13 giờ, đoàn xe hoa tiếp tục hướng tới Trung tâm Phật giáo Bái Đính. Dù quãng đường chỉ dài khoảng 100 km nhưng tới 18 giờ 30 phút hôm qua, ngọc xá lợi mới đến được tam bảo chùa Bái Đính. Hàng vạn phật tử Ninh Bình và các địa phương xung quanh đã trật tự xếp hàng dài gần 2 km từ cổng chùa lên đại điện chờ đợi cung nghinh từ 14 giờ.
Sinh thời, hoàng đế Asoka (vua A Dục) đã cử các đoàn truyền giáo đi sang phương Đông bằng đường biển, một trong các đoàn đó đã ghé vào đất Văn Lang và xây dựng thành Nê Lê làm nơi trú chân. Dấu vết tòa thành không còn, các nhà nghiên cứu còn đang tranh cãi thành Nê Lê (Đất Đen) nằm ở Đồ Sơn hay ở Tây Thiên (Tam Đảo) nơi có chùa Địa Ngục.
Nhưng sự kiện tôn trí thờ ngọc xá lợi Phật tại hai trung tâm Phật giáo lớn của đất cổ Văn Lang có ý nghĩa quan trọng nhằm xiển dương Phật pháp sâu rộng trong đời sống tu học của tăng ni, phật tử cả nước. Đại lễ cũng là sự kiện tôn vinh giá trị văn hóa và sự trong sáng của giáo lý đạo Phật trong cuộc sống nhân gian.
Chương trình chiêm bái ngọc xá lợi Phật diễn ra tại chùa Bái Đính đến hết ngày 14-6 là dịp để tăng ni, phật tử được chiêm bái bảo vật và bày tỏ tấm lòng thành kính của mình dâng lên Phật, nguyện cầu sự nhiệm mầu giải thoát khỏi những đau khổ, trầm luân.
Bình luận (0)