Ngày 27- 4, tin từ Thị đoàn thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) cho biết sáng cùng ngày, các nhóm đoàn viên, thanh niên tình nguyện đã phối hợp cùng HTX Hành tím Vĩnh Châu tiếp tục xuất kho 30 tấn hành củ cho một công ty ở Hà Nội.
Do năng lực thông quan
Trước đó khoảng 10 ngày, công ty này cũng tham gia “giải cứu” 28 tấn hành tím ở đây. Ngoài ra, hệ thống siêu thị Co.opmart cũng đã ký hợp đồng bao tiêu 100 tấn từ nay đến hết tháng 5. Cùng ngày, các cá nhân, đơn vị ở ĐBSCL và TP HCM cũng đặt mua khoảng 20 tấn, nâng tổng số sản lượng hành tím được “giải cứu” khoảng 500/50.000 tấn tồn đọng.
Trước đó, tình trạng ùn ứ cũng xảy ra với mặt hàng dưa hấu khiến nông dân nhiều nơi lao đao. Giải pháp “giải cứu” sau đó là kêu gọi “tình thương” của cộng đồng xã hội.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định về nguyên nhân dẫn đến tái diễn ùn tắc nông sản nói chung là do đặc thù năng lực thông quan của các tổ chức giao nhận không có điều kiện phát triển kịp với sự phát triển giao dịch thương mại 2 nước Việt Nam - Trung Quốc dù đã được quan tâm tạo điều kiện. Do vậy, thời gian giải quyết hàng hóa không thể nhanh chóng. Bên cạnh đó cũng có trách nhiệm của cơ quan nhà nước và địa phương, nông dân khi những khuyến nghị của các bộ, ngành với địa phương không được đôn đốc thực hiện, dẫn đến hàng hóa sản xuất ra vượt năng lực tiêu thụ.
Vừa đủng đỉnh vừa hấp tấp
Trong khi đó, tại buổi tọa đàm với chủ đề “Tiêu thụ nông sản: Liên kết từ sản xuất đến thị trường” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 27-4, lối ra cho hàng nông sản Việt vẫn mù mịt.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng chính sách nông nghiệp của chúng ta vừa đủng đỉnh vừa hấp tấp. “Quyết định 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng có từ năm 2002 mà sau hơn 12 năm chưa có gì thay đổi. Chúng ta có đủng đỉnh quá không” - ông Dũng đặt vấn đề.
“Đặc thù của nông dân thấy lợi nhuận trước mắt không đạt là chặt bỏ, chuyển đổi cây trồng, dẫn đến cung vượt cầu và chúng ta không định hướng được quy hoạch” - ông Nguyễn Trọng Thừa, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn), nhấn mạnh và nói liên kết 4 nhà như một dàn nhạc, trong đó nhà nước là nhạc trưởng. Tuy nhiên, hiện nay dàn nhạc chưa ăn khớp và gần như chúng ta đang phải chơi nhạc cho nông dân nghe.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết thời gian qua, việc liên kết giữa “4 nhà” đã được triển khai nhưng thiếu sự phối hợp tổng thể nên dẫn tới việc đứt đoạn thông tin là thực tế xảy ra không phải giữa các bộ, ngành với nhau mà là từ bộ, ngành tới các địa phương, nơi trực tiếp tổ chức sản xuất cũng như giữa chính quyền với doanh nghiệp.
“Việc thiếu liên kết là nguyên nhân chính dẫn đến hàng loạt khó khăn trong tiêu thụ nông sản mà dưa hấu và củ hành tím là điển hình mới nhất” - ông Tuấn Anh nói và cho biết để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ thường xuyên trao đổi thông tin về diễn biến thị trường, khả năng cân đối cung - cầu các mặt hàng trên thế giới, đồng thời đẩy mạnh việc phát triển hệ thống thương mại nội địa, nhất là hệ thống phân phối, lưu thông giúp tiêu thụ tốt hơn. Nhà nước chỉ đóng vai trò xây dựng chính sách. Vai trò của doanh nghiệp mới là yếu tố quan trọng hàng đầu trong tiêu thụ nông sản.
Bên vẽ cứ vẽ, bên làm cứ làm
Ông Nguyễn Trọng Thừa nói công tác quy hoạch trên lý thuyết rất tốt, từ sản lượng, diện tích trồng, thị trường ra sao và định hướng dài hạn thế nào... đều được dự báo và lên kế hoạch cụ thể nhưng triển khai thực hiện thì không đúng, như quy hoạch cà phê chỉ 520.000 ha thì nay đã có hơn 620.000 ha; cao su thì quy hoạch 800.000 ha thì nay có khoảng 1 triệu ha.
Bình luận (0)