Chiều 24-2, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Lâm Đồng họp khẩn với 49 đơn vị du lịch lữ hành trên địa bàn nhằm chấn chỉnh việc quản lý, khai thác du lịch mạo hiểm.
Không vì lợi nhuận mà bất chấp
Tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Nguyên, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Lâm Đồng, thẳng thắn nhìn nhận việc một du khách nước ngoài và một hướng dẫn viên (HDV) tử vong tại khu du lịch thác Hang Cọp vừa qua là việc đặc biệt nghiêm trọng, là lỗ hổng rất lớn trong giám sát hoạt động du lịch mạo hiểm của cơ quan chức năng và sự lơ là không tuân thủ các quy định an toàn trong hoạt động kinh doanh trái phép của Công ty TNHH Giấc Mơ Vàng.
Hiện trường vụ tai nạn làm 2 người chết ở thác Hang Cọp
Bà Nguyên cho rằng các đơn vị du lịch phải nhận thức rõ không vì lợi nhuận mà bất chấp hoạt động kinh doanh trái pháp luật để xảy ra sai phạm nghiêm trọng; yêu cầu các công ty lữ hành kiểm soát hoạt động kinh doanh theo đúng quy định. Doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa không được tổ chức hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế và phải có chương trình du lịch, hợp đồng bằng văn bản với khách du lịch... Đặc biệt, không sử dụng người nước ngoài làm HDV du lịch tại Việt Nam.
Theo bà Nguyên, hiện trong tổng số 49 đơn vị hoạt động du lịch lữ hành thì mới 7 đơn vị nộp đầy đủ báo cáo kiểm định trang thiết bị an toàn và chỉ có 47 người đăng ký tham gia khóa tập huấn du lịch mạo hiểm. Trong khi đó, có đơn vị lén lút đưa tour hoạt động trái phép không đúng cam kết và ngoài phạm vi được phép hoạt động nên dẫn đến sai phạm nghiêm trọng như trên.
Mạnh tay với sai phạm
“Nếu công ty nào không ký cam kết thực hiện đúng các quy định về tổ chức kinh doanh lữ hành quốc tế và nội địa, Sở VH-TT-DL tỉnh Lâm Đồng sẽ rút giấy phép hoạt động lĩnh vực du lịch” - bà Nguyên nhấn mạnh.
Ông Bùi Thanh Xuân, Phó Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Lâm Đồng, nói: “Lực lượng công an có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát độc lập các doanh nghiệp hoạt động du lịch lữ hành, sau đó tham mưu cho UBND tỉnh nhằm xử lý nghiêm sai phạm, tránh ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh và an ninh, an toàn cho du khách. Các công ty du lịch lữ hành phải cam kết và chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động của mình. Việc để xảy ra sai phạm dẫn đến chết người vừa qua là đặc biệt nghiêm trọng, cơ quan công an đang điều tra, sớm xử lý đúng pháp luật”.
Ông Phan Tuấn Anh, Chánh Thanh tra Sở VH-TT-DL tỉnh Lâm Đồng, nhấn mạnh trước mắt xử phạt hành chính Công ty TNHH Giấc Mơ Vàng 100 triệu đồng (trong đó, riêng 2 HDV mỗi người 15 triệu đồng), đồng thời tước giấy phép hoạt động kinh doanh của công ty này. Ngoài ra, sẽ cử người vào khu du lịch thác Hang Cọp để cắt sợi dây còn treo trên thác, nếu đơn vị nào tái phạm sẽ xử phạt nghiêm.
Cùng ngày, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT-DL) Ngô Hoài Chung ký công văn hỏa tốc gửi UBND tỉnh Lâm Đồng về việc xử lý vụ tai nạn tại thác Hang Cọp.
Theo đó, đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo Sở VH-TT-DL phối hợp cơ quan chức năng xác minh, làm rõ vụ việc; rà soát quy trình, thủ tục, điều kiện tổ chức tour du lịch nêu trên của Công ty TNHH Giấc Mơ Vàng; điều kiện tổ chức kinh doanh du lịch mạo hiểm của đơn vị quản lý, khai thác vận hành khu du lịch thác Hang Cọp, nơi xảy ra tai nạn; có báo cáo gửi Tổng cục Du lịch trước ngày 26-2 để tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL.
Tổng cục Du lịch cũng đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo lực lượng công an khẩn trương xác minh, điều tra vụ việc, sớm có kết luận chính thức đối với việc vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong vụ việc.
Chết do lặn biển
Mới đây, ông Tsao Jen Yi (SN 1965, quốc tịch Trung Quốc) cùng một số du khách lên tàu du lịch N.P (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) tham gia lặn biển và có biểu hiện mệt mỏi khi quay về tàu, sau đó tử vong trên đường cấp cứu. Trước đó, ông Daniil Repjev (người Nga) khi đi tour lặn biển cũng tử vong vì đuối nước.
Ông Võ Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa, cho biết TP Nha Trang có khoảng 20 đơn vị được phép kinh doanh các dịch vụ hoạt động lặn biển và thể thao giải trí trên biển. Qua kiểm tra, về cơ bản đáp ứng các tiêu chí như máy móc, hướng dẫn viên nhưng về trạm y tế, các thiết bị đo đạc sức khỏe du khách thì rất khó thực hiện.K.Nam
Du lịch “chui” khá rầm rộ
Chiều 24-2, ông Hồ An Phong, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, cho biết sở này chưa phát hiện địa điểm du lịch nào hoạt động “chui” trên địa bàn và đến nay, công tác bảo đảm an toàn cho du khách luôn được chú trọng.
Trong khi đó, gần đây, tình trạng du lịch “chui” diễn ra khá rầm rộ tại tỉnh Bình Định, tập trung chủ yếu ở các tour du lịch biển. Tại một số xã biển của TP Quy Nhơn, nhiều ngư dân tận dụng tàu, ghe đánh bắt hải sản để vận chuyển khách đến các điểm du lịch. Trong quá trình đưa khách đến các điểm tham quan, họ kiêm luôn vai trò HDV du lịch dù không biết gì về nghiệp vụ này. Ông Nguyễn Phạm Kiên Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Định, cho biết tại địa phương tồn tại 2 nhóm chuyên hoạt động du lịch bất hợp pháp. Một nhóm là ngư dân địa phương có tàu, ghe tự thỏa thuận rồi đưa khách đi tour bằng phương tiện cũ kỹ, thô sơ. Nhóm thứ 2 là một số bạn trẻ, HDV du lịch hoạt động tự do, quảng bá sản phẩm du lịch trên mạng xã hội rồi tự đưa khách đi du lịch không thông qua tổ chức, đơn vị du lịch chuyên nghiệp. Hoạt động du lịch “chui” không chỉ gây khó khăn cho các đơn vị kinh doanh du lịch hợp pháp mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn đối với khách hàng. Các hoạt động du lịch phi pháp này cần được xử lý rốt ráo để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng.
“Chúng tôi đang phối hợp cơ quan chức năng và chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý những bất cập này để nâng cao tính chuyên nghiệp cho hoạt động du lịch ở địa phương” - ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định, cho biết. M.Tuấn – A.Tú
Bình luận (0)