Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II (Danang MRCC) đóng tại Đà Nẵng giữ nhiệm vụ cứu nạn cho cả một vùng biển rộng lớn từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận. Được mặc chiếc áo cứu nạn chuyên nghiệp cho cả vùng, nhưng theo ông Trần Văn Long, Giám đốc Danang MRCC, đơn vị thiếu hẳn tàu công suất lớn để ra khơi xa cứu nạn.
Lực lượng cứu nạn của Danang MRCC đưa ngư dân gặp nạn lên bờ
Do vậy, khi xảy ra sự cố, cách duy nhất là liên hệ, huy động tàu đánh cá ở khu vực tàu bị nạn đến ứng cứu trước. Trên thực tế, rất nhiều lần tàu cứu nạn của Danang MRCC hay tàu cứu nạn của các cơ quan chức năng bất lực tìm kiếm tàu cứu nạn và “nhường” công việc này cho tàu đánh cá của ngư dân. Mới đây nhất, tàu ĐNa 61406 của ông Trần Út (Đà Nẵng) có 10 thuyền viên, bị hỏng máy sau đó chìm trên vùng biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam). Suốt 50 giờ con tàu mất tích, Sư đoàn Không quân 372 phải điều 2 trực thăng, Lực lượng Hải quân Vùng 3 điều 1 tàu, lực lượng biên phòng điều 2 tàu và Danang MRCC cũng huy động tàu chuyên dụng ra khơi nhưng tìm không thấy. Trong khi đó, tàu cá ngư dân lại dễ dàng tìm và cứu sống được 10 ngư dân.
Gần 20 vụ chìm tàu Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ từ tháng 3 đến nay, trên vùng biển từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Nam đã xảy ra gần 20 vụ chìm tàu, khiến 4 người chết. Tai nạn gần đây nhất xảy ra vào ngày 9-11 tại khu vực Bãi Nam núi Sơn Trà trên vùng biển Đà Nẵng, 2 tàu đánh cá chạy vào bờ để tránh bão lũ đã bị chìm. Gần 10 ngư dân trên 2 tàu may mắn bám vào đá thoát chết. Vụ nghiêm trọng nhất xảy ra ngày 6-4 tại vùng biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam), do trời mù sương, tàu cá Phúc Hải 5 đã va và làm chìm tàu Bình Minh 28 khiến 3 thuyền viên của tàu này thiệt mạng, 2 người mất tích. |
Bình luận (0)