1. Nhà điêu khắc Nguyễn Hải năm nay đã 70 tuổi. Ông là một trong những nhà điêu khắc tài danh và là sự lựa chọn số một của Bộ Văn hóa Thông tin trong quá trình tìm kiếm một nhà điêu khắc giàu kinh nghiệm cho tượng đài chiến thắng lịch sử, công trình quan trọng số một kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ vào tháng 5 này. Mất khá nhiều thời gian cho nghiên cứu và suy tưởng, cuối cùng thì bản phác thảo tượng đài chiến thắng cũng được nhà điêu khắc Nguyễn Hải hoàn thành với những kỷ lục có thể đưa vào sách Guinness Việt
2. Hàng ngàn bức tượng là con số đầy thách thức trong bảng thành tích của quản đốc phân xưởng đúc đồng thuộc Công ty Mỹ thuật Trung ương (thuộc Bộ VHTT) Nguyễn Trọng Hạnh trong những năm qua (chỉ riêng tượng Bác Hồ anh đã sáng tác tới 2.000 pho). Nhưng tượng đài chiến thắng Điện Biên là tượng đài có trọng lượng lớn nhất, kích thước lớn nhất mà anh cùng các đồng nghiệp trong phân xưởng đúc đồng cũng như tại Công ty TNHH Đoàn Kết, Ý Yên tham gia. Anh Hạnh cho biết, việc thi công tượng đài đã rậm rịch chuẩn bị từ tháng 3-2003 nhưng tới tận tháng 10 mới bắt tay vào làm chính thức. Bởi theo thiết kế của nhà điêu khắc Nguyễn Hải, lá cờ đỏ sao vàng như tung bay trong gió (dợn sóng), nhưng nếu thể hiện đúng theo hình mẫu này thì lá cờ sẽ dài tới 10 mét, rộng 4 mét, nặng 30-35 tấn, trong khi đồi D1 thường xuyên có động đất cũng như gió lốc nên phải tính toán thật kỹ cường độ chịu lực của lá cờ cũng như vị trí địa lý của ngọn đồi trước khi thi công. Đó là chưa kể đến việc đo đạc, nghiên cứu chia bức tượng làm 12 thớt (gồm phần lá cờ, phần đùi, phần thân, phần nắp hầm và phần chân) sao cho thật khớp, thật chính xác... Thi công tượng đài cũng là một quá trình lắm buồn nhiều vui, mà đôi khi, như tâm sự của ông Nguyễn Trọng Khiết, Giám đốc Công ty Đúc đồng Đoàn Kết, Ý Yên: “Tưởng không thể hoàn thành đúng theo kế hoạch. Thời gian thì quá ít, mà thời tiết thì khắc nghiệt, đợt rét cuối năm đã làm công việc đúc các thớt tượng lớn trở nên khó khăn vô cùng. Chỉ riêng việc bổ củi đốt lò, xếp khuôn, sấy khuôn cũng đã cần tới vài chục người... trong khi mọi thứ đều có giới hạn”... Hàng ngày, 60 công nhân đúc bậc cao đã phải làm việc quên ngày đêm để bảo đảm việc đúc tượng diễn ra đúng kế hoạch.
3. Cuối cùng thì sau 153 ngày đêm thi công, ngày 19-2, tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ cơ bản đã hoàn thành với 12 khối (khối nặng nhất 40 tấn, khối nhẹ nhất 9 tấn), cao 12,6 mét, dài 10 mét, rộng 8 mét, sử dụng tổng cộng 220 tấn đồng nguyên liệu. 17 giờ chiều 22-2, thớt tượng nặng nhất (40 tấn) đã được vận chuyển đến bãi tập kết tại xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, chuẩn bị cho hành trình dài gần 10 ngày “trở về” Điện Biên Phủ. Việc vận chuyển tượng đài bằng cả đường bộ và đường sông chỉ được quyết định muộn mằn vào ngày 18-2, sau khi đoàn công tác của Bộ GTVT khảo sát thực tế tỉ mỉ và nhận được sự ủng hộ của UBND lâm thời tỉnh Điện Biên. Trước đó, Công ty Mỹ thuật Trung ương (đơn vị thi công đúc, vận chuyển và lắp đặt tượng) đã trình ra phương án mạo hiểm là vận chuyển bằng đường bộ trong ba ngày ba đêm, không cần gia cố cầu đường với kinh phí 500 triệu đồng. Phương án này đã bị Bộ GTVT bác bỏ vì không bảo đảm an toàn, có thể xảy ra những sự cố không đáng có.
4. Đúng 7 giờ 25 phút sáng 23-2, đoàn xe vận chuyển tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ (18 chiếc) đã khởi hành từ làng nghề Đằng Xá, xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, bắt đầu hành trình lên Điện Biên Phủ. Được giao nhiệm vụ đặc biệt vận chuyển tượng đài là đoàn xe của Công ty Dịch vụ vận tải 2 (Viettrantimex, Bộ GTVT). Trong số 12 chiếc xe trực tiếp vận chuyển, có tới 4 xe đặc chủng cometto, dùng trục xoay của Ý có thể hoạt động trên mọi địa hình với những tính năng rất ưu việt. Mới xuất phát, đoàn xe di chuyển với tốc độ 15 km/giờ, nhưng sau đó giảm xuống chỉ còn 7 km/giờ khu vực gần Hà Nội. Tốc độ này bảo đảm cho các thớt tượng không bị xô lệch, nếu không, khi tới Điện Biên sẽ phải mất rất nhiều thời gian sắp xếp lại. Sáng 25-2, trước khi rời cảng Ba Cấp, Hòa Bình, anh Nguyễn Trọng Hạnh vẫn còn lo lắng kiểm tra tình hình các thớt tượng và chỉ trút được gánh nặng khi vui vẻ trả lời phóng viên đi theo đoàn, bằng đúng giọng của dân kỹ thuật: Tượng vẫn tốt như nguyên trạng ở xưởng, nói chung là không có xê dịch gì cả.
5. Lái những chiếc xe siêu trường, siêu trọng, nhất là đi trên những địa hình phức tạp là công việc
Hành trình: - Ngày 23-2, tượng đài được vận chuyển bằng đường bộ từ huyện Ý Yên, Nam Định đến cảng Ba Cấp của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. - Ngày 25-2, tại cảng Ba Cấp, Hòa Bình, tượng được bốc xuống 7 xà lan và sẽ được ca nô kéo ngược lên phía Sơn La. - Ngày 27-2, tượng được bốc lên ô tô tại cảng Tà Hộc, Lai Châu. - Dự kiến, nếu “xuôi chèo mát mái”, ngày 1-3, đoàn xe chở tượng sẽ có mặt tại Điện Biên Phủ.
chỉ dành cho những tài xế nhiều kinh nghiệm. Vì thế mà những lái xe của đoàn xe 12 đều là những “quái xế”, ví như anh Đặng Trần Quân. Anh Quân đã có 10 năm kinh nghiệm trong nghề, theo anh, lùi xe xuống phà là kỹ thuật khó nhất khi lái xe siêu trường, siêu trọng, bởi chỉ sai một ly cũng có thể xảy ra tai nạn cho đồng nghiệp cũng như cho kiện hàng. Chính vì thế mà các anh cũng như lực lượng phòng hộ, bảo vệ (đoàn xe còn có một chiếc dành riêng để chuyên chở công nhân, sẵn sàng xuống đi bộ hỗ trợ vận chuyển tượng nếu gặp những đoạn đường khó) luôn sẵn sàng có những phản ứng nhanh đối với các tình huống phát sinh. Ví như tháo dỡ dải phân cách để có chiều rộng và tĩnh không bảo đảm ở trạm thu phí Láng - Hòa Lạc trên chặng đường đi tới cảng Ba Cấp, Hòa Bình. Hoặc nhanh chóng lắp đặt chiếc cầu quân sự 20 tấn để có thể đưa xe tải xuống xà lan vượt sông Đà khi con đường đắp đất để xe qua của địa phương không bảo đảm. Nói chung, mọi khó khăn đều được tháo gỡ một cách nhanh chóng...
6. Sau gần 2 ngày “du lịch” 250 km trên sông Đà, chiều 27-2, đoàn vận chuyển đã tới bến Tà Hộc, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Nghỉ ngơi và lấy lại sức trong một ngày rưỡi, các lái xe và kỹ thuật viên của đơn vị vận chuyển sẽ tiếp tục hành trình. Chặng đường trước mắt của họ là phải vượt qua 6 ngọn đèo, trong đó có đèo Pha-đin dài tới 32 km.
Bình luận (0)