Theo thông tin Báo Người Lao Động thu thập được, khu vực 3 du khách Anh tử nạn từng xảy ra nhiều cuộc tranh giành quyền khai thác du lịch mạo hiểm, trong khi các công ty không bảo đảm sự an toàn cho du khách.
Cấp phép quá dễ
Bà Trần Thị Hồng Nhạn, Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Lâm Đồng (Dalattourist), cho biết hiện tỉnh Lâm Đồng có 8 công ty được cấp phép kinh doanh du lịch mạo hiểm. Đối tượng tham gia tour du lịch này chủ yếu là khách nước ngoài đến từ các nước châu Âu, châu Mỹ.
Tuy nhiên, trong thời gian dài, vì cạnh tranh không lành mạnh, các đơn vị kinh doanh du lịch mạo hiểm ở Lâm Đồng đã nhận tour với giá rất rẻ. “Điều này không thể bảo đảm các điều kiện để hình thành những tour có chất lượng cao, ảnh hưởng không tốt tới hình ảnh du lịch của Đà Lạt” - bà Nhạn nhìn nhận.
Cùng đánh giá trên, bà Nguyễn Thị Nguyên, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Lâm Đồng, dẫn chứng: Có những cơ sở lưu trú tại Đà Lạt chỉ thu của khách nước ngoài 1-2 USD/ngày mỗi phòng chứa trên chục người. “Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến điều kiện vệ sinh, chất lượng phục vụ, an toàn cháy nổ…” - bà Nguyên lo ngại.
Giám đốc một công ty kinh doanh du lịch ở Đà Lạt xác nhận nhiều cơ sở lưu trú đã thu tiền từ đi tour và bán bia (khách nước ngoài thích uống) để bù vào tiền trọ.
Theo ông Phan Tất Trí, Phó trưởng Công an TP Đà Lạt, hoạt động du lịch mạo hiểm tại TP này đang tồn tại rất nhiều bất cập. Hầu như cứ ai xin thành lập công ty là nghiễm nhiên được cấp phép.
“Chúng tôi được biết có những công ty thiếu vốn điều lệ, thiếu nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, công cụ hỗ trợ… nhưng không hiểu sao vẫn được cấp phép hoạt động. Việc thành lập công ty quá dễ đã gây ra nhiều hệ lụy, mà vụ tai nạn làm 3 du khách Anh thiệt mạng là bài học đắt giá” - ông Trí băn khoăn.
Một người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực du lịch mạo hiểm tiết lộ nhiều công ty còn tuyển cả sinh viên chưa ra trường làm hướng dẫn viên cho những tour đưa khách đi liên tỉnh. Thay vì phải trả cho hướng dẫn viên chuyên nghiệp khoảng 300.000 đồng/ngày thì khi thuê sinh viên, họ chỉ phải trả 100.000-150.000 đồng.
Tranh giành “Tử thần”
Trước tháng 6-2015, thác “Tử thần” (phường 3, TP Đà Lạt - nơi 3 du khách Anh tử nạn) gần như không có đơn vị chủ quản dù trên thực tế, khu vực này thuộc quyền quản lý của Dalattourist. Các công ty du lịch mạo hiểm được cấp phép hoạt động tại Lâm Đồng đã tự do đưa khách đến du lịch mạo hiểm, trong đó có trượt nước, đu dây vượt thác, đi bộ xuyên rừng...
Cuộc tranh giành quyền khai thác thác nước này bắt đầu từ tháng 6-2015 khi Dalattourist ra văn bản yêu cầu các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực du lịch mạo hiểm hợp tác. Tuy nhiên, một số công ty cho rằng Dalattourist gây bất lợi cho họ nên đã gửi văn bản kiến nghị đến Sở VH-TT-DL và UBND tỉnh Lâm Đồng. Văn bản nêu rõ: “Khi các công ty tiếp tục khai thác thì phía Dalattourist dùng bảo vệ đuổi về, thậm chí xô xát với khách hàng. Điều này làm ảnh hưởng đến uy tín và gây hình ảnh xấu trong mắt du khách quốc tế”.
Từ tháng 7 đến tháng 9-2015, Sở VH-TT-DL tỉnh Lâm Đồng đã phải tổ chức rất nhiều cuộc họp giữa Dalattourist với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh du lịch mạo hiểm nhưng không có kết quả. “Họ chỉ đưa ra phương án duy nhất là các công ty nhận khách rồi giao lại cho Dalattourits và “ăn” phần trăm. Như thế là không được” - giám đốc một công ty du lịch mạo hiểm bày tỏ. Kể từ đó, du lịch mạo hiểm “chui” xuất hiện ở vùng thác “Tử thần” thuộc Khu Du lịch Datanla.
Chỉ đến đầu năm nay, sau nhiều lần họp bàn, một số công ty du lịch mạo hiểm mới bắt đầu ký kết hợp tác với Dalattourist, trong đó có Công ty TNHH Đam Mê Đà Lạt (doanh nghiệp đã bán tour cho 3 du khách người Anh tử nạn vừa qua). Mặc dù vậy, thời gian qua, để không phải mất tiền mua vé vào khu vực thác “Tử thần”, một số công ty du lịch mạo hiểm vẫn tổ chức tour đưa du khách đu dây vượt thác “chui” rất nguy hiểm.
Nhiều cái chết thương tâm
Đoạn nguy hiểm nhất của thác Datanla được người dân địa phương gọi là thác “Tử thần” vì nơi đây đã xảy ra nhiều cái chết thương tâm. Thác này nằm cách Quốc lộ 20, đoạn qua đèo Prenn khoảng 300 m và thấp hơn mặt đường khoảng 150 m. Quanh thác là vách núi gần như thẳng đứng. Hiện nay, chỉ có 2 lối xuống khu vực thác, một từ cổng vào Khu Du lịch Datanla và một cách cổng Datanla 1,5 km (đây là lối các tour hay đi “chui”).
Nước ở khu vực này chảy qua nhiều tảng đá gập ghềnh tạo ra những vực sâu cả chục mét. Nếu không thông thạo địa hình, người trượt thác rất dễ bị cuốn vào các hố sâu, nước chảy xiết, dẫn đến mất mạng.
Cũng tại khu vực này, vào ngày 25-3-2010, một nhóm 8 sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt trong lúc đến tổ chức vui chơi dã ngoại đã gặp nạn khiến 2 người thiệt mạng do trượt chân rơi xuống thác sâu. Nạn nhân là 2 sinh viên Thiều Quang Thọ và Nguyễn Đình Thuận.
Bình luận (0)