Liên quan đến vụ tàu Dìn Ký bị nạn đã hết hạn đăng kiểm từ cuối tháng 1-2011, ông Phạm Ninh, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm 6 (Cục Đăng kiểm Việt Nam), cho biết chủ phương tiện phải có trách nhiệm đăng kiểm lại hoặc cho tàu dừng chạy, trong trường hợp vẫn cho tàu chạy thì sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt.
Mất bò mới lo làm chuồng
Ngày 24-5, phóng viên đặt câu hỏi: Có ý kiến cho rằng tàu Dìn Ký bị nạn cao 6 m nhưng chỉ rộng khoảng 4,3 m nên không bảo đảm an toàn; khi đăng kiểm, cơ quan đăng kiểm sao không chú ý vấn đề này?
Ông Ninh cho rằng khi xem xét thiết kế, cơ quan đăng kiểm đã tính đến sự liên quan giữa chiều cao, chiều dài và chiều rộng tàu. Tàu cao thì diện tích hứng gió lớn nên phải dằn nhiều dưới thân tàu để tàu ổn định (tàu Dìn Ký dằn 12 tấn đá). Theo ông Ninh, độ an toàn của tàu phải bao gồm kết cấu, độ bền và sự ổn định của phương tiện.
Xác nhận về việc từ trước đến nay loại hình tàu du lịch chưa hề xảy ra tai nạn cho đến khi xảy ra vụ việc của tàu Dìn Ký, ông Ninh nói: Hiện tại, các tàu nhà hàng đang hoạt động trên sông Sài Gòn có giới hạn chịu đựng sức gió cấp 7.
Vào thời điểm bị nạn, tàu Dìn Ký hứng chịu sức gió cấp 7 và lốc giật cấp 9. Trước những biến đổi thời tiết khó lường như hiện nay, nhất là sau tai nạn của tàu Dìn Ký, Chi cục Đăng kiểm 6 sẽ xem xét đề nghị nâng hệ số an toàn của tàu du lịch lên.
Quy định chắp vá, dễ dãi
Cũng theo ông Phạm Ninh, hiện nay chưa có quy định về đăng kiểm dành cho tàu du lịch nên vẫn phải đăng kiểm cho loại hình này theo tiêu chuẩn của tàu khách.
“Về yếu tố kỹ thuật thì tàu khách và tàu du lịch không khác nhau nhưng đứng ở góc độ quản lý và khai thác thì khác nhau nhiều, chỉ nói riêng về đội ngũ nhân viên phục vụ trên tàu thì nhân viên của tàu khách chuyên nghiệp hơn do có yêu cầu đầu vào, còn tàu du lịch thì hầu như không” - ông Ninh phân tích.
Qua đợt kiểm tra của Cảng vụ Hàng hải TPHCM mới đây ở các nhà hàng du thuyền đang hoạt động trên sông Sài Gòn, hầu hết các tàu du lịch đều bảo đảm điều kiện cứu sinh, cứu hỏa.
Tuy nhiên, áo phao chưa được bố trí thuận tiện ở nơi dễ lấy, dễ thấy và thường được để tập trung một chỗ. Thực tế một số áo phao được “giấu kỹ” trong kho và còn được bọc trong một lớp ni lông.
Từ vụ chìm tàu Dìn Ký làm 16 người chết, cơ quan chức năng dự định
nâng hệ số an toàn của tàu du lịch. Ảnh: THU HỒNG
Như vậy, trong trường hợp xảy ra sự cố, hành khách với tâm lý hoảng loạn khó có thể tiếp cận phương tiện cứu sinh một cách nhanh chóng.
Vả lại, trên tàu cũng không bố trí sơ đồ hướng dẫn về trang thiết bị cứu sinh, cứu hỏa lẫn sơ đồ hướng dẫn thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp. Khách đi tàu chỉ ngồi ăn, trò chuyện, hóng mát mà không được thông báo cách thức để thoát hiểm trong trường hợp có sự cố.
Trao đổi với ông An Sơn Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Thuyền buồm Đông Dương, về việc công ty ông có huấn luyện lực lượng ứng cứu cho tàu khi sự cố xảy ra hay không, ông Lâm cho biết trong trường hợp có sự cố, nhân viên sẽ yêu cầu du khách bình tĩnh, giữ nguyên vị trí và đợi lệnh xử lý của thuyền trưởng.
Ngoài ra, không có lực lượng ứng cứu từ bên ngoài. Theo tìm hiểu của chúng tôi, các hãng tàu đều thiếu lực lượng ứng cứu từ bên ngoài, không riêng gì Công ty TNHH Thuyền buồm Đông Dương.
“TP không nên cấp phép tràn lan cho loại hình du lịch này mà nên đưa vào khai thác có điều kiện. Chẳng hạn: Chủ đầu tư phải am hiểu về sông nước; có những quy chuẩn cụ thể về hoạt động dành cho tàu du lịch; phương tiện phải thật sự đạt chuẩn. Trong khi hiện nay, cá nhân khi muốn thành lập doanh nghiệp kinh doanh loại hình du lịch đường sông không cần yêu cầu gì” - ông Lâm nói.
Triệu tập tổng quản lý Khu Du lịch xanh Dìn Ký
Tàu Dìn Ký chìm trở lại
Ngày 24-5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã triệu tập ông Đinh Văn Quân, Tổng quản lý Khu Du lịch xanh Dìn Ký, để phục vụ điều tra vụ chìm tàu Dìn Ký tối 20-5 làm 16 người thiệt mạng. Cơ quan CSĐT cũng ra quyết định gia hạn tạm giữ hình sự lần 2 đối với quản lý thuyền Lao Văn Quang và tài công Lê Văn Đức.
Khoảng 9 giờ 30 phút cùng ngày, trong lúc chờ cơ quan chức năng đến khám nghiệm con tàu vừa được trục vớt, bất ngờ tàu Dìn Ký chìm trở lại vì nước tràn vô khoang quá nhanh. Chỉ trong chớp mắt, con tàu đã chìm nửa thân dưới, nghiêng hẳn về một bên. Lực lượng cứu hộ gồm 10 thợ lặn nhanh chóng tìm mọi biện pháp bơm nước, trám lỗ thủng để giữ con tàu nổi.
Trước đó, 8 giờ 30 phút, Công an tỉnh Bình Dương, CSGT đường thủy và Thanh tra Giao thông thuộc tỉnh Bình Dương đã đến đo vẽ, ghi nhận hiện trường bên ngoài và trong thân tàu.
Đến 11 giờ, nhiều nhân viên của Dìn Ký đã thu dọn bàn ghế, các vật dụng có giá trị bên trong tàu, riêng những vật dụng không giá trị được quăng thẳng xuống sông. Việc thu dọn đồ đạc không có sự chứng kiến của các cơ quan chức năng.
Chiều 24-5, UBND tỉnh Bình Dương ra chỉ thị yêu cầu thị xã Thuận An phối hợp Cảng vụ Khu vực III và các ngành liên quan yêu cầu doanh nghiệp tư nhân Dìn Ký tháo dỡ toàn bộ nhà hàng nổi trên sông Sài Gòn.
UBND tỉnh giao Công an tỉnh phối hợp với các cơ quan tố tụng củng cố hồ sơ, điều tra, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ tai nạn chìm tàu du lịch Dìn Ký trên địa bàn xã Bình Nhâm, thị xã Thuận An.
T.Hồng - N.Phú |
Kỳ tới: Ẩn họa rình rập du khách
Bình luận (0)