Tại Hà Nội, nhiệt độ đo được đang vượt kỷ lục nhiều chục năm qua. Cụ thể, ngày 2-6, trạm Hà Đông ghi nhận 41,5 độ C vào lúc 13 giờ. Chiều 3-6, nhiệt độ đã nâng lên ở mức kỷ lục mới là 42 độ C. Từ năm 1971 đến nay, mức nhiệt cao nhất từng quan trắc được tại Hà Nội là 40,4 độ C.
Trong ngày 3-6, không chỉ tại Hà Nội, nhiều nơi ở Bắc Bộ và Trung Bộ nhiệt độ quan trắc đều ở ngưỡng trên dưới 40 độ C, như Hòa Bình: 40,8 độ C, Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc): 41,4 độ C, Hữu Lũng (Lạng Sơn): 41 độ C...
Chiều 4-6, nắng nóng đặc biệt gay gắt tiếp tục xuất hiện trên diện rộng ở Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên với nhiệt độ lúc 13 giờ phổ biến 37-39 độ C, một số nơi trên 40 độ C như: Lào Cai 40,1 độ C, Hòa Bình 40,4 độ C, Việt Trì 40 độ C, Hữu Lũng (Lạng Sơn) 40,5 độ C, Hà Đông (Hà Nội) 41 độ C. Đây cũng là lần đầu tiên trong năm, trong 2 bản tin dự báo thời tiết nắng nóng ngày 4-6, ngành khí tượng phải dùng tới khái niệm "nắng nóng đặc biệt gay gắt".
Nắng nóng gay gắt khiến nhiều trẻ đổ bệnh. Trong ảnh: Một bệnh nhi đang được khám tại Bệnh viện Bạch MaiẢnh: Ngọc Dung
Theo ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, đợt nắng nóng này sở dĩ "bất thường" là do một vùng áp thấp nóng hình thành ngay trên Bắc Bộ, tạo nắng nóng gay gắt. Trong đó, Hà Đông là điểm nóng nhất.
Chị Trần Thị Huế (ngụ quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết vì nắng nóng, gia đình chị "cấm cung" trong phòng mở máy lạnh suốt 2 ngày qua. Theo anh Vũ Tuấn Anh (ngụ quận Cầu Giấy, Hà Nội), cả nhà anh phải ra nhà nghỉ gần đó tá túc qua đêm để tránh nóng.
Tại Bệnh viện (BV) Bạch Mai, BV Bệnh nhiệt đới trung ương, dù phòng bệnh có quạt song những gốc cây có bóng mát vẫn là chỗ nghỉ ngơi lý tưởng cho không ít bệnh nhân để tránh cái nắng hầm hập.
Tại Khoa Nhi BV Bạch Mai, số lượng bệnh nhi tới khám tăng vọt. Những ngày cuối tuần qua, mỗi ngày có khoảng 200 bệnh khi khám cấp cứu, phần lớn vì các bệnh lý về dị ứng, viêm đường hô hấp, nhiễm khuẩn tiêu hóa do virus và vi khuẩn.
PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa Nhi BV Bạch Mai, khuyến cáo nên hạn chế ra vào phòng có máy lạnh liên tục để tránh hiện tượng thay đổi nhiệt độ đột ngột. Khi đang ở ngoài nắng về, mồ hôi ra nhiều, tuyệt đối không vào ngay phòng có nhiệt độ quá lạnh. Nên lau khô mồ hôi, ngồi một lúc rồi mới vào phòng có máy lạnh. Nên để máy lạnh ở nhiệt độ từ 25 đến 28 độ C để cơ thể không phải choáng váng khi thay đổi môi trường đột ngột. Không để trẻ nằm trong phòng máy lạnh hơn 4 giờ liên tục.
Hạn chế ra ngoài
Bác sĩ Đồng Văn Thành, Phó Khoa Khám bệnh BV Bạch Mai, khuyến cáo người dân nên hạn chế làm việc, đi lại ngoài trời trong khoảng thời gian từ 11 giờ đến 16 giờ. "Khi lao động ngoài trời nắng cần phải đội mũ rộng vành; không để đầu, mặt, cổ gáy trực diện tiếp xúc lâu với ánh nắng. Tránh làm việc quá lâu ngoài trời nắng. Nên đeo khẩu trang và che chắn bằng quần áo (như váy chống nắng, áo khoác dài tay, găng tay, tất chân...) có độ dày, dễ thấm hút mồ hôi khi ra đường và uống nhiều nước" - bác sĩ Thành khuyên.
Bình luận (0)