Có lần, một người ở tỉnh Đắk Lắk đi chợ thấy thợ săn bán con voọc mới sinh và một con khỉ già nên mua về. Vài ngày sau, người này liên hệ Chi cục Kiểm lâm TP HCM với ý muốn trao tặng lại vì thấy sức khỏe của chúng ngày càng xấu. Nhận được tin, ngay trong đêm hôm đó, các thành viên trong đoàn cứu hộ lập tức lên Đắk Lắk để tiếp nhận.
Chuyến đi để đời
Khi lên tới nơi, đoàn cứu hộ thấy con khỉ vẫn có thể duy trì được sự sống, trong khi chú voọc chưa đầy tháng tuổi đang trong tình trạng nguy kịch. Người dân cho biết con voọc bị giam mấy ngày liền nên cho gì nó cũng ăn, kể cả cơm và chuối. Trong khi đó, loài voọc chỉ ăn các loại lá thì mới tiêu hóa được.
Biết để duy trì sự sống cho chú voọc là rất khó nhưng còn nước còn tát, đoàn cứu hộ lập tức đưa nó và con khỉ già về TP HCM. Thế nhưng, ô tô vừa đến thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông thì gặp sự cố. Các thành viên trong đoàn cứu hộ phải mua 2 chiếc khăn để đắp ấm cho chú voọc và chở bằng xe máy, đồng thời tìm cách sửa chữa chiếc ô tô để về TP càng sớm càng tốt. Dù khi về đến TP, các bác sĩ thú y đã sử dụng các biện pháp đặc biệt với hy vọng sẽ cứu được con voọc nhưng chỉ 2 ngày sau, nó đã chết do thức ăn trong bụng không tiêu hóa được.
Đối với con khỉ già, cũng phải mất 1 năm với chế độ chăm sóc đặc biệt, lực lượng cứu hộ mới tiến hành thả về rừng tại Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, tỉnh Kon Tum. Thế nhưng, khi đưa nó vào rừng sâu hơn 5 km thì xe không thể chạy tiếp vì đường toàn dốc đá cheo leo. Lập tức, cả đoàn lại tiếp tục lội bộ vào rừng thêm 5 km nữa mới thả con khỉ.
Đoàn cứu hộ tưởng rằng sau một thời gian sống cách xa núi rừng, khi được thả ra khỏi lồng nhốt, con khỉ sẽ chạy thẳng vào với thiên nhiên nhưng nó đã làm ngược lại, không chịu đi mà cứ quấn quýt các anh. Không còn cách nào khác, các thành viên trong đoàn phải mắc võng nằm chờ đến tờ mờ sáng hôm sau, khi bầy khỉ rừng đi qua thì con khỉ già mới chịu nhập đàn.
“Đó là chuyến đi đặc biệt nhất trong cuộc đời cứu hộ của tôi” - ông Trấn Nhất Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi, nhớ lại.
Giao nộp thú ngày càng nhiều
Từ ngày thành lập đến nay, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi đã cứu hộ được 3.285 cá thể, thả về tự nhiên 2.343 con, trong đó có nhiều loài động vật đặc biệt quý hiếm, nằm trong sách đỏ thế giới.
Chỉ tính riêng ở TP HCM, đã có hàng trăm vụ buôn bán trái phép động vật hoang dã bị triệt phá, cơ quan chức năng thu giữ hàng trăm cá thể động vật quý hiếm, cứu hộ thành công và thả về các Vườn Quốc gia Nam Cát Tiên, U Minh Thượng, U Minh Hạ, Núi Chúa... Sau một thời gian được cứu hộ, hầu hết các loài thú đã quen với hơi người, thậm chí nhiều trường hợp trước khi được thả về rừng còn nhìn các thành viên như muốn van xin được ở lại.
Bác sĩ thú y Nguyễn Thành Thái cho biết lần nọ, người dân ở tỉnh Bến Tre đánh bẫy được nguyên tổ mèo rừng. Sau đó, họ giết mèo mẹ để ăn thịt, còn 4 mèo con thì để nuôi. Do không hiểu cách nuôi nhốt nên người này liên hệ với Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi để trao tặng. Khi các thành viên đoàn cứu hộ xuống đến nơi thì 2 con đã chết, 2 con còn lại được đưa về trung tâm. Sau gần 1 năm chăm sóc, chúng được trung tâm quyết định thả về Vườn Quốc gia Cát Tiên. “Khi tiến hành thả chúng về rừng, 2 con mèo cứ quyến luyến như không muốn rời xa các thành viên trong đoàn cứu hộ” - ông Thái kể.
Kỳ tới: Bệnh viện cho thú quý
Bỏ làm kế toán đi… cứu thú Bác sĩ thú y Nguyễn Thành Thái cho biết trước đây ông học chuyên ngành kế toán, ra trường làm việc cho một công ty nước ngoài. Thế nhưng, từ tình yêu động vật, ông đã thi vào Trường Đại học Nông Lâm, học chuyên ngành thú y. Năm 2010, sau khi ra trường, ông Thái theo nghề cứu hộ và từ đó đến nay đã có hàng trăm con thú được ông cứu sống. “Nhiệm vụ của tôi là phải tiếp cận từng con thú, tiến hành khảo sát tình hình, tìm hiểu bệnh tình để có các biện pháp chăm sóc riêng” - ông Thái nói. |
Bình luận (0)